Ngành Y tế Võ Nhai tăng cường phòng, chống dịch bệnh

08:51, 30/08/2014

Thời tiết bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, khí hậu diễn biết bất thường là điều kiện thuận lợi để một số dịch bệnh như sởi, sốt xuất huyết, sốt phát ban… phát sinh, phát triển. Trước tình hình đó, ngành Y tế huyện Võ Nhai đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Chiều 27-8, có mặt tại các Khoa Nội, Khoa Nhi và Khoa Lây của Bệnh viện Đa khoa huyện Võ Nhai, mặc dù đã cuối ngày nhưng số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị vẫn rất đông. Khoa Nội có trên 60 bệnh nhân đang điều trị, Khoa Nhi có 8 bệnh nhân, Khoa Lây có 3 bệnh nhân. Bác sĩ Lương Văn Khoai, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Thời gian gần đây, thời tiết chuyển mùa, khí hậu thay đổi thất thường khiến cho sức đề kháng của con người bị suy giảm, đặc biệt là trẻ em và người già nên số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa tăng đột biến. Từ đầu tháng 8 đến nay, mỗi ngày Bệnh viện phải tiếp nhận hàng chục bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh như: sởi, sốt phát ban, tay chân miệng, tiêu chảy, viêm phổi, cúm, thủy đậu…

 

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn huyện có xu hướng tăng cao hơn so với mọi năm. Chỉ tính riêng trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, toàn huyện có hơn 107 ca mắc bệnh sởi, 917 ca mắc bệnh tiêu chảy, 887 ca mắc cúm, 199 ca mắc lỵ amíp, 30 ca mắc thủy đậu… Trong đó, nghiêm trọng nhất là vào thời điểm cuối tháng 7, tại xóm Đồng Dong, xã Phương Giao, nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã xảy ra dịch sởi khiến 95 người phải nhập viện trong vòng chưa đầy 1 tháng. Ngoài ra, một số bệnh thường gặp khác trong thời điểm giao mùa như: Sốt rét, viêm não virut, thủy đậu, quai bị…cũng đã xảy ra lẻ tẻ ở một số nơi, đặc biệt là những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

 

Ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai cho biết: Do thời tiết diễn biến thất thường nên theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, thời gian tới tình hình dịch bệnh ở người trên cả nước nói chung và trên địa bàn huyện nói riêng sẽ có những diễn biến phức tạp hơn. Các dịch bệnh cũ tiềm ẩn có nguy cơ bùng phát thành dịch và có thể xuất hiện những ổ bệnh dịch mới bất cứ lúc nào. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch phòng chống dịch bệnh đến tất cả 15 xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo mạng lưới y tế thôn bản theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến tại các địa phương, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, khống chế không để dịch bệnh truyền nhiễm lớn xảy ra trên địa bàn. Hiện nay, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp từ huyện đến các xã đã được kiện toàn để bảo đảm hoạt động phòng, chống dịch có sự phối hợp và thống nhất. Công tác chuẩn bị vật tư, hóa chất, thuốc men cho tình huống xảy ra dịch bệnh cũng được các đơn vị chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng…

 

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi trên địa bàn trong thời gian gần đây, ngành Y tế huyện đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát và khống chế không để căn bệnh này lây lan ra diện rộng. Ngay sau khi ghi nhận những trường hợp mắc sởi đầu tiên tại xóm Đồng Dong, xã Phương Giao, Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa huyện đã cử cán bộ xuống cơ sở để giám sát tình hình và tiến hành các biện pháp phòng chống dịch, tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng hóa chất CloraminB tại cộng đồng và khu vực cách ly của Bệnh viện; phân loại ca bệnh, cách ly điều trị tại các tuyến theo quy định; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của huyện duy trì chế độ trực chống dịch 24/24 giờ và tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các nội dung phòng bệnh sởi bằng cả tiếng Kinh và tiếng Mông. Bên cạnh đó, ngành Y tế huyện đã tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho 1.466 người từ 1-15 tuổi trên địa bàn các xóm có đồng bào dân tộc Mông sinh sống… Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, đến nay, dịch sởi trên địa bàn huyện đã cơ bản được khống chế. Tính đến ngày 28-8, toàn huyện không ghi nhận thêm trường hợp nào mắc sởi.

 

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, ông Đặng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người huyện Võ Nhai vẫn trăn trở: Hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện còn gặp phải không ít khó khăn do sự chủ quan của người dân. Ở một số địa phương, ý thức vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân của người dân còn thấp dẫn đến việc xử lý các ca bệnh và ổ dịch tại cộng đồng thực hiện còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại một số trường học, nhất là các trường học ở các xã vùng sâu, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tình trạng thiếu nước sạch, nhà tiêu chưa bảo đảm vệ sinh là một trong những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm… Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng của huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, huy động sự tham gia của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.