Quan tâm hơn nữa đối với nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam

11:11, 21/07/2014

Trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và chất độc da cam nói riêng, Ðảng, Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về xử lý các khu vực còn tồn lưu lượng đi-ô-xin cao. Ðồng thời ban hành chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Thúc đẩy công tác chăm sóc các nạn nhân và hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin.

Trong chiến tranh, chúng ta chưa có chính sách riêng đối với người bị nhiễm chất độc hóa học, mà gắn chung với các nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến, người bị thương, bị bệnh hoặc các đối tượng xã hội khác (người tàn tật, dị tật). Chiến tranh kết thúc, Ðảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo nghiên cứu và có các biện pháp khắc phục hậu quả chất độc hóa học gây ra với nhân dân. Ðặc biệt từ năm 2000 trở đi, bắt đầu có chính sách riêng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và đã dần hình thành chính sách độc lập, cơ bản, hệ thống đối với nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Chính sách này tập trung đối với những người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. Ðồng thời, Nhà nước ban hành nhiều chính sách bảo trợ xã hội, như: Trợ cấp kinh phí đào tạo, học nghề, tìm kiếm việc làm, vay vốn sản xuất, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng... Việc thực hiện các chính sách có tính hệ thống, có sự chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, sự nỗ lực của các địa phương và sự chung tay của toàn xã hội.

 

Tuy nhiên hiện nay, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập cả về nội dung văn bản chính sách, quá trình soạn thảo, ban hành chính sách và tổ chức thực hiện. Các chính sách đối với nạn nhân mới giải quyết được một phần. Tính đến tháng 2-2012, tổng số nạn nhân được hưởng khoảng 236 nghìn người, nhưng số hồ sơ tồn đọng còn khá nhiều, mức trợ cấp còn thấp. Ðời sống của các nạn nhân còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các nạn nhân bị bệnh nặng và gia đình nhiều nạn nhân gồm cả cha, mẹ, con, cháu đều bị nhiễm. Ðiển hình như ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Hải Phòng. Ngoài ra, còn nhiều nạn nhân nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách, chưa có chế độ trợ cấp. Ðặc biệt, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách có nơi chưa thật chặt chẽ, ở một số địa phương còn để xảy ra tiêu cực. Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH 13 cũng đang nảy sinh một số vướng mắc trong việc giải mã đơn vị, mất giấy tờ, bệnh án gốc... Nhiều nạn nhân đã mất trong khi chờ đợi được giải quyết giấy tờ, thủ tục, gây thêm bức xúc trong nhân dân.

 

Chính sách được ban hành chưa có đầy đủ cơ sở khoa học vững vàng. Chính vì vậy, diện hưởng chế độ chỉ ghi nhận chung chung "mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc hóa học, không còn khả năng lao động" hoặc "bị dị dạng, dị tật, không có khả năng lao động, không tự lực được trong sinh hoạt". Chính sách ghi nhận, quy định rất chung chung, thiếu tính cụ thể lại áp dụng cho những trường hợp cụ thể, đó là sự mâu thuẫn.

 

Nguyên nhân của những hạn chế chính sách nêu trên, theo Phó Cục trưởng Người có công, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Tạ Vân Thiều là do chúng ta chưa có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn về bệnh, tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học của quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Do quy định của chính sách chưa thật cụ thể, khoa học nên việc áp dụng, thực thi chính sách gặp khá nhiều vướng mắc, áp dụng tràn lan, xác nhận và giải quyết tùy tiện.

 

Chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin còn phức tạp, việc bổ sung, hoàn thiện chính sách là quá trình liên tục, đòi hỏi rất cao cả về trách nhiệm và năng lực của các đơn vị làm công tác quản lý, làm chế độ và chính sách. Cần có những chính sách cụ thể đối với nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, nhất là đối với các thế hệ thứ ba, thứ tư của người hoạt động kháng chiến, dân thường và người đang làm nhiệm vụ tại các khu vực bị nhiễm nặng. Rút ngắn thời gian giải mã đơn vị, những người bị mất giấy tờ gốc, bệnh án gốc, quy định giám định con đẻ bị dị dạng, dị tật...

 

Bất cập lớn trong chính sách thực hiện đối với những người có công bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin là hiện chưa xác định được người bị nhiễm chất độc hóa học biểu hiện bệnh tật là gì và con đẻ của họ dị dạng, dị tật như thế nào.

 

Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi, bổ sung danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật khi có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Ðồng thời ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học.