Địa phương thứ 3 phát hiện chủng vi rút mới cúm A(H5N6) trên gia cầm

07:50, 26/08/2014

Ngày 25/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có Công điện đề nghị Sở Y tế tỉnh Lào Cai tăng cường công tác phòng chống và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh cúm A(H5N6) có thể lây từ gia cầm sang người. Đây là chủng vi rút mới vừa được phát hiện trên đàn chim trĩ ở tỉnh Lào Cai.

Nội dung Công điện nêu rõ: Theo thông báo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đã phát hiện ổ dịch cúm A(H5N6) trên đàn chim trĩ tại thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Đây là địa phương thứ 3 ở nước ta phát hiện vi rút cúm A(H5N6) trên gia cầm trong tháng 8 này, sau huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

 

Tại Việt Nam, đến nay, chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N6) trên người, nhưng trước đó chủng vi rút này đã gây tử vong trên người tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

 

Để chủ động thực hiện phòng chống lây nhiễm cúm A(H5N6) từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế tỉnh Lào Cai phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương nơi có ổ dịch cúm A(H5N6) tiến hành xử lý triệt để ổ dịch, thực hiện các biện pháp tiêu trùng khử độc; tăng giám sát và lấy mẫu giám sát vi rút cúm trên gia cầm tại khu vực có nguy cơ cao.

 

Cùng với đó, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, đặc biệt nơi có ổ dịch cúm gia cầm; lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm để gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm đối với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng hoặc viêm phổi nặng do vi rút có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết; triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch.

 

Ngoài ra, Sở Y tế Lào Cai cần tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm A(H5N6) từ gia cầm sang người như: hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, chỉ sử dụng thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm rõ nguồn gốc và được nấu chín kỹ./.