Cô Tô, đảo yêu thương

08:19, 01/08/2014

Khác những gì tôi hình dung về một hòn đảo cách đất liền gần 50 km, rằng Cô Tô chỉ có nước mênh mông với những con tàu gỗ dập dềnh trên bờ cát. Cô Tô hôm nay chan hòa nhịp sống thị thành và đang dần trở thành điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh.

Gần 90 phút chao đảo trên sóng, khi tàu cánh ngầm cập cầu cảng Cô Tô, chúng tôi ai nấy đều mệt nhoài. Chỉ riêng tốp thanh niên tình nguyện của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội là vẫn tươi tắn, phấn khởi. Họ xốc ba lô, giá vẽ lên vai, khệ nệ khiêng thùng màu lên bờ. Điểm đến của họ là Trường Mầm non của Thị trấn này. Ở đó, các thầy cô và lớp học trò nhỏ đang đợi họ.

 

Lên chiếc ô tô của nhà nghỉ đã chờ sẵn, chúng tôi vào trung tâm thị trấn. Đường trải nhựa mịn, đảo tròn phân luồng giao thông, những cột đèn cao áp ngay ngắn, đảo đã có dáng dấp của đô thị. Khách sạn, nhà nghỉ san sát với những cái tên: Khánh Linh, Thanh Măng, Ngọc Nhàn, Thành Trung, Anh Nguyễn, Dũng Hà, Hùng Phương… Trò chuyện chớp nhoáng với anh lái xe, tôi nắm được con số khoảng 60 khách sạn, nhà nghỉ trong thị trấn này. Chưa kể còn có 10 nhà dân ở xã Đồng Tiến đăng ký làm du lịch cộng đồng. Họ sẽ đưa khách đi biển câu mực hoặc đánh bắt cá trong những ngày khách lưu trong nhà họ.

 

Cô Tô là một quần đảo gồm khoảng 50 hòn đảo nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh. Xa xưa, Cô Tô có tên là núi Chàng, là nơi trú ngụ của thuyền bè ngư dân vùng Đông bắc. Nhưng cuộc sống của ngư dân không yên ổn vì luôn bị những toán cướp biển Trung Quốc quấy phá. Năm 1832, Nguyễn Công Trứ, với cương vị Tổng đốc Hải An đã xin triều đình cho thành lập làng, tên là Hướng Hóa và cắt cử người cai quản. Ít lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hóa canh phòng giặc biển. Dưới thời Pháp thuộc, Cô Tô có một tổng gồm 5 xã. Sau khi Nhật đảo chính, Pháp quay lại chiếm đóng Cô Tô, từ đây chúng đưa tàu ra quấy rối biển Hòn Gai và cảng Hải Phòng. Năm 1955, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, quân Pháp rút khỏi Cô Tô. Xác định vị trí đặc biệt về quốc phòng - an ninh, Bác Hồ khi đến thăm đảo ngày 9-5-1961 đã đồng ý cho dựng tượng của Người tại đảo. Năm 1994, Cô Tô được thành lập thành huyện đảo. Từ đó, Nhà nước đã dành sự đầu tư đặc biệt cho vùng đảo tiền tiêu này nên cuộc sống ở đây phát triển rất nhanh chóng.

 

Nhà nghỉ Bảo Ngọc - nơi chúng tôi đặt phòng ở đối diện với Công viên Bác Hồ. Sáng sớm, tôi tha thẩn ra nơi đặt tượng Bác, vào thắp hương Nhà thờ trang nghiêm nhìn ra biển mênh mông. Cạnh bãi biển cát trắng là con đường lát gạch đỏ hơn 2km chạy xuyên qua rừng thông, tên là đường Tình yêu.

 

Tôi đã đến nhiều bãi tắm nổi tiếng như Bãi Cháy (Quảng Ninh), Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An)…nhưng chưa thấy nơi nào bãi tắm sạch, đẹp, an toàn như ở đây. Bãi biển Vàn Chải, Hồng Vàn, Nam Hải cát trắng mịn không một gợn san hô, biển thoai thoải chạy cùng sóng xa dần, xa dần. Tắm chán, chúng tôi leo lên ngọn hải đăng ngắm vùng rau, vùng lúa dưới chân đẹp như tranh vẽ.

 

Sáng sớm, cũng là lúc chợ cá họp ngay đầu cầu cảng. Thiên nhiên sản sinh ra nhiều loại hải sản kỳ lạ. Tôi thích nhất món cơ trai được cắt vuông vức bằng đầu ngón tay, bán giá gần 200 nghìn/kg. Mấy chị bán hàng bảo đây là cơ của con trai nuôi lấy ngọc, ăn dòn, ngọt và bổ lắm, có thể nấu lẩu, rang hoặc xào lên với hành đều ngon.

 

Trở về nhà nghỉ Bảo Ngọc, ông chủ mến khách chẳng giấu chuyện mình vừa đầu tư 3 tỷ đồng để xây công trình 10 phòng nghỉ này. - Giá xây nhà ở đây đắt lắm cô ạ, gấp 3 lần đất liền. Mọi thứ đều chở từ Vân Đồn ra hết. - Trên đảo chưa sản xuất được vật liệu sao? Tôi hỏi. - Không được phép cô ạ. Đảo rất nhiều cát ngọt, xây nhà rất tốt, nhưng không ai được xúc đi một hạt cát. Đất cũng vậy, không được phép đào đất nung gạch, phải giữ đảo cô ạ. Rồi ông rủ rỉ nói với tôi chuyện Nhà nước cho vay 200 triệu đồng lãi suất thấp để xây nhà nghỉ, với mục đích nâng cao đời sống nhân dân và phát triển Cô Tô thành khu du lịch. Được Nhà nước trợ giúp nên gia đình ông cố gắng làm 10 phòng, thu bình quân 5 triệu/ngày (mùa du lịch), chắc dăm năm nữa là hòa vốn, con cái lại có việc làm. Mới năm trước đảo có điện lưới, 100% người dân được dùng điện. Dân ở đây còn được hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt: được cấp không đầu kỹ thuật số VTC, sóng wifi phủ cho dân sử dụng internet không phải trả tiền, trẻ em mầm non được ăn trưa miễn phí tại trường. Từ một huyện nghèo, Cô Tô hiện chỉ còn 11 hộ nghèo (cả huyện đảo có 1.500 hộ, 6.000 nhân khẩu).

 

Trở lại với những thanh niên tình nguyện, chúng tôi tìm thấy họ ở Trường Mầm non Thị trấn khi họ đang mải miết vẽ tranh, trang trí sân chơi cho các em. Các cô giáo ở đây cảm động lắm: các cô, chú sinh viên tự lo ăn, ngủ ở đây mấy ngày vẽ tranh cho các cháu. Chúng tôi thuê họa sĩ họ đòi mấy chục triệu đồng đấy.

 

Rời Cô Tô trên chiếc xe của nhà nghỉ, tôi ấn tượng với câu chuyện của anh lái xe tên Nhật. Anh bảo: Người dân ở đây không chỉ ra khơi đánh cá, làm du lịch mà luôn trong tư thế sẵn sàng bảo vệ đảo. 100% nam giới từ 18 tuổi trở lên là quân nhân dự bị, họ đều có thể cầm súng bảo vệ hòn đảo yêu dấu này khi có lệnh.