Hơn 6 năm qua, thực hiện Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 29/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Đại Từ đã tạo điều kiện cho gần 6.000 HSSV trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với dư nợ tính đến ngày 30-6-2014 là trên 70 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này không chỉ giúp các gia đình nghèo có cơ hội cho con em mình đến trường, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thu, xóm Cao, xã Mỹ Yên chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 người con. Các cháu nhà tôi đều chăm ngoan học giỏi, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Khi con nhận giấy trúng tuyển là bố mẹ vui thì có, nhưng kèm theo đó là nỗi lo về tài chính bởi gia đình sống ở vùng quê, thu nhập chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng. Ngoài thời gian mùa vụ, tôi phải đi hái chè thuê ở khắp xã nhưng cuộc sống vẫn bữa đói, bữa no. Tôi đã xoay nhiều nghề mà vẫn không đủ tiền cho con ăn học. Từ khi biết thông tin trên báo, đài, ti vi và qua công tác tuyên truyền của các hội, đoàn thể, đặc biệt là đồng chí Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm đã phổ biến chủ trương, chính sách tại cuộc họp xóm về việc Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho vay vốn đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, tôi mừng lắm vì đã có cứu cánh để con tôi thực hiện được ước mơ đến giảng đường. Thời gian đầu, tôi chỉ vay cho cháu lớn, sinh năm 1988 theo học tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên; đến năm 2012, tôi mới phải vay cho cả 3 cháu đang theo học để trang trải chi phí học tập với số tiền cho mỗi cháu là 10 triệu đồng/năm. Đến nay, 2 đứa con tôi đã ra trường, có việc làm ổn định, hai vợ chồng đã trả được một phần nợ. Tôi mừng lắm, cảm ơn Đảng và Nhà nước đã tạo cơ hội cho con tôi được đến trường và thành đạt như hôm nay”.
Còn anh Nguyễn Văn Giàu, xóm Trung Na, xã Tiên Hội tâm sự: “Gia đình tôi là hộ nghèo, có 2 người con đều đỗ đại học. Năm 2007, tôi làm thủ tục vay vốn chương trình HSSV của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện cho con đi học. Về thủ tục vay vốn rất đơn giản, nhanh gọn. Các con tôi xin giấy xác nhận của nhà trường gửi về cho tôi, sau đó tôi báo cho đồng chí Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xóm và được mời ra Nhà văn hóa xóm để họp bình xét công khai, dân chủ, hướng dẫn làm đơn xin vay vốn theo mẫu của Ngân hàng Chính sách - Xã hội cung cấp. Nguồn vốn thực sự là phao cứu sinh, là trợ lực lớn giúp các con tôi theo đuổi ước mơ tới trường. Đến nay, đứa lớn đã tốt nghiệp có việc làm ổn định, kinh tế gia đình phần nào giảm bớt khó khăn.
Trên đây chỉ là hai trong số hơn 4.000 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Đại Từ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này. Ông Nguyễn Thế Khả, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Đại Từ cho biết: Gia đình nào có nhu cầu vay vốn HSSV, chúng tôi tạo mọi điều kiện, hướng dẫn làm hồ sơ thủ tục, giải ngân nhanh gọn, đúng quy trình, đúng đối tượng nên nhân dân rất phấn khởi. Với mức vay chỉ từ 10-11 triệu đồng/năm (10 tháng của 1 năm học) nhưng số tiền này thực sự là “chiếc phao” cứu những gia đình nghèo muốn cho con mình theo học các trường cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề. Công tác cho vay được Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các tổ chức nhận ủy thác tín dụng thực hiện công khai, minh bạch; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cho vay, sử dụng vốn ở cơ sở để đồng vốn đến được đúng đối tượng thụ hưởng. Vì vậy, chương trình tín dụng HSSV thực sự là chính sách hợp lòng dân, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực, “cứu cánh” cho phần lớn các hộ gia đình khó khăn về kinh tế khi thực hiện ước mơ đổi đời cho con cháu, hạn chế tình trạng cho vay lãi cao ở các địa phương.
Tuy nhiên, chương trình tín dụng HSSV sau 6 năm triển khai ở Đại Từ cũng vấp phải một số vướng mắc. Cụ thể như khi đến hạn trả nợ, có những trường hợp gia đình thuộc hộ nghèo, HSSV ra trường chưa tìm được việc làm, chưa có thu nhập dẫn đến việc trả nợ gặp khó khăn. Một số hộ không vay hết số tiền mà hạn mức được phê duyệt thì phải điều chỉnh lại kỳ hạn nợ, việc này dẫn đến khó khăn cho cán bộ ngân hàng nhiều khi vất vả phải tìm đến tận hộ dân để điều chỉnh. Đặc biệt, theo kiến nghị của các hộ dân thì mức cho vay HSSV như hiện nay còn thấp, mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu học tập của HSSV, cần có sự điều chỉnh phù hợp cho từng thời kỳ, nhất là khi giá cả thị trường tăng làm ảnh hưởng đến việc học tập của HSSV.
Để khắc phục những hạn chế trên, theo ông Phạm Thế Khả, trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Đại Từ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách cho vay HSSV để mọi gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho con theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Cùng với đó, Ngân hàng tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động và các tổ tiết kiệm vay vốn trong việc thực hiện quy trình nghiệp vụ tín dụng; chỉ đạo các xã thực hiện nghiêm việc điều tra, phân loại xác nhận hộ đủ điều kiện vay vốn, đồng thời tích cực kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay, đôn đốc các hộ trả lãi và nợ gốc đầy đủ, đúng thời gian quy định…