Trước tình hình bất ổn tại Libya, nhiều lao động Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục thanh lý hợp đồng, xin visa quá cảnh sang các nước khác trong khu vực và yên tâm chờ ngày trở về.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như của Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đại sứ quán đang nỗ lực phối hợp triển khai kế hoạch sơ tán các lao động về nước càng sớm càng tốt, nhất là số lao động tại 2 khu vực xảy ra chiến sự là Tripoli và Benghazi.
Ngày 3/8, phóng viên TTXVN tại Trung Đông đã trực tiếp liên lạc với một số lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya. Anh Trần Văn Hưng, quản lý lao động cho nhà thầu Huyndai AMCO của Hàn Quốc tại dự án "2000 Housing Projet" ở thị trấn Al-Qubbah thuộc thành phố miền Đông Al-Beida, cho biết cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương cũng như lao động Việt Nam tại đây vẫn bình thường do ở cách rất xa các địa điểm xung đột và các trung tâm chính trị-kinh tế lớn.
Tuy nhiên, do lo ngại bất ổn lan rộng nên chủ sử dụng lao động đang thu xếp để sớm sơ tán lao động về nước. Hiện tại, công ty đã lo đủ visa cho tất cả lao động Việt Nam. Rất may là gần địa điểm dự án có một sân bay nhỏ vẫn còn hoạt động.
Công ty Huyndai AMCO đã làm việc với sân bay và thuê máy bay riêng chở lao động về nước. Dự kiến, chuyến bay đầu tiên sẽ quá cảnh tại Ai Cập vào ngày 5/8 tới với khoảng 150 lao động Việt Nam.
Anh Phạm Đắc Bình, đốc công của công ty Saraya tại một công trường xây dựng gần biên giới với Tunisia, cho biết nguyện vọng của tất cả 16 lao động Việt Nam ở đây là được về nước càng nhanh càng tốt, tuy tình hình an ninh xung quanh khu vực nhà máy và nơi ở vẫn bình thường.
Dự kiến, toàn bộ lao động Việt Nam tại công trường này sẽ được chủ sử dụng lao động sắp xếp hồi hương vào tuần tới qua Tunisia.
Anh Bùi Sỹ Phong, quản lý lao động tại Nhà máy nhiệt điện Al-Khalij ở tỉnh duyên hải Sirte thuộc miền Bắc Libya, cho biết khi xung đột bùng phát, anh em lao động cũng rất lo lắng vì không nắm rõ diễn biến tiếp theo của tình hình.
Tuy nhiên, tâm lý của anh em đã ổn định hoàn toàn do được công ty phái cử và các cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Libya thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên, nhất là sau khi được thông báo về kế hoạch sơ tán.
Cho tới nay, thành phố Sirte vẫn hoàn toàn bình yên và các cuộc xung đột chỉ nổ ra cục bộ tại thủ đô Tripoli và thành phố Benghazi. Tuy nhiên do Chính phủ Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines yêu cầu sơ tán, công ty Huyndai buộc phải rút các công nhân khỏi dự án này.
Hiện tất cả lao động đang làm việc tại Nhà máy nhiệt điện Al-Khalij đã nghỉ làm, trong khi bộ phận văn phòng vẫn tiếp tục làm việc để giải quyết chế độ và lương bổng cho công nhân.
Dự kiến ngày 9-10/8, nhà thầu Huyndai sẽ thuê 2 chuyên cơ riêng để đưa tất cả lao động từ sân bay Misrata sang thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đáp chuyến bay khác về Việt Nam.
Theo anh Đinh Văn Xô, công nhân của nhà thầu Công nghiệp nặng và Xây dựng Doosan (Hàn Quốc) cũng đang tham gia dự án nhà máy nhiệt điện nêu trên, cuộc sống sinh hoạt của hơn 130 lao động Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng, song tâm lý có dao động khi thấy công nhân người Philippines và Hàn Quốc đã rút về nước. Nguyện vọng của tất cả các anh em lao động Việt Nam tại đây là sơ tán về nước càng nhanh càng tốt.
Ngược lại, anh Nguyễn Trọng Thân, đang làm đốc công của công ty ANC tại thị trấn ốc đảo Ghadames, phía Tây Libya cho biết 49 lao động Việt Nam tại "Trại 1" vẫn đi làm bình thường hàng ngày, mặc dù chưa được nhận lương hai tháng 6,7 và lương thực khan hiếm hơn trước do xe chở hàng từ trụ sở chính của công ty không đến được.
Tất cả anh em lao động Việt Nam tại "Trại 1" vẫn cố gắng đi làm đều đặn và mong muốn tiếp tục ở lại làm việc. Mặt khác, hiện có 19 lao động mới sang Ghadames làm việc được 2 tháng, chưa có đủ thu nhập để chi trả các khoản nợ tại quê nhà.
Dự kiến, khoảng 1.050 người trong tổng số 1.550 lao động Việt Nam còn lại tại Libya sẽ được các công ty và chủ sử dụng lao động sơ tán trong những ngày tới./.