Việc của dân là mối quan tâm của chi bộ

14:32, 11/07/2014

Tôi đã nghĩ như thế khi nghe và chứng kiến những việc mà các đảng viên của Chi bộ xóm Phúc Thuần (xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên) đã làm trong nhiều năm qua.

Nằm bên bờ kênh hồ Núi Cốc, Phúc Thuần là một trong những làng chè nổi tiếng của xã Phúc Trìu. Gần 600 người dân ở đây sống chủ yếu bằng nguồn thu từ cây chè. Nhưng không chỉ có vậy, Phúc Thuần còn có nét đặc biệt của vùng đất hội tụ đến 70% số dân là người dân tộc Nùng. Xóm có ngày hội làng, có phong trào ca hát, thể thao và các tập tục văn hóa đậm chất… Nùng.

 

Vừa đều tay đảo mẻ chè đã dậy mùi thơm, anh Lăng Văn Phúc, Bí thư Chi bộ xóm Phúc Thuần kể: Gia đình tôi từ xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn về đây từ năm 1940. Bố tôi là một trong những cư dân đầu tiên khai phá mảnh đất này. Đến giờ, 6 anh chị em tôi sống quây quần trên khu đất bố mẹ để lại.

 

Sinh năm 1969, anh Phúc có 8 năm làm Bí thư Chi đoàn, tham gia quân ngũ rồi làm công an viên xã. Năm 2012, anh được bầu làm Bí thư Chi bộ xóm Phúc Thuần. Chi bộ có 18 đảng viên, đa số đã cao tuổi, từ năm 1999 đến nay, Chi bộ liên tục đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Một trong những bí quyết để Chi bộ luôn mạnh, theo anh Phúc, đó là do đảng viên nhiệt tình lo việc của dân.

 

Anh Phúc giở sổ nhật ký họp Chi bộ cho tôi xem nội dung các cuộc họp Chi bộ vào ngày mùng 7 hằng tháng. Theo quy định, không ai được vắng mặt, trừ những người đủ tiêu chuẩn miễn sinh hoạt. Ngoài nắm bắt thông tin, triển khai các văn bản cấp trên theo quy định, phần việc quan trọng của Chi bộ là giải quyết việc của dân.

 

Gần đây nhất là việc mở đường cho đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM). Theo chỉ đạo của UBND xã, xóm Phúc Thuần cần “cơi nới” 800 mét đường (hiện rộng 2,5m) cho đủ 8m chiều rộng. Đây không phải việc dễ vì động đến phần đất của 33 hộ dân, trong đó có 400m tường rào xây gạch hoặc bằng sắt kiên cố. Việc đầu tiên Chi bộ họp ra nghị quyết, quyết tâm mở rộng tuyến đường, cán bộ, đảng viên có trách nhiệm gương mẫu thực hiện. Sau khi thống nhất cao, Ban Xây dựng NTM mới được kiện toàn, do Bí thư Chi bộ làm Trưởng ban, sau đó, đi cắm mốc chỉ giới, lập biên bản thống kê, nắm bắt tâm tư của nhân dân. Cuộc họp xóm diễn ra đầu tháng 6, do Bí thư Chi bộ chủ trì, nhằm đả thông tư tưởng cho bà con, lắng nghe và ghi nhận ý kiến của tất cả mọi người. Ai cũng nhất trí hiến đất mở đường, nhưng còn tài sản trên đất, có ý kiến đề nghị được hỗ trợ phần nào. Nhưng quy định cấp trên đưa xuống rõ ràng: Chỉ hỗ trợ xi măng làm đường, không có kinh phí giải phóng mặt bằng. 

 

- Chúng tôi dự định sau khi gặt hái xong sẽ tiến hành làm. Trước mắt, 3 đảng viên có nhà ở cạnh đoạn đường nói trên gương mẫu lui hàng rào, hiến đất. Tôi tin rằng với cách làm công khai, vì cái chung, nhân dân xóm tôi sẽ hoàn thành việc mở đường theo tiêu chí NTM đề ra. Anh Phúc nói.

 

  Một việc làm đáng kể ở Phúc Thuần là thu gom rác. Trước đây, rác thải của các nhà chủ yếu tự chôn lấp, bón cây hoặc vứt ra nơi công cộng. Từ đầu năm 2014, Chi bộ ra nghị quyết về bảo vệ môi trường, thống nhất cao với Trưởng xóm, trưởng các đoàn thể mức thu 3.000 đồng/người/tháng. Vậy là thành lệ, cứ vào ngày 24 hằng tháng, các hộ mang bao tải rác (chủ yếu là bao bì, chai lọ thuốc trừ sâu) đến 10 điểm tập kết rác, xóm thuê xe tải bốc hót chuyển vào bãi rác. Số tiền còn thừa, xóm thuê người thường xuyên phát quang đường làng, ngõ xóm. Bộ mặt thôn quê từ đó khang trang, sạch đẹp hẳn.

 

Hầu như các công to việc lớn của xóm đều gắn với nhiệm vụ của mỗi đảng viên. Ví như  tổ chức Ngày hội làng giã Tết (mùng 10 tháng Giêng). Trước Hội, Chi bộ họp phân công nhiệm vụ cho đảng viên theo dõi, đôn đốc từng cụm dân cư. Trừ đảng viên sức yếu, cao tuổi, còn lại các đảng viên phải có mặt ở Hội làng sớm nhất, chịu trách nhiệm đôn đốc mảng công việc được giao. Rồi việc điều tiết nước tưới chè hoặc cày ải, các đảng viên bám trạm bơm, dùng ni lông lót lòng mương cho nước chảy về đến ruộng ít bị hao tổn…

 

Sau khi lang thang trên con đường bê tông, ngắm những mái nhà ngói đỏ, biệt thự hiện đại, đồi chè, ruộng lúa xanh mát mắt, tôi rẽ vào nhà cụ Nguyễn Ngọc Đĩnh, đảng viên cao niên nhất của Chi bộ. Nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, 88 tuổi, cụ Đĩnh mới nghỉ sinh hoạt Đảng 1 năm nay. Cụ tâm sự: Tôi nghỉ sinh hoạt nhưng không nghỉ trách nhiệm và sự quan tâm của tôi đối với Đảng. Điều tôi lo lắng nhất là nguồn cán bộ kế cận. Chi bộ xóm Phúc Thuần có truyền thống đóng góp nguồn lực cho Đảng bộ. Đã có 2 bí thư đảng ủy, 5 chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã là người của xóm. Chi bộ vừa phát triển được 2 đảng viên trẻ là Lăng Văn Nguyện, công an viên, sinh năm 1981 và Nguyễn Ngọc Trà, Bí thư Chi đoàn, sinh năm 1991 và 3 quần chúng ưu tú được cử học lớp tìm hiểu về Đảng, nhưng vẫn là ít so với nhu cầu.

 

Trăn trở của cụ Đĩnh cũng là trăn trở của anh Lăng Văn Phúc. Anh bày tỏ: Bản thân tôi không được đào tạo về công tác Đảng, chủ yếu học cha chú đi trước rồi mày mò làm theo. Tôi chỉ nghĩ mộc mạc rằng, đảng viên hay cán bộ thì cũng là nhân dân, cùng lo, cùng nghĩ và phải làm trước dân mới được dân tin và nghe theo.

 

Dù còn điều chưa thật ưng ý, nhưng Chi bộ xóm Phúc Thuần đã được nhân dân ghi nhận. 100% đảng viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ; Bí thư Chi bộ Lăng Văn Phúc được Đảng bộ xã Phúc Trìu tặng Giấy khen “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và được Ban Dân vận Tỉnh ủy biểu dương tại Hội nghị công tác dân tộc năm 2014.