Phát huy vai trò thanh niên xung kích đi đầu

16:17, 27/07/2014

Giữa nắng hè oi ả, sân Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên vắng bóng sinh viên khi năm học kết thúc, thay vào đó là màu áo xanh của những thanh niên tình nguyện thuộc đội thanh niên tình nguyện vệ sinh môi trường của Trường. Họ đảm nhận công việc này gần 2 năm nay, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên có khuôn viên rộng chừng 54ha, những năm gần đây, Trường đã được đầu tư xây dựng giảng đường, ký túc xá cao tầng hiện đại và khuôn viên cảnh quan phù hợp kiến trúc của một môi trường giáo dục, đào tạo hiện đại. Cùng với những đổi mới về cơ sở vật chất, Nhà trường luôn quan tâm đến nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Đảng bộ Nhà trường đã triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Học tập và và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cụ thể hóa các chương trình hành động trong từng nội dung công tác.

 

Đoàn Thanh niên Nhà trường luôn đi đầu trong các phong trào học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và thực hiện chương trình tình nguyện. Đồng chí Hồ Bá Dũng, Bí thư Đoàn trường cho biết: Sau học tập các nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ, chúng tôi đã xác định, phải chọn việc để làm phù hợp từng thời điểm, tránh dàn trải và phải có tính chất đột phá. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, xung kích, tình nguyện tiếp sức mùa thi... đều là những nội dung không còn mới. Vì vậy, năm học 2012-2013, Đoàn Thanh niên Trường đã chọn nội dung: Tuổi trẻ tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tính cần - kiệm.

 

Trong nhiều năm qua, hoạt động lao động, vệ sinh môi trường, cảnh quan của Nhà trường được giao phó cho lực lượng lao công thuộc bộ phận Hành chính quản trị - phục vụ, nên sinh viên gần như không ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong công việc này. Các đồng chí Lê Xuân Hưng, Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Đoàn Trường nhớ lại: Ban đầu, Đội tình nguyện chỉ có gần hai chục thành viên. Hằng tuần, sau các giờ học, Đội phân công phối hợp với lực lượng lao công của Trường đến từng khu vực gom rác thải, quét dọn vệ sinh công cộng, lau bàn ghế, cửa sổ, cửa kính rồi kéo xe chở téc nước đi tưới cây cảnh... Vì lực lượng mỏng, làm không hết việc, ai cũng thấy nản. Anh em trong Đội lại động viên nhau, phải kiên trì và lựa chọn thời điểm thích hợp, có tác động trực quan đến toàn thể các bạn sinh viên... thì mới có thể thuyết phục các bạn đồng cảm và hưởng ứng theo. Học kỳ I năm 2012 kết thúc, niềm vui đã đến với Đội tình nguyện, số lượng đoàn viên đăng ký gia nhập Đội tình nguyện bảo vệ  môi trường đã tăng lên 60 thành viên. Đặc biệt, trên giảng đường, ký túc xá gần như không còn hiện tượng thải rác, giấy, báo cũ bừa bãi, tất cả được thu gom phân loại vào đúng vị trí. Tuyệt đối trong sinh viên không còn hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, thải kẹo cao su ra đường đi, sân trường hay giảng đường... Sang năm học 2013-2014, Đoàn Thanh niên Nhà trường mở rộng thêm các hoạt động tình nguyện, như nghiên cứu và ứng dụng việc nhân giống các loại cây cảnh, hoa trồng trang trí; hướng hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường về nông thôn dịp nghỉ hè...

 

Với sự năng động, sáng tạo của sinh viên trong Đội tình nguyện, chương trình hành động bảo vệ môi trường đã để lại ấn tượng tốt đẹp và thu hút tình nguyện viên tăng lên trên 100 thành viên. Qua gần hai năm hoạt động, mỗi học kỳ, Đội tình nguyện đã thu gom được trên 2 tấn giấy vụn, nhân giống được hàng nghìn cây cảnh, chậu hoa cảnh cơ động, phục vụ các hoạt động khánh tiết, hội họp tại trường. Trong lao động, Đội Tình nguyện đã nhận được hàng chục sáng kiến ứng dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, năm học 2013-2014, Đoàn Thanh niên đã tham mưu với Nhà trường hoàn thiện được quy chế lao động công ích đối với sinh viên, 100% sinh viên ký cam kết thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hằng tháng tại trường, có tính điểm rèn luyện mỗi kỳ học. Thông qua hoạt động tình nguyện này, đến nay, mỗi năm đã tiết kiệm được cho Nhà trường trên 100 triệu đồng; cắt giảm chi phí thuê lao động tạp vụ hàng năm trên 40 người.

 

Tình nguyện viên Nguyễn Thị Bích Phượng, sinh viên K47, Khoa Điện, nhớ lại: Hè 2013, tham gia Đội tình nguyện về xã Tân Kim, huyện Phú Bình hoạt động 3 tuần. Mặc dù chưa quen môi trường sinh hoạt ở nông thôn, cũng như chưa hề biết gặt lúa, nhổ lạc..., nhưng tôi đã cùng nhóm bạn chọn công việc thiết kế điểm gom rác thải ngay trên cánh đồng. Bằng sáng kiến chọn ống cống bê tông loại to đặt tại giao điểm các thửa ruộng, tiện lối đi làm đồng của nông dân. Toàn bộ rác thải như bao bì thuốc bảo vệ thực vật, lọ thủy tinh... đã được gom lại và hằng tuần đốt tại chỗ, hạn chế ô nhiễm môi trường. Hè 2014 này, tôi lại cùng các bạn trong Đội tình nguyện nhận công việc chăm sóc, nhân giống cây cảnh tại khuôn viên Nhà trường. Còn Vũ Xuân Đoàn, sinh viên K46, Khoa Cơ khí, năm nay là mùa tình nguyện thứ 4 Đoàn tham gia. Công việc Đoàn chọn tưởng như đơn giản là lau cửa kính, nhưng thao tác các vị trí cao, xa tầm tay lại cần nhiều kỹ năng, công cụ lao động tốt và nhất là sự an toàn trong lao động. Bằng kiến thức của mình, Đoàn đã chế tạo ra chổi lau kính gắn cao su, nối cút tự xoay để lựa vào các vị trí mà tay không thể với đến được. Công cụ này đã giúp Đoàn và các bạn làm nhanh hơn gấp ba đến bốn lần so với lau bằng tay, hơn nữa không phải tháo rời cửa kính khi lau.

 

Đến Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên hôm nay, chắc chắn điều mà mỗi người đã đến sẽ cảm nhận được: Một khuôn viên xanh, sạch, đẹp, một môi trường giáo dục, đào tạo hiện đại, cảnh quan và không gian kiến trúc thân thiện. Góp phần tạo nên hình ảnh đó, có một phần đóng góp không nhỏ của những sinh viên tình nguyện bảo vệ môi trường của Nhà trường.