Hướng dẫn tổ chức Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2014

11:06, 31/08/2014

Ngày 27-8-2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 3638/BTNMT-TCMT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn 2014.

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là Chiến dịch) do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia. Chiến dịch là dịp quy tụ các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, trường học, cá nhân và các quốc gia trên toàn cầu cùng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tái chế chất thải, phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng.

 

Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn chủ đề hưởng ứng Chiến dịch năm 2014 là “Hãy hành động vì một môi trường không rác”, nhằm nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân trong các hoạt động chung của cộng đồng sẽ tác động lên toàn cầu, từ đó nâng cao nhận thức của cá nhân, của cộng đồng về trách nhiệm đối với môi trường, góp phần vào những nỗ lực vì môi trường toàn cầu.

 

Năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức các hoạt động cấp quốc gia tại Thái Nguyên từ ngày 15 đến 21 tháng 9 tới, với các hoạt động chính là Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch, các hoạt động trồng cây, thu gom, xử lý rác thải, nước thải, thăm quan mô hình và các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường.

 

Thông điệp của người sáng lập Chiến dịch năm 2014

 

Câu chuyện xảy ra kể từ năm 1987, trở về sau chuyến hành trình đua thuyền buồm, tôi đã thay đổi suy nghĩ - cần hành động ngay để bảo vệ môi trường. Tôi đã chứng kiến những tác động tàn phá của rác thải, ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành vấn đề cấp bách và quyết định đã đến lúc chúng ta cần hành động.


Năm 1990, lần đầu tiên chúng tôi phát động Chiến dịch ở quy mô quốc gia, trên cơ sở dựa vào cộng đồng - “Ngày làm cho Australia sạch hơn”đã đi vào lịch sử phát triển đất nước.


Sau khi “Ngày làm cho Australia sạch hơn”diễn ra thành công, chúng tôi quyết định chia sẻ kết quả hành động với cộng đồng trên toàn cầu. Vì vậy, từ năm 1993, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (Clean Up the World) đã được phát động trên phạm vi toàn cầu với sự phối hợp của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), sự kiện đã thu hút sự tham gia của 30 triệu người và hơn 80 quốc gia trên thế giới.


Năm 2014, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn lần thứ 22 sẽ là một sự kiện ấn tượng và có ý nghĩa với hoạt động bảo vệ môi trường. Chiến dịch đã hình thành, phát triển và thu hút được sự tham gia của rất nhiều quốc gia, cộng đồng trên toàn thế giới. Để sự lan tỏa của Chiến dịch ngày càng rộng lớn, hãy tham gia cùng chúng tôi!


Năm nay, với thông điệp cùng nhau hành động, chúng ta sẽ thấy rằng những nỗ lực địa phương sẽ có ý nghĩa, tác động trên toàn cầu. Để hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, thật dễ dàng, nhóm của bạn có thể tham gia với vai trò là thành viên hoặc đơn vị tổ chức từng hoạt động môi trường cụ thể.


Các hành động có thể thực hiện gồm trồng cây, làm sạch công viên hay bãi biển, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, tổ chức các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường…, bất cứ điều gì bạn có thể làm để cải thiện môi trường tại nơi bạn sinh sống. Chính bạn là người biết rõ nhất điều này!


Bất cứ ai cũng có thể tham gia: doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, trường học, tổ chức chính phủ… hay đơn giản là một nhóm người đến với nhau cùng chung lý tưởng.


Các hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn hành tinh có thể tiến hành theo chuỗi các sự kiện hưởng ứng Chiến dịch hoặc bất cứ ngày nào trong năm.


Chúng tôi biết rằng, thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường không phải lúc nào cũng thuận lợi. Và đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt ở đây để hỗ trợ các bạn thông tin, tài liệu và động viên, khuyến khích các bạn trong suốt hành trình. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn nhận được thông tin chia sẻ của bạn về các hoạt động, những câu chuyện, bài học kinh nghiệm, cách thức hỗ trợ và huy động các tình nguyện viên tham gia…


Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại website: www.cleanuptheworld.org
(Nguồn: www.cleanuptheworld.org)