Nhọc nhằn thợ lò làng Hích

14:57, 07/08/2014

Những thợ lò của Xí nghiệp Kẽm chì làng Hích, Công ty TNHH một thành viên Kim  loại màu Thái Nguyên đã để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc, ấn tượng và cả những trăn trở khi họ trải lòng về những nhọc nhằn của nghề...

Xí nghiệp Kẽm chì làng Hích hiện có 250 cán bộ, công nhân, làm việc tại 5 phòng, ban và 3 phân xưởng (2 phân xưởng khai thác và 1 phân xưởng tuyển khoáng). Số lượng cán bộ làm công tác tại các phòng, ban chỉ chiếm hơn 20 người, còn lại đều là công nhân trực tiếp sản xuất. Công việc của thợ hầm lò vất vả, lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quá trình làm việc nhưng thu nhập của họ chỉ chưa đến 3 triệu đồng/người/tháng. Nếu thử làm phép so sánh thì mức thu nhập này chỉ tương đương với tiền lương của người làm công việc phục vụ, phụ trợ ở một số nhà máy, còn so với lương của thợ lò khai thác than ở trên địa bàn tỉnh thì khoảng cách chênh nhau 3-4 lần. Đồng chí Lê Văn Bình, Giám đốc Xí nghiệp lý giải: Sản phẩm của Xí nghiệp là quặng chì, quặng kẽm. Điều kiện làm việc của công nhân Xí nghiệp rất khó khăn, vất vả, gần như 100% các công đoạn đều làm thủ công, các thiết bị khai thác và đào lò lạc hậu, không áp dụng được máy móc, thiết bị hiện đại nên năng suất lao động còn thấp. 6 tháng đầu năm, sản lượng của cả Xí nghiệp là 8.000 tấn, đạt trên 40% kế hoạch của cả năm. Nguyên nhân là do hàm lượng, trữ lượng quặng thay đổi liên tục. Sản lượng thấp, doanh thu giảm nên thu nhập của người lao động cũng giảm.

 

Đến Phân xưởng khai thác 2, ở xóm Mỏ Ba, chúng tôi mới thấm hết nhọc nhằn của những người thợ lò. Mỏ Ba mặc dù chỉ cách Văn phòng đơn vị khoảng 7km nhưng đường lên núi cheo leo, nguy hiểm, nhiều góc cua tay áo và những con dốc thẳng đứng đến tức ngực. Phân xưởng khai thác 2 là đơn vị chủ lực của Xí nghiệp Kẽm chì làng Hích, bởi sản lượng lớn của Xí nghiệp đều do Phân xưởng đảm nhiệm. Theo đồng chí Dương Quốc Tám, Quản đốc phân xưởng: “Đặc thù lao động hầm lò nếu không có sức khỏe không thể làm được. Độ tuổi bình quân của 92 công nhân của Phân xưởng hiện nay là 28 tuổi. Hằng ngày, anh em công nhân Phân xưởng làm 3 ca, ca 1 từ 7h30 đến 15h, ca 2 từ 15h đến 23h, ca 3 từ 23h đêm hôm trước đến 7h sáng hôm sau”. Khi chúng tôi đến cũng là lúc công nhân vừa tan ca 1. Đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi trên trán công nhân Đàm Văn Hồng cho biết: “Hàng ngày chúng tôi đều phải xuống giếng có chiều sâu từ 60 đến 100m, giếng sâu nhất hiện nay là 150m để làm việc. Điều kiện đi lại của thợ lò rất vất vả, để xuống giếng khai thác, phải leo thang và đi bộ, không có tời hay bất cứ thiết bị hỗ trợ nào. Trong “buồng” khai thác dưới các giếng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm đe doạ đến tính mạng của mỗi người. Nguy hiểm nhất là đá om. Trước khi khai thác, chúng tôi phải kiểm tra lại khu vực làm việc, chọc đá om, đá treo, nếu không trong quá trình khai thác đá lăn ra sẽ gây tai nạn lao động”. Mỗi ca làm việc của phân xưởng trung bình có 15 công nhân, được bố trí thành 1 tổ khai thác. Mỗi ca làm việc có 1 cán bộ kỹ thuật giám sát về an toàn lao động, khi nào kiểm tra đảm bảo an toàn. Hoàng Văn Bộ, công nhân kỹ thuật trước khi xuống giếng kiểm tra an toàn để ca 2 bắt đầu khai thác chỉ tay xuống chiếc giếng sâu hun hút nói với chúng tôi: “Nhiệm vụ của tôi là theo ca sản xuất điều hành, giám sát công nhân khai thác. Kiểm tra trước khi khoan nổ mìn và sau khi khoan, khi nào đảm bảo an toàn mới cho công nhân làm việc. Trung bình mỗi ngày làm việc tôi đi thang bộ lên xuống giếng khai thác khoảng 20 lần. Nếu không có sức khỏe không thể theo nghề này. Đó cũng là cái nghiệp, nhiều người cũng giới thiệu tôi sang làm ở các công ty khác, nhưng gắn bó với Phân xưởng này 13 năm tôi không nỡ rời xa mặc dù điều kiện làm việc, thu nhập chưa tương xứng với công sức mình bỏ ra”. Câu chuyện cởi mở của các công nhân đã giúp chúng tôi hiểu lý do vì sao ở nơi vùng cao heo hút này, công việc vất vả, thu nhập chưa tương xứng nhưng các anh vẫn kiên cường bám lò, bám trụ với công việc, với lòng yêu nghề và niềm tin rằng khó khăn chỉ là tạm thời, rồi “sau cơn mưa, trời lại sáng”…

 

Theo đồng chí Bùi Văn Giang, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp, để công nhân bớt nhọc nhằn, Công đoàn Xí nghiệp đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị tổ chức xe ca đưa đón anh em từ văn phòng lên đến tận cửa lò làm việc và đầu tư nâng cấp nhà ăn cũng như chất lượng bữa ăn. Mỗi bữa ăn ca trị giá 25 nghìn đồng, đảm bảo đủ dinh dưỡng. Trước khi xuống lò khai thác, mỗi công nhân đều mang theo bánh mỳ, sữa, nước uống để ăn vào thời điểm giữa ca. Sau khi tan ca, xe chở công nhân về văn phòng có chỗ tắm nước nóng trước khi về nhà nghỉ ngơi…

 

Trước khi chia tay những người thợ lò chúng tôi nhận được thông tin vui từ lãnh đạo Xí nghiệp Kẽm chì làng Hích. Đó là để cải thiện điều kiện làm việc, lãnh đạo Xí nghiệp và Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên đã có những phương án tối ưu, giảm bớt khó khăn cho công nhân. Hiện, Công ty đang cho lắp thang vận tải chuyên chở người, hỗ trợ, phục vụ việc đi lại cho thợ lò, góp phần giảm bớt thời gian cũng như thiết thực tăng năng suất lao động. Tại một số vị trí giếng có tiết diện nhỏ, sẽ nghiên cứu cải tạo, mở rộng. Sắp tới, Xí nghiệp Kẽm chì làng Hích còn đi vào khai thác tại mỏ Cúc Đường, khi đó phần nào sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động cũng như cải thiện bức tranh sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đây chính là những tín hiệu vui để công nhân Xí nghiệp Kẽm chì làng Hích yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị.