Tai nạn lao động - Nỗi đau ở lại

14:46, 11/07/2014

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 138 vụ TNLĐ với 141 người bị nạn, làm chết 5 người, bị thương 136 người bị, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNLĐ, làm 8 người chết. Tuy nhiên, con số trên mới chỉ là báo cáo chưa đầy đủ của 83 doanh nghiệp trong tổng số gần 4000 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.    

Chúng tôi qua cầu Huống Thượng (Đồng Hỷ) hỏi đường đến nhà ông Trần Xuân Hợp, xóm Cậy mấy bác bán vé cầu giọng não nề: “Khổ thân ông ấy, thằng con trai vừa bị TNLĐ chết cách đây không lâu để lại cho vợ nó đứa con thơ dại năm nay mới chuẩn bị vào lớp 1”. Vào nhà ông Hợp, góc trái phòng khách kê chiếc bàn nhỏ để thờ anh Trần Xuân Thanh, không khí u buồn. Ông Hợp kể lại: “Tôi bị suy nhược cơ thể, hôm đó, vừa đi tiêm ở Trạm Y tế xã về đến nhà khoảng 17h30' thì nhận được hung tin cháu bị TNLĐ. Cháu mất đúng vào Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Trước hai vợ chồng chúng nó thuê nhà bên thành phố ở, giờ khó khăn, vợ cháu làm công nhân may ở tận Phú Lương, thu nhập thấp nên mang con về đây gửi gắm tôi. Trước hôm cháu mất, nó về khoe với tôi con được đơn vị bồi dưỡng để kết nạp Đảng. Tôi mừng vì sự phấn đấu của cháu được tổ chức ghi nhận, nào ngờ… đau xót lắm cô ạ”.

 

Anh Trần Xuân Thanh, sinh năm 1979, làm việc ở Công ty cổ phần Khoáng sản An Khánh, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương. Trong vụ tai nạn lật xe xúc, cùng bị nạn với anh Thanh còn có anh Nguyễn Văn Tuyên, sinh năm 1981, xóm Cô Dạ, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình. Cả 2 đều tử vong sau khi được đưa tới bệnh viện. Đối với nạn nhân Nguyễn Văn Tuyên hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn, vợ làm ruộng, hiện 2 con đều còn rất nhỏ (1 cháu sinh năm 2007, 1 cháu sinh năm 2013).

 

Cùng đoàn liên ngành đến thăm, tặng quà gia đình nạn nhân Lâm Văn Thọ, ở xóm Làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ) chúng tôi không cầm được nước mắt khi mẹ Thọ năm nay gần 70 tuổi ngồi rũ như tàu lá héo trước bàn thờ con trai mình. Nhớ lại vụ TNLĐ kinh hoàng xảy ra vào đầu năm nay, bà run rẩy kể: “Hôm đó cháu làm Trưởng ca được giao nhiệm vụ khoan lỗ mìn để khai thác quặng. Sau khi cậy bẩy đá om xong, cháu khoan lỗ mìn thì bất ngờ 1 tảng đá khoảng 1,5m3 tụt xuống cạnh vị trí khoan. Thấy vậy cháu chạy ra thì va vào đồng nghiệp ngã tụt xuống cách vị trí khoan khoảng 4m. Cháu tử vong trên đường đi cấp cứu”. Được biết, Thọ là công nhân thuộc Xí nghiệp kẽm chì làng Hích, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên.

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi cũng như điều tra, xác minh của cơ quan chức năng về nguyên nhân của các vụ TNLĐ, có thể thấy phần lớn là do lỗi hỗn hợp. Đó là một số doanh nghiệp sử dụng lao động không quan tâm đến công tác huấn luyện về an toàn lao động (ATLĐ); không có quy trình, biện pháp ATLĐ; không trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cho người lao động; các thiết bị lao động không bảo đảm an toàn. Bản thân người lao động trong quá trình làm việc đã vi phạm các quy trình, biện pháp về ATLĐ; không sử dụng các trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân trong sản xuất. Tình trạng trên phổ biến hơn tại một số doanh nghiệp tư nhân. Đơn cử, trong 2 năm liên tiếp 2013, 2014, Công ty TNHH Hiệp Hương đóng trên địa bàn phường Bách Quang, T.X Sông Công đã để xảy ra 2 vụ TNLĐ làm 2 người chết. Theo kết luận của Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh thì chủ doanh nghiệp này sử dụng lao động chưa qua đào tạo nghề, chưa được huấn luyện ATLĐ, nơi làm việc chưa niêm yết nội quy lao động, quy trình vận hành một số thiết bị…

 

Còn tại Xí nghiệp kẽm chì làng Hích, 2 năm liên tiếp 2013, 2014, cũng để xảy ra 2 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm 2 người chết. Ông Lê Văn Bình, Giám đốc Xí nghiệp kẽm chì làng Hích cho biết: Sau khi các vụ TNLĐ xảy ra, lãnh đạo Công ty, Xí nghiệp đã tổ chức họp kiểm điểm, kỷ luật các cán bộ liên quan, đồng thời rút kinh nghiệm toàn đơn vị. Hiện Xí nghiệp có 3 phân xưởng khai thác quặng kẽm, chì với 250 cán bộ, công nhân. Đặc thù của đơn vị khai thác hầm lò nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ. Trong khi đó, công nhân của Xí nghiệp phần lớn là lao động tự do tại địa phương, sau khi tuyển dụng, Công ty đã cho đi đào tạo 18 tháng, sau đó huấn luyện ATLĐ rồi mới đưa về làm việc. Tuy nhiên, nhận thức của công nhân, nhất là các em trẻ còn hạn chế trong các công đoạn sản xuất thường làm tắt. Mặc dù quản đốc các phân xưởng, hệ thống an toàn vệ sinh viên nhắc nhở xong khó có thể kiểm soát hết được. Tháng 4 vừa qua, Xí nghiệp đã xây dựng quy chế trừ tiền lương từ cán bộ quản lý đến công nhân nếu vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong chấp hành các quy định đề ra.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Bạo, Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Các vụ TNLĐ nặng thường xảy ra ở lĩnh vực khai khoáng, xây dựng. Thực tế cũng có 1 số đơn vị khi xảy ra TNLĐ, không báo cáo cho chúng tôi. Năm 2013, có 3 doanh nghiệp xảy ra TNLĐ chết người nhưng không báo cáo là: Công ty TNHH Tiến Hoa, Công ty TNHH Hiệp Hương và Doanh nghiệp tư nhân Việt Cường. Các vụ TNLĐ phần lớn do lỗi hỗn hợp: người lao động chủ quan, không tuân thủ đúng quy trình, quy định ATLĐ; ở một số đơn vị, mặc dù đã xây dựng quy trình an toàn, nhưng lãnh đạo chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua kiểm tra hằng năm chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc nhở, chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm trong thực hiện công tác ATLĐ, phòng chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp (!?).