Nét đẹp hương ước, quy ước

11:12, 26/08/2014

Từ khi bản quy ước đầu tiên được soạn thảo vào năm 1989, đến nay, 100% các xóm ở xã Trung Thành (Phổ Yên) đều đã xây dựng được hương ước, quy ước riêng. Việc thực hiện theo hương ước, quy ước đã đi vào nếp sống của nhân dân trong xã, đóng góp lớn trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khi dân cư”.

Ông Trịnh Văn Tám, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Trung Thành thông tin: Đến nay, toàn bộ 14 xóm trong xã đều đã xây dựng hương ước, quy ước. Các văn bản này được xây dựng trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình soạn thảo hương ước, quy ước các xóm đều thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ. Vì vậy, khi đi vào đời sống hương ước, quy ước nhận được sự đồng tình cao và được nhân dân chấp hành đúng. Nội dung hương ước, quy ước khá đa dạng, tùy theo từng xóm mà gồm nhiều các quy định: xóa đói, giảm nghèo, khuyến học, tổ chức hiếu hỷ, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vệ sinh môi trường… Hương ước, quy ước đã ăn sâu vào nếp sống của nhân dân. Trước khi làm việc gì, người dân đều cân nhắc xem có phù hợp với hương ước, quy ước của xóm hay không.

 

Theo lời chỉ dẫn của ông Tám, chúng tôi tìm đến xóm Thanh Xuyên 5, xóm đã có 4 năm liên tiếp (2010-2013) đạt danh hiệu “Xóm văn hóa cấp tỉnh”. Ông Nguyễn Mạnh Nghĩa, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Thanh Xuyên 5 cho biết: Hầu hết mọi công việc ở xóm đều được người dân thực hiện theo bản quy ước chung. Quy ước của xóm Thanh Xuyên 5 được xây dựng từ năm 2001. Khi xây dựng bản quy ước chúng tôi đã thành lập Ban soạn thảo gồm Bí thư Chi bộ, đại diện các cụ cao niên trong xóm và một số người có uy tín với nhân dân. Quy ước hoàn chỉnh sau khi được sự thông qua của Phòng Nội vụ và Phòng Tư pháp huyện Phổ Yên và đa số nhân dân trong xóm.

 

Lật mở Quy ước xóm Thanh Xuyên 5, chúng tôi thấy trong đó ghi đầy đủ những mục tiêu của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, làng văn hóa; các quy định về đảm bảo an ninh trật tự; tổ chức lễ tang… Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng xóm Thanh Xuyên 5 chia sẻ: Từ khi có quy ước, các hoạt động của xóm dần đi vào nề nếp. Điển hình như vấn đề vệ sinh môi trường. Trước kia, người dân trong xóm thường vứt rác thải tràn lan khắp nơi, ảnh hưởng đến cảnh quan và chất lượng cuộc sống. Nhưng kể từ khi có quy ước với những nội dung cụ thể như vứt rác đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi… môi trường sống đã được đảm bảo hơn, đường làng ngõ xóm được quét dọn sạch sẽ, phong quang. Cả xóm hiện có hơn 85% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

 

Rời xóm Thanh Xuyên 5, chúng tôi đến làng Tứ Thịnh (gồm 4 xóm: Tân Thịnh, Hợp Thịnh, Hưng Thịnh, Phú Thịnh). Ông Lê Văn Thành, Trưởng làng đưa chúng tôi đi tham quan đình Thượng Giã, nơi lưu giữ hương ước đình làng và quy ước làng. Ông Thành giải thích: Hương ước đình đã có lịch sử hơn 300 năm, đây là văn bản được viết bằng chữ Hán, sau này là chữ Nôm và chữ Quốc ngữ ghi lại lịch sử của làng. Trong hương ước cũng đề cập đến các nghĩa vụ của con cháu đối với ông bà, cha mẹ trong gia đình; cách cư xử giữa những người trong làng; nghĩa vụ đóng góp vào hoạt động chung của làng. Còn quy ước làng Tứ Thịnh được soạn thảo vào năm 2004 với sự tham gia và biểu quyết của cho bộ, chính quyền, các đoàn thể và toàn bộ nhân dân trong xóm. Nội dung quy ước nói về thực hiện tiết kiệm trong các công việc chung của làng. Vào những dịp lễ, hội hay tập trung đông dân làng, chúng tôi thường nhắc lại nội dung quy ước để bà con thực hiện theo.

 

Ông Lê Xuân Thắng, Trưởng xóm Hợp Thịnh cho hay: Việc thực hiện theo ước của làng đã góp phần làm thay đổi nếp sống của người dân, khiến cho những ngày lễ, hội hay các đám hiếu, hỷ không còn là gánh nặng đối với các gia đình. Điển hình như việc tổ chức lễ tang. Trước đây, mỗi gia đình có người mất thường phải thịt khoảng 6-10 con lợn để tổ chức một lễ tang. Những dịp này, toàn bộ dân làng kéo đến ăn uống linh đình trong 2-3 ngày, uống rượu, thậm chí đánh bài, gây gổ đánh nhau tạo nên hình ảnh phản cảm. Nhưng từ sau khi bản quy ước làng đi vào đời sống, mỗi gia đình chỉ cần tổ chức cho con cháu trong nhà và những người thân thích ở xa về ăn cơm việc tổ chức tang lễ đã trở nên đơn giản hơn. Tang lễ được tổ chức gọn nhẹ trong vòng 30 tiếng, mỗi gia đình chỉ mất khoảng 20-40 kg thịt lợn, dân làng chỉ đến thăm viếng, chia sẻ với gia đình rồi ra về.

 

Được biết, sau khi làng Tứ Thịnh xây dựng quy ước, lần lượt các xóm trong làng cũng soạn thảo quy ước riêng dựa trên những quy định của làng. Cùng với đó, các xóm đã bổ sung thêm một số quy định: không nên sinh con thứ  ba trở lên, bài trừ tệ nạn xã hội, giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo…

 

Có thể nói, hương ước, quy ước đã đóng góp không nhỏ vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hiện nay, toàn xã có 2.168 gia đình văn hóa, chiếm hơn 81% số hộ. Tình hình an ninh trật tự ở xã tương đối ổn định, ít xảy ra khiếu kiện trong nhân dân, không có trường hợp khiếu nại vượt cấp, đời sống kinh tế - xã hội ngày càng được nâng cao.

 

Tuy nhiên, để hương ước, quy ước thực sự hiệu quả, chính quyền xã cũng cần chú ý đến tính hợp lý của các văn bản này trong từng thời điểm, kịp thời điều chỉnh một số nội dung, quy định cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế ở địa phương trong giai đoạn mới.