Kể cả khi Nghị định thay thế Nghị định 84 được ban hành, việc quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét.
Nghị định ban hành chậm trễ
Tại thông báo số 246 của Văn phòng Chính phủ mới đây, thông báo kết luận của thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Liệu đây có phải là thông báo yêu cầu cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ đối với việc xây dựng, ban hành Nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu đối với bộ chủ quản về lĩnh vực này, sau rất nhiều lần lần lữa của người đứng đầu Bộ Công Thương, ít nhất qua ba kỳ họp Quốc hội.
Theo khẳng định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thu Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu có tác động đến mọi mặt của nền kinh tế. Việc chậm trễ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã được các đại biểu Quốc hội khóa XIII tiếp tục kiến nghị tại kỳ họp thứ 7 vừa qua và yêu cầu khẩn trương hoàn thiện để ban hành.
Bà Lê Thu Nga cho biết, trong lĩnh vực quản lý kinh doanh xăng dầu, trước hết, Bộ Tài chính đã quản lý khá tốt về vấn đề truy thu thất thu thuế ở khâu tạm nhập tái xuất. Theo đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành và Cơ quan Hải quan làm việc khá hiệu quả trong việc chống buôn lậu, chống thất thu thuế qua tạm nhập tái xuất.
Tuy nhiên, bà Nga cũng cho biết, tổng thể hành lang pháp lý về quản lý điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết dứt điểm. Thực trạng hiện nay là cứ khi nào cơ quan chức năng đẩy mạnh, tập trung giám sát quá trình điều hành giá xăng dầu thì thị trường tạm được ổn định, còn khi nào các cơ quan chức năng lơ là thì lại biến động ngay lập tức. Do vậy, cần phải có biện pháp quyết liệt để giải quyết được vấn đề này, trong đó cần nhanh chóng ban hành Nghị định thay thế Nghị định 84 về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Mặc dù vậy, cho đến nay, sau rất nhiều lần góp ý và cam kết sửa đổi của các tư lệnh ngành, Nghị định này vẫn chưa thể ban hành. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu, do vậy, những hành lang về pháp lý cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo tính chính xác giá xăng dầu là vấn đề rất quan trọng và cần nhìn nhận một cách kỹ lưỡng.
Bà Nga cho rằng, sở dĩ việc ban hành Nghị định thay thế diễn ra chậm chễ là do quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu liên quan đến lợi ích của rất nhiều bên, bao gồm người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý Nhà nước.
Thực tế, người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế lâu nay đưa ra rất nhiều ý kiến cho rằng phải xem xét lại Nghị định 84, bởi một văn bản mà điều chỉnh về một lĩnh vực mà tất cả các bên đều cảm thấy bất cập thì rõ ràng lĩnh vực này có hành lang pháp lý bất hợp lý. Do vậy, Quốc hội cũng đã nhiều lần đặt yêu cầu Bộ Công Thương nhanh chóng sửa đổi Nghị định này.
Tuy nhiên, sau ba kỳ họp Quốc hội, Nghị định thay thế Nghị định 84 vẫn chưa được ban hành. Điều này cho thấy cách làm việc thiếu khoa học và không tích cực của các cơ quan liên quan.
Và việc Nghị định thay thế Nghị định 84 chậm ban hành cũng khiến nhiều người dân cũng đặt ra câu hỏi, liệu có yếu tố lợi ích nhóm trong vấn đề này hay không?
Nhiều vấn đề tồn đọng xung quanh hoạt động kinh doanh xăng dầu
Theo bà Nga, nếu Nghị định này được ban hành trong năm nay, việc quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét. Trước hết, quỹ bình ổn không nên được để ở doanh nghiệp mà nên chuyển về cho Kho bạc Nhà nước quản lý hoặc một cơ quan Nhà nước khác để có thể quản lý hiệu quả hơn.
Vấn đề thứ hai cần xem xét là mặt hàng xăng đang bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào mặt hàng Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng như rượu, casino, thuốc lá,… những mặt hàng xa xỉ mà Nhà nước đánh vào để tiết chế việc tiêu dùng của người dân. Song bà Nga cho rằng không thể coi xăng giống với những hàng hóa trên. “Tôi cho rằng nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, do đây là một mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Đánh thuế tiêu thụ đối với mặt hàng xăng sẽ khiến người tiêu dùng bị thiệt”, bà Nga nhận định.
Vấn đề thứ ba được đề cập đến là việc Bộ Công Thương cho phép đưa mặt hàng xăng dầu vào mặt hàng thuộc diện tạm nhập tái xuất là không nên, do mặt hàng này không đạt yêu cầu của loại hàng hóa tạm nhập tái xuất, và việc này sẽ khiến công tác phòng chống buôn lậu gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, để Nghị định có thể áp dụng hiệu quả vào công tác quản lý thị trường, Nhà nước cần phải cân nhắc tìm ra một cơ chế cạnh tranh thị trường có yếu tố đầy đủ. Nếu để Quỹ bình ổn ở doanh nghiệp như hiện nay, trong khi ở thị trường xăng dầu nước ta, 50% thị phần thuộc về Tập đoàn Petrolimex có bộ chủ quản là Bộ Công Thương. Khi quyền điều hành giá xăng dầu thuộc về Bộ Công Thương sẽ khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Do vậy, các đại biểu cho rằng mặc dù cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 84, nhưng trước hết Chính phủ cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng, tổng thể những vấn đề có liên quan bao gồm cả về cơ quan điều hành, công tác quản lý và Luật Giá xăng dầu trước khi ban hành Nghị định mới này./.