Mặc dù nước ta chưa có bệnh nhân mắc bệnh Ebola (bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola gây ra) nhưng Bộ Y tế và tất cả các địa phương trong đó có tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch để chủ động phòng, chống bệnh Ebola. Các phương án về phòng bệnh, phác đồ điều trị cũng đã được các ngành y tế và các cơ sở y tế liên quan trên địa bàn tỉnh xây dựng, phổ biến.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ tháng 12-2013 đến đầu tháng 8-2014, trên thế giới đã ghi nhận trên 1,6 nghìn trường hợp bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra (gọi tắt là bệnh Ebola). Trong đó, các nước có số bệnh nhân mắc cao là: Nigieria ghi nhận 468 trường hợp mắc, 255 bệnh nhân đã tử vong; Sierra Leone ghi nhận 646 trường hợp mắc, 273 bệnh nhân đã tử vong; Guinea ghi nhận 485 trường hợp mắc, 358 bệnh nhân đã tử vong… Đặc biệt nghiêm trọng, đã có tới 100 cán bộ y tế nhiễm virus Ebola.
Tại nước ta, qua báo cáo giám sát đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh Ebola. Mặc dù vậy, căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, Bộ Y tế nhận định nước ta cũng có nguy cơ bị dịch xâm nhập cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống. Vì vậy, các biện pháp chủ động phòng, chống đang được triển khai tại hầu hết các địa phương, các cơ sở y tế trong cả nước.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên là một trong những cơ sở y tế chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh Ebola sớm nhất trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tới toàn bộ lãnh đạo các khoa, phòng và các cán bộ phụ trách công tác liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo kế hoạch, Bệnh viện chia 3 nội dung thực hiện chính với các tình huống bao gồm: Tình huống 1, chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam; tình huống 2, xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam; tình huống 3, dịch lây lan rộng trong cộng đồng.
Hiện nay, Bệnh viện đang thực hiện theo Tình huống 1 của Kế hoạch. Theo đó, Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, hoá chất, sinh phẩm y tế, vật tư xét nghiệm chuẩn đoán xác định virus Ebola; chuẩn bị các trang thiết bị xét nghiệm và phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế; tập huấn lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm; tập huấn cho các cán bộ tham gia phòng, chống dịch; cập nhật kỹ thuật về giám sát, dự phòng và xử lý ổ dịch theo tình hình dịch…
Ngoài các biện pháp giám sát dự phòng trên, Bệnh viện cũng sẵn sàng cho công tác điều trị như: chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị phòng hộ; chuẩn bị khu vực cách ly tại Khoa Truyền nhiễm để sẵn sàng khám, thu dung, cách ly và điều trị cho bệnh nhân; tập huấn, triển khai phác đồ điều trị bệnh Ebola theo hướng dẫn của Bộ Y tế…
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Bá Đào, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Chúng tôi xác định nguy cơ xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh Ebola trên địa bàn là có thể xảy ra do đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus Ebola lây từ người sang người hoặc động vật sang người với tỷ lệ tử vong rất cao. Trong khi đó, bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì thế, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã sớm hoàn thiện kế hoạch và phổ biến trong toàn thể Bệnh viện. Đến nay, tất cả các biện pháp phòng bệnh theo tình huống 1 chúng tôi đã hoàn thành để sẵn sàng ứng phòng khi có bệnh nhân.
Cùng với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, theo chỉ đạo của Sở Y tế, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát truyền nhiễm và vắcxin sinh phẩm (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) cho biết: Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Ebola trên địa bàn tỉnh cũng đang được xây dựng và dự kiến sẽ triển khai tới tất cả các cơ sở y tế ngay trong tuần này.
Bác sĩ Hoàng Anh cũng cho biết, bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh với tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 90%. Khi mắc bệnh Ebola, người bệnh có triệu chứng sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc và xuất huyết phủ tạng (nôn ra máu, đi ngoài ra máu…) Trong trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não và có thể biến chứng suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc.
Theo bác sĩ Hoàng Anh, để chủ động phòng bệnh không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ sở y tế, các ngành chức năng liên quan mà mỗi người dân cần chú ý tự phòng bệnh cho cá nhân mình và cộng đồng bằng việc: Không nên đến các quốc gia Tây Phi và một số vùng đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết; giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chất sát khuẩn để phòng, chống dịch bệnh; tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, các vật dụng của người, đồng vật nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh; tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, khi cần tiếp xúc thì phai đeo khẩu trang chuyên dụng, mặc trang phục phòng hộ cá nhân và giữ đúng khoảng cách theo quy định; những người trỏ về từ các quốc gia vùng Tây Phi trong vòng 21 ngày nếu có biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban... hoặc tiếp xúc gần vói người có biểu hiện như trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm.
Được biết, sáng hôm nay (21-8), toàn bộ kế hoạch phòng dịch, phương án chống dịch và phương pháp điều trị bệnh Ebola trên địa bàn tỉnh cũng sẽ được Sở Y tế tỉnh triển khai tới toàn ngành. Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh cũng sẽ tổ chức họp bàn phương án ứng phó, kế hoạch phòng bệnh Ebola đồng thời triển khai Chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi, rubella trên toàn tỉnh.
Điều trị Ebola sẽ không mất phí
Trong một phát biểu trên Website của Bộ Y tế, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Theo Luật Bệnh truyền nhiễm, những bệnh nhiễm bệnh Ebola thuộc các bệnh truyền nhiễm nhóm A không phải trả phí. Kể cả khi bệnh nhân tử vong do bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh nhân vẫn được thực hiện nghiêm ngặt và hỗ trợ mai táng. Hiện nay, ở các cơ sở y tế đã được thực hành khá nhiều các bài, cách, kịch bản khi có các diễn biến dịch mới nổi xảy ra ở các mức độ khác nhau. Với các kinh nghiệm trong điều trị, khống chế dịch bệnh truyền nhiễm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao sự chuẩn bị kế hoạch của Bộ Y tế Việt Nam. |