Lính trẻ ở Trường Sa

10:01, 10/07/2014

(TN)- Vào những ngày này, Biển Đông đang “dậy sóng” khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời liên tục có những hành động gây hấn gây nên tình trạng căng thẳng. Tôi lại nhớ nhiều hơn khoảng thời gian được ra công tác ở Trường Sa và vững niềm tin rằng chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc sẽ luôn được giữ vững, bởi ở đó có những người lính đang ngày đêm chắc tay súng, tạo nên một pháo đài hiên ngang, bất diệt trước bất cứ mối đe dọa nào.

Tôi là một trong những người may mắn được cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra thăm quần đảo Trường Sa những ngày giáp Tết Nguyên đán 2014. Chuyến hải trình gần 1 tháng trên tàu HQ 571 đã để lại trong tôi nhiều trải nghiệm sâu sắc. Đó là cảm giác cồn cào say sóng biển, từng giờ mong ngóng được nhìn thấy và đặt chân lên đảo khi lênh đênh trên tàu cả tuần liên tục; là một đêm duy nhất được ngủ lại trên điểm đảo chìm Thuyền Chài B giữa sóng và gió; là tình cảm sâu nặng, thắm thiết giữa đất liền với tiền phương, giữa quân với dân… Và trên hết, ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là hình ảnh những người lính đảo, phần lớn còn rất trẻ, mặc dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn, sóng gió nhưng họ luôn lạc quan, yêu đời và có một lý tưởng sống cao đẹp, đáng ngưỡng mộ.

 

Cây đàn ghi ta luôn thân thiết của những người lính trẻ trên quần đảo Trường Sa.

 

Đồng hành cùng những tân binh trên chuyến tàu ra đảo những ngày giáp Tết, chúng tôi như có thêm niềm hứng khởi. Họ đều ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và tình nguyện xin ra đảo làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chiến sĩ trẻ Trần Văn Tuấn, là con một trong gia đình có bố là công an ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, nói với tôi rằng: “Em muốn xung phong ra đảo, đối diện với sóng gió biển khơi để rèn luyện bản thân. Bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ”. Đó cũng là suy nghĩ của chàng trai dân tộc Chăm đầu tiên và duy nhất của tỉnh Bình Thuận viết đơn tình nguyện ra Trường Sa làm nhiệm vụ - Thạch Y Miên. Chàng chiến sĩ trẻ tâm sự: “Hôm lên đường em không báo cho gia đình biết. Em định ra đó rồi mới gọi điện về nhà để bố mẹ nghe thấy giọng nói của em giữa sóng biển Trường Sa, hẳn bố mẹ sẽ tự hào lắm”. Háo hức, mong ngóng sớm được nhận nhiệm vụ tại vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là tâm trạng chung của những tân binh trẻ.

 

Chỉ huy các đảo, điểm đảo mà chúng tôi đã đi qua phần nhiều thuộc lứa tuổi 8X, chỉ hơn hoặc kém tôi một vài tuổi, nhưng rất bản lĩnh và dạn dày sóng gió. Thượng úy Bùi Duy Việt, sinh năm 1988, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Tây B là một trong những người như thế. Bất cứ ai tiếp xúc, dù là lần đầu với Thượng úy Việt đều có thiện cảm bởi phong cách dễ mến, dễ gần và năng động của anh. Việt quê ở Nam Định, lập gia đình được một thời gian ngắn đã tình nguyện ra đảo làm nhiệm vụ. Khi được hỏi, động lực nào khiến anh xung phong ra Trường Sa để công tác, Việt chia sẻ: “Tôi chỉ nghĩ, tuổi trẻ thì phải xông pha, đứng nơi tuyến đầu để nhận trách nhiệm lớn lao bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Suy nghĩ của Việt cũng là quyết tâm chung của những người lính trẻ, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để phục vụ cho Tổ quốc. Nhiều trường hợp đã mấy năm trời đằng đẵng làm nhiệm vụ ngoài đảo xa mà chưa có dịp về thăm gia đình. Ra đảo một thời gian ngắn thì vợ sinh con, khi được về thăm nhà thì con đã bi bô tập nói. Hoặc lúc lên đường làm nhiệm vụ thì con vẫn còn nhỏ, lâu ngày trở về con nhìn thấy lạ mà không theo cũng là chuyện bình thường.

 

Kỷ niệm nhớ nhất trong chuyến công tác của tôi là hình ảnh của Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Văn Lưu, nhân viên thông tin (thuộc Đội đảm bảo kỹ thuật sân bay Trường Sa). Cả tháng trời anh Lưu mong mỏi, chờ đợi chuyến tàu về đất liền để được lần cuối gặp mặt người cha đang lâm trọng bệnh ở nhà. Thế nhưng bệnh tật quái ác đã cướp đi nhịp thở của người cha già yếu trước ngày anh kịp trở về. Chờ đợi mỏi mòn là vậy, nhưng khi nhận được tin sẽ cùng tàu HQ 571 trở về đất liền, anh vẫn không tránh khỏi cảm xúc lưu luyến. Chia tay đồng đội trên cầu cảng, những giọt nước mắt cùng cái siết tay thật chặt, anh khẽ khàng: “Em chưa muốn chia tay các anh, nhưng em phải về với bố em đây! Các anh ở lại mạnh khỏe và nhớ đến em nhé”…

 

Những câu chuyện cảm động như vậy dường như không hiếm với người lính đảo. Dù chịu nhiều thiệt thòi, đối diện với không ít khó khăn, giản khổ, thử thách, nhưng họ vẫn không rời vị trí được giao và lớp lớp những người lính trẻ vẫn đang tiếp bước cha anh xung phong ra đảo làm nhiệm vụ. Trong những ngày này, khi Biển Đông đang “dậy sóng”, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc bị xâm phạm, tôi đã gọi điện thăm hỏi những chiến sĩ mình từng gặp trong chuyến công tác, hiện vẫn đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Các anh đã nhắn gửi về đất liền nhiều tâm sự, cùng sự khẳng định đanh thép: “Chúng tôi đều xác định tư tưởng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đất liền hãy vững tin, anh em chiến sĩ ở Trường Sa luôn kiên định, chắc tay súng để đối diện với bất kỳ mối đe dọa nào”.