Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn, các cấp, ban ngành trong tỉnh đã tích cực vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho người dân. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là vùng nông thôn, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch và vấn đề VSMT đã có sự chuyển biến tích cực.
Đến xóm Na Pặng, xã Ôn Lương (Phú Lương), đi trên những con đường đất đầy những ổ gà, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Hiện xóm có 109 hộ (90% là người dân tộc Tày) thì có gần 80 nhà sàn. Trước kia, người dân nơi đây vẫn thường nuôi nhốt gia súc, gia cầm ngay dưới gầm sàn nhà để tiện trông giữ dẫn đến tình trạng mất vệ sinh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ được tuyên truyền và phổ biến kiến thức về VSMT, bà con trong xóm đã thay đổi thói quen này. Anh Nguyễn Văn Hưởng, một người dân trong xóm đã đầu tư xây hầm biogas cho biết: Nhà tôi chăn nuôi gần chục con lợn nên lượng chất thải khá nhiều, tôi đã xây chuồng nuôi gia súc cách xa nhà và làm hầm biogas để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên Y tế thôn bản xóm Na Pặng cho biết: Với trách nhiệm của một cán bộ y tế, tôi đã chủ động đến từng nhà tuyên truyền, vận động các hộ dân xây dựng khu chăn nuôi, nhà vệ sinh cách xa nơi ở, gom, ủ chất thải trong chăn nuôi, sinh hoạt và xử lí đúng quy trình, tránh gây ô nhiễm. Đến nay người dân trong xóm đã ý thức được vai trò của VSMT đối với cuộc sống, chủ động xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, hiện đạt 53,5%, chuồng trại xây cách xa nhà ở, vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, sử dụng nước giếng khoan, giếng đào hợp vệ sinh đạt 72%, do đó những năm qua tại địa phương không có dịch bệnh nào xảy ra.
Đối với xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), tính đến tháng 6-2014 đã có 98,2% số hộ dân được sử dụng nước sạch, có 67,46% hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Bác sĩ Trần Thanh Đức, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho hay: Sau khi được Trung tâm Y tế dự phòng phổ biến thông tin, Trạm đã giao nhiệm vụ cho từng cán bộ y tế thôn bản, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, hướng dẫn về cách khử trùng nguồn nước nhiễm khuẩn và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay, nhiều hộ dân trong xã đã tự nguyện đăng ký sử dụng nước sạch, đơn cử như xóm Tam Thái, từ năm 2005 đến nay, toàn bộ hộ dân của xóm đều đã đăng ký và sử dụng nước máy từ trạm bơm xã Hóa Thượng.
Bác sĩ Hứa Thiên Thu, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực, tham mưu cho Sở Y tế, Trung tâm có nhiệm vụ tập huấn các nội dung liên quan đến VSMT, hướng dẫn kỹ thuật xử lý nước nhiễm khuẩn cho cán bộ, người dân. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tiến hành triển khai hỗ trợ kinh phí xây nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ khó khăn tại các vùng nông thôn.
Được biết, thông qua các buổi tập huấn của Trung tâm tại các xã, xóm vùng nông thôn của các huyện, không những người dân đã ý thức hơn về việc sử dụng nước sạch và VSMT mà còn quan tâm hơn đến việc xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ đó đã có nhiều hộ dân, dù không được nhận hỗ trợ của Chương trình nhưng đã tự giác xây nhà tiêu đạt hợp vệ sinh. Điển hình như năm 2013, ngoài 60 hộ dân (của 12 xã thuộc 5 huyện) được nhận hỗ trợ thì đã có gần 1000 hộ (thuộc 12 xã) tự giác xây nhà tiêu hợp vệ sinh, giúp tăng tỷ lệ người dân có nhà tiêu đạt chuẩn của tỉnh là 56,58%.
Ngay từ đầu năm 2014, Trung tâm đã triển khai kế hoạch tập huấn kỹ thuật VSMT cho 900 người dân ở 7 xã và triển khai hỗ trợ xây 40 nhà tiêu hợp vệ sinh/xã với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 1.740 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Hiện tỷ lệ hộ dân ở nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 61,5%, sử dụng nước sạch đạt 81%.
Theo Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và VSMT giai đoạn 2012-2015 thì tỷ lệ người dân ở nông thôn dùng nước sạch đạt 85%, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 65%. Để đạt được như vậy, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và tính tự chủ của người dân. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cần chung tay góp sức, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới để Chương trình đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.