Quan tâm giáo dục lối sống lành mạnh cho thanh niên

17:42, 07/07/2014

Hơn 20 năm làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), tiếp xúc với hàng nghìn lượt bệnh nhân, điều khiến Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh xót xa nhất là có những trẻ vị thành niên đến Trung tâm xin phá thai. Gần đây nhất là trường hợp một cháu gái tên N.H.C, 15 tuổi, ở T.P Thái Nguyên.

C. được mẹ đưa đến Trung tâm khám và đề nghị các bác sĩ loại bỏ thai đã được trên 20 tuần tuổi. Theo C. kể, cháu có quan hệ tình dục với bạn trai trong một lần đến chơi nhà bạn. Nghĩ sẽ không mang thai, cháu C. không nói với mẹ. Chỉ đến khi thai quá to, cháu không giấu được nên mới kể với mẹ. Với trường hợp như của cháu C, các bác sĩ ở đây đã tư vấn cho cháu sinh con vì việc nạo phá thai trong trường hợp thai to là rất nguy hiểm, dễ gây nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới SKSS của bà mẹ.

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoa cho biết: Đa số trường hợp mang thai tuổi vị thành niên đến với Trung tâm là mang thai ngoài ý muốn với nguyên nhân do quan hệ tình dục trước hôn nhân, thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai... Đối với trẻ vị thành niên khi mang thai thì sự lựa chọn nào cũng có nguy cơ để lại hậu quả ảnh tưởng tới tương lai. Khi mang thai và sinh nở ở độ tuổi vị thành niên, các em sẽ khó có khả năng hoàn thành việc học tập. Từ đó, khó tiếp cận với những cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc phải làm các công việc có thu nhập thấp. Con cái của các em thường phát triển chậm hơn, hay ốm đau nhiều hơn con của những người phụ nữ trưởng thành. Khi nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, trẻ phải đối diện với nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Đây không chỉ là một thách thức lớn cho công tác dân số, mà đáng lưu tâm hơn là nó có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

 

Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, hàng năm có khoảng 16 triệu trẻ em gái tuổi từ 15-19 sinh con và cứ 10 trẻ vị thành niên thuộc nhóm này thì có 9 trẻ vị thành niên lập gia đình. Đáng lưu ý, câu chuyện phá thai ở tuổi vị thành niên nước ta, hiện nay đã không phải là chuyện hiếm. Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 nghìn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19.

 

Còn theo Tổng cục DS-KHHGĐ, mặc dù tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng - chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, kiến thức của trẻ vị thành niên về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế. Chỉ có khoảng 20,7% trẻ vị thành niên sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên trong khi độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở trẻ vị thành niên nước ta ngày càng sớm.

 

Tại Thái Nguyên, theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2013, toàn tỉnh có trên 5,2 nghìn ca nạo phá thai. Tình trạng học sinh, sinh viên đi nạo hút thai sớm, thậm chí để thai quá to không biết, phải chỉ định phá thai to chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Quan hệ tình dục bừa bãi không có biện pháp bảo vệ không những dẫn đến có thai ngoài ý muốn mà còn có thể mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, AIDS, lậu, giang mai, sùi mào gà...

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho biết: Tại nước ta, nhóm dân số trẻ vị thành niên chiếm tỷ lệ lớn nhất đang bước vào giai đoạn quan hệ tình dục. Tuy nhiên, toàn quốc vẫn chưa có những biện pháp tích cực trong việc ngăn chặn mang thai ở tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn, tử vong mẹ, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm HIV. Vẫn còn những khoảng trống đáng kể về tiếp cận giáo dục tình dục toàn diện và các dịch vụ dành cho thanh niên. Trong khi đó, giai đoạn chuyển đổi từ vị thành niên sang người lớn được khỏe mạnh và an toàn là quyền của mọi trẻ em. Quyền này chỉ có thể được thực hiện nếu xã hội và gia đình tập trung vào đầu tư và tạo cơ hội để đảm bảo rằng trẻ em vị thành niên và thanh niên được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho một cuộc sống hữu ích và khỏe mạnh. Trẻ vị thành niên và thanh niên phải là trung tâm của chương trình nghị sự phát triển trong tương lai. Bảo vệ quyền của thanh niên và vị thành niên và đầu tư cho tương lai của các em bằng việc cung cấp giáo dục có chất lượng, công ăn việc làm ổn định, kỹ năng sống hiệu quả và tiếp cận với giáo dục sức khỏe sinh sản và giáo dục tình dục toàn diện bao gồm giới và quyền lực là hết sức cần thiết cho sự phát triển của thanh niên và vị thành niên, gia đình, cộng đồng và đất nước của họ.

 

Ngày Dân số Thế giới năm nay, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp Tổng cục DS-KHHGĐ phát động mang chủ đề “Đầu tư cho thanh niên” với mục tiêu kêu gọi toàn xã hội quan tâm tới thanh niên để đầu tư cho thanh niên, đầu tư cho tương lai đất nước. Để xây dựng được một lớp thanh niên đủ sức gánh vác những nhiệm vụ lớn lao của đất nước đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ; gia đình và toàn thể xã hội phải phải thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh niên. Chúng ta cũng cần tăng cường các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền của thanh niên, vị thành niên và đầu tư cho tương lai của các em bằng việc cung cấp giáo dục có chất lượng, công ăn việc làm ổn định, giúp các em tiếp cận với giáo dục sức khỏe sinh sản và giáo dục tình dục toàn diện đồng thời bảo vệ các quyền con người cho các em và thực hiện chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên và vị thành niên một cách tế nhị, bí mật, không phân biệt đối xử, không hạn chế về mặt pháp lý và phù hợp với các quy định quốc tế.