Lạng Sơn - Lạng Sơn ơi!

17:44, 09/07/2014

Nghe mấy anh bạn khoe: đi Lạng Sơn để dự kỷ niệm 50 năm thành lập tờ báo Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn. Tôi thoáng giật mình: Tính từ ngày ấy đã ba mươi năm rồi ư? Nhanh thật. Hồi ấy, đầu năm 1984, chúng tôi chẳng đã đi dự kỷ niệm 20 năm Báo Lạng Sơn là gì ? và thế là kỷ niệm ùa về…

Đầu năm 79, chúng tôi còn ở Hà Nội, Bắc Kinh phát động Chiến tranh Biên giới: Cả nước sục sôi, Hà nội sục sôi. Lớp Văn A và B của chúng tôi tới hai phần ba vừa trở lại học tập sau thắng Mỹ, lại đứng trước thực tế là giặc phương Bắc tràn qua biên giới tàn sát dân lành, xâm lược nước ta. Sinh viên nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cắt máu viết huyết thư tình nguyện lên đường cứu nước…các nhạc sỹ thì sáng tác ca khúc khích lệ “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới ”… còn anh bạn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - người vừa đi ra từ sự gian khổ và mất mát của cuộc kháng chiến chống Mỹ hiểu hơn ai hết về chiến tranh cũng đã hạ bút:

  

“ Việt Nam ôi yêu thương

Chữ vất vả gian nan người quá thấu

Bao thế hệ chọn đời đi chiến đấu

Bao cuộc đời nhắc đến đã gương soi ”

 
Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi

Bóng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu

Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu

Mà môi cười tha thiết Việt Nam ơi (!)

 

Rồi chiến thắng thuộc về chính nghĩa. Mưu toan mở rộng sân sau của họ không đạt được, họ rút quân về phía bên kia. Và thế là những năm tháng giữ chốt, xây hầm vô cùng gian khổ lại bắt đầu. Có một câu trong bài hát “Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc”…quả vô cùng đúng…Hình ảnh các chiến sỹ bộ đội ta lên biên giới xây dựng phòng tuyến ngăn quân thù luôn để lại ấn tượng mạnh trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Cho dù quân bên kia có rút lui thì hậu quả tàn phá để lại cũng rất nặng nề. Khắp chiều dài biên giới từ Quảng Ninh đến Hoàng Liên Sơn, đâu đâu cũng tái thiết lại và xây dựng cuộc sống mới. Và sau năm 1979, kinh tế Việt Nam ta gặp muôn vàn khó khăn.

 

***

 

Đầu hè 1984, anh em làm Báo Bắc Thái chúng tôi được mời lên dự kỷ niệm 20 năm thành lập Báo Lạng Sơn. Tổng Biên tập Phạm Hồng Dương cử hai phó Tổng Biên tập là Văn Giang và Văn Nhân lên dự. Tôi là phóng viên được cử đi tác nghiệp. Mấy hôm chuẩn bị đi, Đài nói pháo Trung Quốc thường xuyên bắn qua biên giới, cũng có người đã bị thương. Sau gần 4 năm rồi nhưng chưa ngày nào biên giới yên tĩnh. Phó Tổng Biên tập Đinh Văn Nhân bảo tôi xuống Thành đội mượn khẩu CKC, theo ông biết đâu nhà báo cũng phải chiến đấu.

 

Đường 1B những ngày này khá đông người, xe xuôi ngược. Xe xuôi chở sắn khoai về xuôi chống đói, xe ngược chở bộ đội. Ô tô chở mấy nhà báo chúng tôi hòa trong dòng người đi ngược. Đến Tu Đồn, gặp mấy xe xuôi nói không lên được Đồng Đăng vì thỉnh thoảng tại Cao Lộc, pháo địch vẫn bắn sang. Các anh lái xe còn bảo: “Lại còn đi xe của Liên Xô sản xuất nữa, nguy hiểm lắm đấy (!)”. Do đường xá xuống cấp và khó đi nên đến Cao Lộc xe chúng tôi bị vỡ ổ bi bánh trước. Đành gửi lái xe và xe hỏng tại một bản nhỏ bên đường và 3 chúng tôi đi bộ từ Cao Lộc qua Đồng Đăng và về tới thị xã Lạng Sơn lúc ấy đã gần sáng.

 

Thị xã vùng biên hơn 3 năm sau chiến tranh còn nghèo lắm. Phố xá kiến thiết lại dở dang. Nhiều người khi giặc tràn sang tản cư về Đồng Mỏ, Kép…Nay mới trở lại xây dựng nhà cửa làm ăn sinh sống. Sáng sớm, chúng tôi qua cầu Kỳ Cùng đến con đường nhỏ giữa thị xã, nơi có tấm bia ghi lại nơi hy sinh của nhà báo Nhật Bản Tacano khi đang làm phóng sự lúc quân Trung Quốc chiếm đóng năm 1979.

 

Trụ sở Báo Lạng Sơn là những ngôi nhà cấp 4 sơ sài trong thành Lạng Sơn cũ. Tổng Biên tập Hà Nghiêm được tin đoàn Thái Nguyên đêm qua đi bộ từ Đồng Đăng - Cao Lộc tới dự tỏ rõ sự cảm động và vui mừng khôn xiết. Những năm ấy, làm báo nào cũng vất vả, báo Đảng địa phương vất vả hơn, Báo của tỉnh biên giới lại vất vả hơn nữa. Cả tòa soạn chỉ có hơn chục cán bộ, phóng viên, vậy mà các anh chị em phải bươn bả tác nghiệp cả một vùng biên ải rộng lớn. Có lúc Lạng Sơn là Cao Lạng (sáp nhập với Cao Bằng) nên đi hết biên giới có đến năm sáu trăm cây số. Tờ Báo Lạng Sơn đọc hay. Hay ở chỗ các phóng sự luôn bám sát hoạt động biên giới nên kích thích người xem. Thành thật mà nói, chỉ có các phóng viên lớn lên với núi đèo, lội suối trèo đèo từ lúc mới ra đời mới có sức khỏe, độ dẻo dai mà tác nghiệp…Do vậy, các bài phóng sự về xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, đấu tranh chống xâm lấn, phá hoại luôn là chủ đề xuyên suốt của Báo Lạng Sơn. Vì thế, kỷ niệm 20 năm hết sức thiết thực, chủ yếu là câu chuyện làm báo biên giới và dùng ngòi bút tố cáo kẻ thù.

 

Những người đến dự mang theo nhiều tâm trạng. Nhưng tâm trạng xuyên suốt là cảm thông, chia sẻ và cả khâm phục nữa. Riêng tôi, những ấn tượng về kỷ niệm 20 năm Báo Lạng Sơn đã để lại nhiều kỷ niệm.

 

Tổng Biên tập Hà Nghiên là người được học hành bài bản (anh học khóa 1 – phân viện Báo chí), anh có nghề (thời bấy giờ hầu hết các Tổng Biên tập đều xuất thân từ cán bộ đoàn thể, tuyên huấn) cho nên gọi là tờ báo miền biên viễn nhưng chẳng khác gì một tờ báo miền xuôi. Anh Hà Nghiên tâm sự với đồng nghiệp xa đến: "Mấy năm trời vừa qua (ý nói từ sau tháng 2/1979), chẳng thể làm việc hay đổi mới được gì. Phản ánh việc xâm chiến, dọa nạt, phá hoại ngầm của phía bên kia cũng chiếm hết thời gian. Anh bảo ở cạnh một láng giềng như thế khổ lắm… Lưu lại Lạng Sơn, chứng kiến cảnh đi thực tế của phóng viên với chiếc xe đạp, với chiều dài biên giới điệp trùng, với cảnh bữa đói bữa no mà cầm lòng không đặng. Dịp ấy có lần lãnh đạo Lê Đức Thọ lên thăm chốt, mặc dù có bộ đội cõng ông lên mà thấy cảnh anh em khổ sở, ông về cũng làm bài thơ gây xúc động dư luận…"

 

***

 

Trở về Bắc Thái với lọ tinh dầu hồi (thứ tinh dầu được tinh kết từ đất – nước và người Lạng Sơn) là quà tặng của Báo Lạng Sơn, lòng chúng tôi trĩu nặng. Những câu hỏi đặt ra cho một thực tế: Chiến tranh luôn rình rập thế này thì làm ăn ổn định đời sống ra sao? Có bao sức người và tiền của dồn vào cả hầm hào thế này…

 

Tôi lại đi bộ mấy chục cây số trở lại cái bản bên đường mà chúng tôi gửi lại ô tô để chờ mua vòng bi từ Thị xã Lạng Sơn về thay. Anh Dương Xuân Tưởng đã nằm ở đấy 3 đêm để trông xe. Anh bảo: "Bản của người Nùng lại vào khi giáp hạt, lúc nào cũng chỉ có món cháo nấu đặc ăn với muối ớt và anh đã 3 ngày nương nhờ vào họ"….Cái vòng bi mà tôi mang đến khi lắp vào trục trước của chiếc VonGa loại cần số điều khiển bằng tay ngay dưới vô lăng hơi chật. Anh em chúng tôi đào hố lấy chỗ ngồi xuống mà đẽo trục cho nhỏ đi. Chiếc dao rựa mượn của đồng bào và nửa ngày lao động cuối cùng xe cũng lăn bánh được và dĩ nhiên 3 ngày sau mới “bò” về đến Thái Nguyên. Sự vất vả ấy chả là gì so với phóng viên Lạng Sơn lên chốt viết bài, cho nên 30 năm qua tôi chưa kể với ai.

 

Không có mặt ở Lạng Sơn dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Báo nhưng tôi chắc mọi người sẽ kể lại chuyện xưa - Đẹp lắm! Anh hùng lắm chứ! Có phải không Anh Thảm, Anh Hôm, Anh Chấn Lạng Sơn của tôi !