Dịch Ebola hiện đang trở thành một đại dịch mới đi kèm với những thách thức khôn lường do một chủng virus gây chết người nguy hiểm nhất trong dòng họ virus Ebola. Dịch đe dọa tới sức khỏe của toàn thế giới khi vùng dịch ngày càng lan rộng, vượt nhanh hơn sự kiểm soát của ngành Y tế các nước Tây Phi.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, bệnh do virus Ebola là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể lên tới 90%). Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.
Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định: Dịch bệnh này lan truyền nhanh hơn những nỗ lực kiểm soát và phòng chống của chúng ta. Nếu tình hình tiếp tục trở nên xấu hơn, hậu quả có thể rất thảm khốc, nhiều sinh mạng sẽ mất, kinh tế xã hội sẽ suy thoái trầm trọng và nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác là rất lớn.
Bên cạnh đó, dịch bệnh đang gây ảnh hưởng tới một số lớn các y, bác sĩ và nhân viên y tế, một trong số lực lượng quan trọng nhất trong công tác khống chế dịch bệnh. Tính đến nay, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 60 cán bộ y tế. Tình hình dịch bệnh tại Tây Phi hiện nay là sự kiện y tế cần được ưu tiên triển khai khẩn cấp ở cả cấp quốc gia và quốc tế.
Trong khi đó, theo WHO, vụ dịch đầu tiên do virus Ebola gây ra được ghi nhận vào năm 1976 tại Sudan với hơn 600 người mắc. Từ đó đến nay dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia châu Phi. Đặc biệt từ tháng 12.2013 đến ngày 30.7.2014 thế giới đã ghi nhận 1.323 người mắc bệnh, trong đó có 900 người tử vong tại 4 quốc gia vùng Tây Phi (Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria).
Đáng lưu ý, chỉ riêng trong vòng 8 ngày (từ 24 - 31/7/2014) đã có 122 người mắc bệnh, trong đó 57 người đã tử vong do virus Ebola. Tới nay dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm tại các quốc gia trên và có nhiều nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác. Nhiều nhân viên y tế đã mắc bệnh này và có 60 trường hợp là cán bộ y tế từng trực tiếp chăm sóc, cứu chữa người bệnh đã tử vong.
Đặc biệt, dịch bệnh diễn ra tại những khu vực có dân di biến động qua biên giới và lây truyền qua đường hàng không, điều này trái ngược với những gì diễn ra trong các vụ dịch trước đây. Các trường hợp mắc bệnh sinh sống tại khu vực nông thôn, nơi khó tiếp cận và ở các thành phố đông dân cư.
Tổng Giám đốc WHO cũng chỉ rõ, mặc dù hiện vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu, nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola hoàn toàn có thể được khống chế. Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola gồm việc phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và việc thực hiện các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, cho đến thời điểm này, trong hơn 4 thập kỷ qua Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Ebola. Tuy nhiên trước tình hình lan rộng và vượt quá tầm kiểm soát của dịch bệnh, Bộ Y tế đã gửi công văn khẩn tới các tỉnh, thành phố yêu cầu phối hợp cùng phòng, chống nguy cơ dịch Ebola vào Việt Nam.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Ebola lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người từ các nước có dịch bệnh, đồng thời giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola và từng đi về từ cùng có dịch trong vòng 21 ngày, cần cách ly và gửi mẫu xét nghiệm để xét nghiệm.