Tiếp công dân và đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KN,TC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Đây còn là biện pháp thiết thực nhằm tăng cường mối liên hệ, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Hoàng Lam Bằng, Trưởng phòng Thông tin - Dân nguyện, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cho biết: Công tác tiếp công dân là nhiệm vụ quan trọng của đại biểu dân cử. Bởi, chỉ có thông qua tiếp công dân trực tiếp, các đại biểu mới có điều kiện nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và thông tin đầy đủ hơn nội dung đơn thư của công dân. Vì vậy, mặc dù công việc rất bận rộn, song các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã bố trí thời gian để thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân vào ngày 15 hàng tháng cùng với Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh.
Riêng năm 2013, Đoàn đã tiếp 11 cuộc theo định kỳ tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh với 25 trường hợp; 1 cuộc theo đề nghị của công dân với nội dung đề nghị ngành Tòa án bồi thường những chi phí thiệt hại do quá trình xét xử của Tòa án khi giải quyết vụ tranh chấp đất đai. 6 tháng đầu năm 2014, tiếp 6 cuộc với 11 trường hợp. Đối với công tác tiếp nhận đơn thư KN,TC, so với một số cơ quan chức năng khác, số lượng đơn thư gửi đến Đoàn ĐBQH không nhiều, song khi đã có đơn là cán bộ chuyên môn của Văn phòng cố gắng dành thời gian giúp lãnh đạo đoàn nghiên cứu, phân loại và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết KN,TC của các cơ quan chức năng.
Chỉ tính trong năm 2013, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp nhận 110 đơn KN,TC và đơn đề nghị, kiến nghị về các lĩnh vực: Quản lý đất đai và đô thị (chiếm tỷ lệ 47,27%); chế độ chính sách (8,2%); công tác tư pháp (33,63%); lĩnh vực khác (10,9%). Văn phòng Đoàn đã tiến hành phân loại, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 56 đơn (đã giải quyết 25 trường hợp, 2 trường hợp đang giải quyết, 29 trường hợp các cơ quan chức năng chưa có báo cáo trả lời); 54 đơn lưu lại không xử lý với các lý do: Trùng nội dung, không rõ chủ thể hoặc đơn không ký tên. Trong 6 tháng đầu năm 2014, tiếp nhận 34 đơn, trong đó nhiều nhất về lĩnh vực quản lý đất đai và đô thị (58,82%). Đoàn đã chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 10 đơn (đã có 3 trường hợp được giải quyết; 7 trường hợp chưa được giải quyết); 24 đơn lưu với lý do trùng nội dung, không ký tên hoặc không rõ chủ thể.
Trong trường hợp cần thiết, Đoàn ĐBQH đã mời các cơ quan chuyên môn đến báo cáo quá trình giải quyết và cùng trao đổi tìm hướng giải quyết khi có vướng mắc. Ví dụ, thời gian qua, có nhiều đơn thư khiếu nại về giải quyết chế độ phơi nhiễm chất độc hóa học cho người có công với cách mạng. Đoàn đã mời lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Quân khu 1 cùng họp, trao đổi để tìm ra nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc; kiến nghị các cấp, bộ ngành chức năng tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế chính sách ở cơ sở.
Hoặc có những vụ việc phức tạp, kéo dài, các vị ĐBQH cùng cán bộ chuyên môn của Văn phòng phải đi điều tra, xác minh để có cơ sở đôn đốc các cấp, ngành liên quan vào cuộc tích cực. Chẳng hạn như trường hợp bà Nguyễn Thúy Hường, ở đội 18, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (là vợ của ông Lê Văn Phượng, kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ đã hy sinh đêm 14-12-2009 trong khi làm nhiệm vụ). Bà đã có đơn đến một số bộ ngành chức năng đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết công nhận chế độ liệt sỹ đối với ông Lê Văn Phượng, chồng bà. Tuy nhiên, do chưa có sự thống nhất giữa địa phương và Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nên đã kéo dài thời gian công nhận chồng bà là liệt sĩ. Qua đó, Đoàn đã vào cuộc một cách tích cực, làm việc, trao đổi với các cơ quan chuyên môn ở địa phương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiều lần để đi đến ý kiến thống nhất. Vì vậy, năm 2011, ông Lê Văn Phượng đã được công nhận là liệt sĩ.
Nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư KN,TC, Thường trực HĐND tỉnh và Đoàn ĐBQH còn phối hợp tổ chức giám sát chuyên đề về việc giải quyết đơn thư đối với một số huyện, thành phố và cơ quan chuyên môn. Thông qua đó, các cơ quan chuyên môn, các huyện đã có sự chỉ đạo tích cực đối với các vụ việc KN,TC, nên số đơn thư được giải quyết đạt tỷ lệ cao (85%). Những cố gắng Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời gian qua đã hạn chế nhiều tình trạng đơn thư KN,TC gửi vượt cấp, khiếu kiện đông người, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân; ổn định tình hình ở địa phương và tạo niềm tin của cử tri vào các đại biểu dân cử.