Làm cán bộ xã khi mới 24 tuổi, ông Triệu Minh Thực, sinh năm 1948, trú tại xóm Thống Nhất, xã Đức Lương (Đại Từ) luôn nhiệt tình, năng nổ trong mọi công việc nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số quê hương mình. Ông Thực đã được các đảng viên tín nhiệm, bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã trong nhiều nhiệm kỳ. Giờ tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông Thực vẫn “giữ” được bầu nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm trong sinh hoạt Đảng, tham gia công tác xã hội...
26 năm làm Bí thư Đảng uỷ xã
Ngôi nhà của ông Triệu Minh Thực nằm sâu trong xóm Thống Nhất, xung quanh bao bọc bởi màu xanh của cây rừng, xa xa là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại theo lưng đồi. Khi chúng tôi đến, ông Thực đang tiếp chuyện một người hàng xóm đến nhờ lấy lá thuốc cho mẹ bị thấp khớp. Xong việc, ông tươi cười nói với chúng tôi: “Tôi có biết chút ít về đông y do cụ thân sinh truyền lại nên khi nghỉ làm ở xã thì lấy thuốc chữa bệnh cho mọi người. Đi làm việc xã hội quen rồi, giờ mà ngồi không thấy hụt hẫng, nhàm chán lắm”.
Đã gần 70 tuổi nhưng ông Thực vẫn còn tháo vát, minh mẫn, có trí nhớ tốt. Ông hồ hởi kể về những tháng ngày phục vụ trong quân ngũ, tuy khó khăn, gian khổ những ông và các đồng đội luôn có niềm tin chiến thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Ông Thực kể: Tôi lên đường nhập ngũ khi tròn 18 tuổi (1966) và được biên chế về Sư đoàn 250B của Quân khu Việt Bắc (Quân khu 1 ngày nay). Năm 1969, tôi được cấp trên cử đi học tại Trường Quân chính, Quân khu 1 nhưng vì sức khỏe yếu nên xin xuất ngũ để trở về quê hương công tác. Ở địa phương tôi từng làm cán bộ Đoàn xã, Phó Chủ tịch UBND xã; năm 26 tuổi, tôi làm Chủ tịch UBND xã; từ 1979 đến 2005, tôi giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã Đức Lương.
Trong suốt quãng thời gian làm lãnh đạo xã Đức Lương, ông Thực luôn cố gắng để cùng với tập thể cấp ủy địa phương xây dựng mối đoàn kết toàn dân, nâng cao đời sống cho người dân, thay đổi diện mạo nông thôn và từng bước xây dựng nền văn hóa tiên tiến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó nhiều khăn này. Với những đóng góp tích cực, ông Thực luôn được cấp trên tín nhiệm, giao trọng trách giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã Đức Lương liên tục 26 năm liên tục.
“Nói thật, làm thật bà con mới tin”.
“Xã Đức Lương có 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức còn nhiều hạn chế. Vì vậy, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thường gặp khó khăn. Do vậy, cán bộ xã phải là người gương mẫu, tiên phong trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa”. Ông Thực chia sẻ với chúng tôi.
Người dân xóm Thống Nhất còn nhớ hình ảnh ông Bí thư Đảng ủy xã dậy từ 3 giờ sáng đi cày, bừa, để vợ, con có đất gieo cấy, sau đó mới vai đeo “sà cột”, lọc cọc đạp chiếc xe cà tàng ra trụ sở để làm việc.
- Bằng cách gì bác cụ thể hóa được đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào đời sống của đồng bào dân tộc ở đây? Chúng tôi hỏi ông Thực.
- Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng này nên thấu hiểu tập tục, tâm tư, nguyện vọng của người dân nơi đây. Người dân tộc mộc mạc, chân thành nên khi đã hiểu được đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì nhất mực tin và làm theo. Nhưng làm được điều này, trước hết cán bộ địa phương phải gần dân, nói thật, làm thật người dân mới tin. Đặc biệt, những tập tục lạc hậu không thể một lúc có thể bắt người dân bỏ là bỏ được ngay mà phải thực hiện dần dần. Ví dụ, trước đây tập tục cưới hỏi, ma chay ở địa phương đều tổ chức kéo dài 4 đến 5 ngày gây lãng phí, tốn kém. Để loại trừ hủ tục này, chúng tôi phải cử đại diện các đoàn thể đến tận nhà giúp đỡ những gia đình có công việc, sau đó mới tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách thì người dân mới ngấm, mới nhớ. Hiện tại, ở địa phương không còn gia đình nào có đám hiếu mà tổ chức ăn uống linh đình như trước, mọi người đến làm lễ phúng viếng xong rồi về. Nhưng điều quan trọng nhất là tất cả các đồng chí cán bộ xã phải làm gương trước để đảng viên ở cơ sở, nhân dân noi theo…”.
Chính những việc làm tuy đơn giản nhưng gần gũi với người dân của ông Thực và đội ngũ cán bộ xã Đức Lương nên người dân địa phương tin tưởng nghe theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã. Riêng đối với ông Thực, từ khi nghỉ hưu vẫn được cộng đồng người dân tộc thiểu số sở tại bầu làm “Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” đại diện cho đồng bào đi dự các chương trình triển khai chính sách để về phổ biến lại cho bà con.
Sống vui, sống khỏe, sống có ích
Năm 2009, ông Thực được bầu làm Chủ tịch Hội Đông y xã Đức Lương vì gia đình có nghề bốc thuốc gia truyền chữa bệnh, cứu người. Ông Thực cho biết: “Bài thuốc của tôi là những loại lá, vỏ, rễ của những cây trên rừng. Đây là bài thuốc thuốc gia truyền để lại chuyên chữa các bệnh về xương khớp, rắn độc cắn. 2 năm trước, có 4 trường hợp ở xã Phú Lạc và xã La Bằng không may bị rắn độc cắn được đưa đến nhà tôi chữa trị nên thoát khỏi tử thần. Hiện tại, người dân ở đây khi bị ốm đau đều đến Trạm Y tế hoặc đến bệnh viện khám, chữa bệnh; những người bệnh nào chữa bằng thuốc đông y thì đến nhờ tôi bốc thuốc cho”. Có lương hưu hằng tháng, gia đình có đủ tư liệu sản xuất, con cháu chăm chỉ lao động, hiếu thuận nên cuộc sống vật chất, tinh thần của ông Thực không thiếu thốn, nhưng hàng ngày ông vẫn cặp cụi bào chế thuốc với tâm nguyện lưu truyền những bài thuốc quý và chữa bệnh cho mọi người để tích đức cho con cháu.
Chia tay chúng tôi, ông Thực tươi cười nói: “Đó, các anh thấy đấy, làm lãnh đạo xã bao nhiêu năm nhưng gia đình tôi chỉ không thuộc diện hộ nghèo thôi chứ đâu có phải là hộ khá giả. Nhưng tôi thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại vì khi đã nghỉ hưu mình vẫn được tổ chức quan tâm, đồng nghiệp tôn trọng, hàng xóm quý mến, con cháu chăm sóc và hàng ngày vẫn được làm việc. Thế là tuổi già vẫn sống vui, sống khỏe, sống có ích rồi”.