Ngay sau khi nhận được thông tin 18 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong vụ việc chiếc máy bay trực thăng Mi 171, số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân trong khi bay huấn luyện, thả dù tại khu vực sân bay Hòa Lạc, do bị cháy động cơ, đã rơi tại thôn 11, xã Thạch Hòa, Thạch Thất (Hà Nội) vào sáng ngày 7-7, có Trung tá Đặng Thành Chung - người con ưu tú của xóm Tân Tiến, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), chúng tôi đã đến chia sẻ cùng gia đình nỗi đau mất mát.
Một không khí lặng lẽ bao trùm lên vùng quê Sông Cầu bình dị. Người dân trong thị trấn như cùng mang khắc khoải một niềm đau mất mát. Anh Trần Văn Khôi, Chủ tịch UBND thị trấn tự hào: Tôi với Chung là bạn “nối khố” từ nhỏ. Lớn lên, tôi vào bộ đội trinh sát luồn sâu, còn Chung vào Quân chủng Phòng không - Không quân. Thỉnh thoảng ngồi với nhau hàn huyên, cao hứng tôi kể cho Chung nghe chuyện những ngày ở biên giới; còn Chung kể cho tôi nghe chuyện được bay lượn trên bầu trời Tổ quốc với cánh dù.
Trung tá Đặng Thành Chung đã bay vào miền cực lạc xanh thẳm của bầu trời Tổ quốc. Nhưng đồng đội, người thân, bạn bè vẫn gọi tên anh, tự hào về anh, người con của vùng đất thép Thái Nguyên Anh hùng.Ông Đặng Phước và bà Đoàn Thị Loan (bố, mẹ anh Chung) gắng vượt lên nỗi đau mất con, nên nước mắt cứ ầng ậc trực trào. Ông Phước, người con của vùng đất phương Nam (T.P Tuy Hòa, Phú Yên). Ông Phước là cán bộ tiền khởi nghĩa tập kết ra miền Bắc năm 1955. Sau tập kết, ông được Đảng, Nhà nước phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau, và được tăng cường đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước làm nhiệm vụ. Năm 1960, ông xây dựng hạnh phúc với bà Loan, người con gái Thành Đông (Hải Dương). Do yêu cầu nhiệm vụ, năm 1963, ông Phước được Đảng, Nhà nước điều động lên Nông trường chè Sông Cầu công tác.
Cũng từ đây, vợ chồng ông gắn bó với Thái Nguyên và lần lượt sinh được 5 người con. Ông Phước cho biết: Chung là người con thứ 3 trong gia đình. Từ nhỏ, Chung đã rất hiếu động, chăm chỉ chịu khó giúp đỡ bố mẹ. Còn bà Loan tự hào: Chung khéo tay, thích làm mộc, làm thợ sửa chữa cơ khí và rất thích chụp ảnh. Nhờ chịu khó quan sát, Chung tự mày mò làm đồ mộc, tự sửa chữa xe máy cho bạn, Chung còn tự đi mua máy ảnh, máy phóng ảnh hỏng về để tháo lắp, sửa chữa và đi chụp hình, tối về hì hụi tráng phim, rửa ảnh tặng người thân, bè bạn.
Ông Phước tự hào kể thêm: Ngày nhỏ, Chung đi học ở trường cấp I, cấp II thị trấn, khi học lên cấp III, Chung học bên Trường Lương Ngọc Quyến. Nhà xa, ngày nào Chung cũng dậy sớm, có khi chưa kịp ăn sáng đã vội buộc cặp sách sau xe, đạp đến trường…
Giây lát dừng lời như để kiềm dòng nước mắt, ông Phước tiếp tục câu chuyện: Năm 1987, Chung nhập ngũ. Tôi đã mượn xe máy của hàng xóm để đưa Chung vào cơ sở y tế trong thị trấn Trại Cau để khám sức khỏe. Do có thể lực tốt, Chung được lựa chọn vào Quân chủng Phòng không - Không quân. Suốt 27 năm công tác trong quân đội, Chung luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng đội, bạn bè yêu mến.
Những ngày không phải trực đơn vị, Chung thường đưa vợ và 2 con gái về thăm ông, bà nội, ngoại, thăm bà con chòm xóm. Cử chỉ thân thiện, gần gũi nên anh được mọi người thương yêu. Ông Nguyễn Văn Khiêm, Bí thư Chi bộ xóm Tân Tiến cho biết: Chung công tác ở xa, nhưng với các gia đình trong xóm thì Chung như con cái trong nhà.
Bên bàn uống nước, mọi người ngồi lặng yên, không ai muốn nhắc gợi nỗi đau mất mát con người. Ông Nguyễn Văn Đông và các bà: Vũ Thị Tuyến, Nguyễn Thị Sửu, Vũ Thị Ninh… (người hàng xóm), ai nấy mang vẻ mặt bùi ngùi, nuối tiếc. Cũng từ hôm biết chính xác hung tin, các ông bà đại diện cho chính quyền thị trấn Sông Cầu; bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng ban công tác mặt trận, các đoàn thể và bà con chòm xóm đã thường xuyên có mặt tại gia đình để động viên, an ủi, chia sẻ. Còn chúng tôi, những người làm Báo Thái Nguyên về Tân Tiến (Sông Cầu, Đồng Hỷ), đến nhà thân nhân liệt sĩ, Trung tá Đặng Thành Chung với mong muốn được cùng chia sẻ mất mát, tổn thất cùng gia đình.
Lời đau thương xin chôn chặt đáy lòng để cùng có hành động, nghĩa cử cao đẹp. Bởi Trung tá Đặng Thành Chung là niềm tự hào của không riêng gia đình, mà là niềm tự hào của người dân vùng đất thép Thái Nguyên.