Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

09:08, 19/08/2014

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta xưa và nay đều coi trọng việc “lấy dân làm gốc”. Đảng ta ngay từ khi mới ra đời cũng đã xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhà nước ta, ngay sau khi thành lập, công việc trị an lúc bấy giờ chủ yếu là dựa vào tai mắt của nhân dân và theo đó phong trào quần chúng trong lĩnh vực này dần được hình thành về tổ chức với nhiều mô hình và tên gọi khác nhau, nhưng nội hàm về bản chất không có gì thay đổi. Phong trào trị an ngày một nhân lên, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia một cách tự giác theo xu hướng tích cực và tiếp theo đó đã thành phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc  (ANTQ), góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Và ngày 13-6-2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 521/2005/QĐ-TTg chọn ngày 19-8 hằng năm là "Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ".

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU, Kế hoạch số 26-KH/TU về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”. Dưới sự chỉ đạo toàn diện và tuyệt đối của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời được thành lập và đi vào hoạt động theo đúng quy chế, quy trình và định kỳ 6 tháng, 1 năm tiến hành đánh giá về chất lượng và củng cố, kiện toàn về tổ chức.

 

Mục đích, yêu cầu, nội dung và biện pháp của phong trào theo từng thời gian, thời điểm được đề ra sát hợp, có tính khả thi, hiệu quả tốt. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, địa phương, trường học và toàn thể nhân dân được tổ chức thường xuyên, thiết thực và đã tạo đà nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự…

 

Nhờ đó, phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được đánh giá là không ngừng lớn mạnh cả về bề rộng và chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả thiết thực, phong trào tự giác ngày càng được dấy lên, nhất là việc tự giác chấp hành chính sách, pháp luật, quy ước, hương ước, Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng lực lượng nòng cốt trong phong trào (Công an xã, phường, thị trấn, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiêp; mô hình tự quản; tổ hòa giải...), hoạt động có tổ chức, lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và trực tiếp đấu tranh, giải quyết hoặc hỗ trợ lực lượng nòng cốt đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm, tội phạm.

 

Đây là hình thức cơ bản, thích hợp nhất để tập hợp, thu hút, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao năng lực hoạt động của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia giải quyết những yêu cầu nhiệm vụ về bảo vệ an ninh trật tự ngay từ cơ sở, là điều kiện cơ bản để quần chúng nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong lĩnh vực bảo vệ ANTQ.

 

Phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, bám sát nhiệm vụ chính trị, cảnh giác phòng ngừa với những âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta, góp phần giữ vững ổn định về chính trị. Thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; quản lý giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Phong trào cũng gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và các phong trào hành động cách mạng khác; nhiều phong trào, mô hình được xây dựng và phát huy có hiệu quả thiết thực như: “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự”, “Phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn trong thanh, thiếu niên”, "Thanh, thiếu niên nói không với ma túy”, “Câu lạc bộ phòng, chống ma túy”, “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống ma túy”, “Vận động công nhân lao động tham gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy”… 

 

Qua đó đã có nhiều mô hình hay, nhiều điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được Đảng và Nhà nước biểu dương, khen thưởng, góp phần thúc đẩy phong trào ngày càng vững mạnh, thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của quần chúng nhân dân khi tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”. Thông qua phong trào, đến nay trong toàn tỉnh đã có 35 cụm an ninh khu vực với 319 thành viên tham gia, trong đó có 11 cụm an ninh khu vực giáp ranh với 5 tỉnh bạn và T.P Hà Nội; 25 mô hình quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, 27 ban bảo vệ dân phố, 1.085 tổ an ninh nhân dân, 2.411 tổ hòa giải, 6 đội tự quản về trật tự an toàn giao thông, với tổng số hàng vạn thành viên tham gia; quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an trong tỉnh trên 30.000 lượt nguồn tin/năm, trong đó có trên 10.000 lượt nguồn tin/năm có giá trị, giúp lực lượng Công an phát hiện, điều tra, xử lý gần 1000 đối tượng mỗi năm. Lực lượng nòng cốt trong phong trào đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm chăm lo đầu tư đúng hướng (như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị công cụ hỗ trợ, trang thiết bị…), bảo đảm để các lực lượng này hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra…

 

Bên cạnh những kết quả và thành tích đạt được, thời gian qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” trên địa bàn tỉnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế, như: Công tác nắm tình hình có nơi, có lúc và có việc còn chưa kịp thời; số vụ vi phạm và tội phạm xảy ra trên địa bàn đến nay tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tính vững chắc chưa cao; tội phạm ma túy, tham nhũng và tệ nạn xã hội khác vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp; phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” tuy đã được nâng lên rõ rệt nhưng chưa đồng đều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa thật sự sâu sát; công tác tuyên truyền ở một số nơi còn hình thức, nội dung thiếu hấp dẫn, hiệu quả chưa cao; công tác cảm hóa, quản lý, giáo dục, giúp đỡ tạo việc làm cho các đối tượng hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn và bất cập.

 

Hưởng ứng Ngày hội “Toàn dân bảo vệ ANTQ” bằng những chủ trương thiết thực, nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trong phong trào này trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và đoàn thể cần triển khai thực hiện tốt một số công việc, nhiệm vụ:

 

Một là, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể quần chúng trong phạm vi địa bàn phụ trách, trong đó lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt trong việc tham mưu đề xuất, tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày hội “Toàn dân bảo vệ ANTQ” - vừa là dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, vừa là Ngày truyền thống Công an nhân dân - bằng những việc làm thiết thực, có ý nghĩa tác động và có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, không những trước mắt mà cả về lâu dài.

 

Hai là, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở cần xác định rõ phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt. Công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh các hoạt động phong trào ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đội ngũ công nhân, người lao động ở các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, trong học sinh, sinh viên tập trung ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

 

Ba là, tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, cảnh giác trước những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Đồng thời cảnh báo trước những phương thức, thủ đoạn hoạt động, hậu quả, tác hại của tội phạm và tệ nạn xã hội; hướng dẫn cho nhân dân phương pháp phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phong trào phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ ANTQ trong tình hình mới.

 

Bốn là, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào các cấp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; xây dựng lực lượng Công an nhân dân, bảo vệ dân phố, bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”; xây dựng, mở rộng các mô hình tự quản, dân cử, dân phòng, liên gia, liên kết và các tổ hòa giải ngay từ cơ sở. Chủ động và phối kết hợp chặt chẽ trong thực hiện các nội dung phong trào có nét tương đồng với nhau; thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng, định kỳ sơ, tổng kết, kịp thời khen thưởng và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào. Phát huy vai trò làm chủ của mọi người dân trong công tác quản lý trật tự xã hội ở từng xóm, xã, tổ dân phố, khu dân cư; xây dựng thế trận an ninh nhân dân khép kín gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc...