Bưu điện văn hóa xã: Gần mà xa

15:25, 23/08/2014

Mới cách đây hơn chục năm, Bưu điện văn hóa (BĐVH) xã với vai trò vừa bưu điện vừa văn hoá, đã thực sự là địa chỉ gắn bó mật thiết với người dân vùng nông thôn. Nhưng đến nay, hầu hết các BĐVH xã đang có nguy cơ đối diện với tình trạng có cũng như không. Nằm giữa trung tâm xã, gần đường nhưng lại xa dân, BĐVH xã dường như đang tồn tại một cách lạc lõng trong sự thờ ơ của cộng đồng. Điều này là lực cản không nhỏ khi BĐVH xã cũng là tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Xa rồi thời “một vai hai gánh” 

 

BĐVH xã Cúc Đường xây dựng năm 1999, nằm ngay ngã ba đường thuộc trung tâm xã và được xem như công trình khang trang bậc nhất trong số các công trình công cộng tại trung tâm cụm các xã phía Tây huyện Võ Nhai bấy giờ, nay nép mình sau những dãy nhà dân và hàng nước, quán Internet. Anh Ma Văn Tùy, là người công tác tại đây, đã có thâm niên hơn chục năm ký hợp đồng lao động thời vụ với Bưu điện nhớ lại: Những năm 2000, 7h chúng tôi mở cửa là thông tầm đến khuya luôn. Bà con đến nhận, gửi thư, mua tem, báo, mượn truyện, sách, nghe và gọi điện thoại liên tục. Cơ quan Bưu điện trang bị cho 10 chiếc ghế, nhưng không đủ chỗ, nên bà con mang theo cả ghế đến ngồi. Còn BĐVH thì vừa làm dịch vụ, vừa phục vụ bà con trong làng, toàn người thân quen. Thời ấy bình quân mỗi tháng doanh số đạt 2-3 triệu đồng, có tháng vượt các chỉ tiêu ngành giao đến 70-80%, doanh số đạt gần 6 triệu đồng. Nơi đây trở thành điểm tụ họp và điểm hẹn hò của người dân trong vùng. Những hôm chợ phiên, phòng giao dịch gần 15m2 người dân đến đây chật kín, cười nói rôm rả đến chiều tà mới ra về.

 

Cũng vì sự thu hút đông người vậy, nên các hoạt động tăng cường tủ sách của bên thư viện, tư pháp hoặc phát tờ rơi tuyên truyền, quảng cáo của các cơ quan, đơn vị hầu như được thực hiện tại BĐVH. Ngày ấy, điện thoại bàn hầu như không lúc nào ngơi nghỉ, người nghe, người gọi rồi cả người chờ... xã Cúc Đường này xem đây là cầu nối thông tin, nối mọi vui buồn của người ở nhà và người đi xa... Vậy mà giờ đây, cả ngày không một bóng người ghé qua, điện thoại bàn gần 4 năm chẳng có nổi một cuộc gọi và hỏng luôn. Hàng ngày, BĐVH chỉ mở cửa cho lấy lấy lệ, hết giờ khóa lại bảo vệ mấy đồ dùng cũ đã qua sử dụng gần chục năm, dừng một lát anh Tùy buồn rầu: Trước BĐVH được trang bị 5 máy tính kết nối Internet, được nửa năm đầu mọi người còn qua lại xem, sau chủ yếu thanh thiếu niên đến chơi game, chat... Nhưng rồi cũng không cạnh tranh nổi với 6 quán game tư nhân xung quanh, vì chương trình, hệ thống máy của họ luôn được nâng cấp. Từ ngày có điện thoại di động, nhất là dịch vụ Internet trên điện thoại di động nữa thì chẳng còn ai đến mua tem, gửi thư, mượn sách báo, gọi điện nữa, việc bán sim, thẻ thì đâu đâu cũng có, nên BĐVH mất khách và dàn vi tính cũng phải dọn về Bưu điện huyện cất kho quản lý”.

 

Không có giao dịch, mất khách, nên thu nhập của anh Tùy cũng chỉ còn hơn 600 nghìn đồng/tháng theo hợp đồng thời vụ bảo vệ. Chính vì vậy, BĐVH chỉ tồn tại như ngôi nhà hoang, nước đọng lênh láng đầy sân, bàn ghế bên trong cáu bẩn, bụi phủ kín mặt bàn, khu phụ trợ cho nhân viên ở dột, tường rêu bong tróc và ẩm thấp.

 

Cùng cảnh xuống cấp như xã Cúc Đường, BĐVH xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) nằm ngay mặt Quốc lộ 1B, cạnh UBND xã, nhưng đã phải đóng cửa ngừng hoạt động từ năm 2012 và trở thành ngôi nhà hoang phế, cỏ rậm kín sân, bùn đất lấp kín lối đi. Chị Nguyễn Thị Nguyệt trước đây gắn bó được 11 năm, nay đã về nhà làm ruộng nhớ lại: “Đến năm 2009, có tháng doanh số chỉ được 100 nghìn đồng/tháng, kinh doanh không hiệu quả, nhà cửa xuống cấp cũng không được ngành sửa chữa kịp thời... nên ngừng hoạt động và từ đó đến nay, cơ sở vật chất, mặt bằng vẫn để không như vậy, nhìn mà xót xa, chẳng đúng với tên gọi “Bưu điện” và “văn hóa” chút nào...


Chính nhưng lại là phụ

 

Đây là năm thứ 10, chị Nguyễn Thị Thu Hiền làm việc tại BĐVH xã Đồng Liên, Phú Bình. Kể từ khi chia tách Bưu điện và Viễn thông, cùng với sự bùng nổ của các loại hình dịch vụ thông tin, đời sống, việc làm của đội ngũ nhân viên như chị Hiền thực sự rơi vào bế tắc. Hằng tháng, chị chỉ nhận được 650 nghìn đồng hỗ trợ của bưu điện, vì vậy chị đã phải tự xoay xở làm thêm, như photo copy, đánh máy chữ, bán văn phòng phẩm, sim, thẻ điện thoại của các hãng viễn thông, bán bảo hiểm và làm dịch vụ chi trả lương hưu hằng tháng cho cán bộ hưu trí tại xã. Ngoài ra, chị Hiền còn làm thuê báo cáo kế toán cho các đơn vị, doanh nghiệp. 10 năm gắn bó với BĐVH chị coi đây chính là tổ ấm của gia đình mình, nhưng chưa khi nào chị Hiền được tham gia nộp chế độ bảo hiểm, vì những đối tượng như chị đang làm tại BĐVH xã lâu nay chỉ được ngành ký hợp đồng lao động thời vụ. Chính vì vậy, chị Hiền đã tự tìm thêm công việc làm kế toán tại một hợp tác xã ở địa phương để được tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Thực tế này khiến chị Hiền từ nhân viên BĐVH xã chính thống thành nghề phụ, và công việc chính để duy trì cuộc sống, tham gia chế độ bảo hiểm lại là kế toán một đơn vị khác.

 

Chị Hiền cho biết: Nếu như ngành quan tâm đầu tư chiều sâu phù hợp với sự phát triển của xã hội, liên tục đổi mới thì đời sống của những người làm BĐVH xã sẽ được cải thiện hơn, ít nhất là góc độ hưởng chế độ phục vụ xã hội, cộng đồng, vì BĐVH cơ sở không nên hiểu thuần túy là kinh doanh. Xã được dự án của ngành hỗ trợ 5 máy vi tính, kết nối Internet nhưng vì BĐVH xã chật nên chuyển lên UBND. Tuy nhiên, đưa lên cơ quan UBND thì lượng người dân đến đó sử dụng rất hạn chế, vì tâm lý ngại vào cơ quan, vả lại người hướng dẫn, trông coi, phục vụ cũng không có, nên hiệu quả không cao.

 

Hiệu quả hoạt động thấp, chậm đổi mới cơ chế và khó khăn trong việc tìm nguồn duy tu, bảo dưỡng và tái đầu tư; nhân viên BĐVH xã đóng vai trò từ công việc chính nhưng thu nhập không đủ sinh hoạt tối thiểu cho cuộc sống phải làm thêm, trở thành công việc phụ, nên toàn huyện Phú Bình đã có 5 điểm BĐVH xã phải tạm dừng hoạt động từ năm 2012 đến nay. Toàn huyện Phú Bình hiện có 20 điểm BĐVH xã, nhưng đến nay có hơn 60% đã và đang xuống cấp. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phong trào xây dựng nông thôn mới. Được biết, xã Đồng Liên là một trong những xã điểm của tỉnh hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên với thực tế đang tồn tại từ chất lượng, hiệu quả BĐVH xã thì tiêu chí về văn hóa vẫn còn là bài toán chưa có lời giải thấu đáo.

 

Từ BĐVH xã nghĩ về xây dựng Nông thôn mới

 

Theo tiêu chí quốc gia về bưu điện, một xã đạt nông thôn mới phải có ít nhất một trong các cơ sở phục vụ bưu chính, viễn thông như đại lý bưu điện, kiốt, bưu cục, điểm bưu điện - văn hoá xã, thùng thư công cộng và các điểm truy cập dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng khác; phải có Internet về đến thôn, phải có điểm cung cấp dịch vụ Internet. Từ thực tế hoạt động của hệ thống BĐVH xã hiện nay, đối chiếu với tiêu chí bưu điện văn hoá theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thực sự sẽ còn không ít khó khăn. Ông Trần Hữu Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Hóa Trung, Đồng Hỷ nhận định: “Điều này đặt ra không chỉ cho ngành Bưu điện mà cả với chính quyền một gánh nặng không nhỏ để khôi phục và phát huy hiệu quả những giá trị lợi ích cộng đồng vốn có của các điểm bưu điện văn hoá xã. Theo xu hướng hiện đại, nhu cầu của nông thôn ngày càng cao, việc đảm bảo các yêu cầu của một điểm BĐVH chuẩn là không hề đơn giản”.