Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm xã huy động nhân dân đóng góp được trên 500 triệu đồng, có năm huy động được hàng tỷ đồng vốn đối ứng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhiều hộ dân tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng đường. Và giờ đây diện mạo vùng đất ngoại ô T.P Thái Nguyên đang có nhiều đổi thay tích cực, tạo đà cho xã Quyết Thắng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Nắng tháng Tám hanh hao nhưng tại công trình mở rộng đường liên xóm và nhà văn hóa ở xóm Thái Sơn 1 không khí lao động rất khẩn trương, đơn vị thi công cùng nhân dân đang gấp rút để công trình hoàn thành đúng tiến độ. Thêm một công trình mới được huy động từ sức dân chuẩn bị được khánh thành trong niềm vui đồng thuận của nhân dân.
Đồng chí Trần Quốc Đính, Bí thư Chi bộ xóm Thái Sơn 1 cùng các thành viên Ban Giám sát cộng đồng của xóm có mặt tại công trình phấn khởi cho chúng tôi biết: Trước đây xóm đã có Nhà văn hóa nhưng nhỏ và xuống cấp, chỉ được 60m2 không đủ chỗ sinh hoạt cho gần 300 hộ dân, hơn nữa theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà văn hóa phải có sân tập, khuôn viên sinh hoạt cộng đồng... Chính vì vậy, Đảng ủy xã đã chỉ đạo phải sửa chữa và nâng cấp. Chi bộ, Ban công tác Mặt trận đã họp, thông báo với toàn thể nhân dân trong xóm việc nâng cấp nhà. Khi triển khai mới thấy số tiền được thành phố hỗ trợ là 50 triệu quá ít so với việc sửa chữa thực tế. Thế nhưng trước cảnh hội họp chen chúc, nóng nực, tường vôi cũ bong tróc trong nhà văn hóa... nhiều hộ dân đã mạnh dạn đề xuất, nên dồn lực vào nâng cấp, làm mới bằng cách huy động thêm sự đóng góp của các hộ. Gia đình có điều kiện thì đóng góp nhiều, khó khăn thì đóng góp mức thấp, thậm chí giãn cho nợ để tạo thành nguồn lực tập trung. Từ ý tưởng này, Ban công tác Mặt trận đã để nhân dân bầu chọn ra Ban Giám sát cộng đồng lập danh sách và thu tiền. Kết quả chỉ sau gần 3 tháng, xóm dã thu được trên 200 triệu đồng, mở rộng nhà văn hóa từ 60m2 lên 140m2, cải tạo cứng hóa bê tông sân, khuôn viên phía trước, sân khấu ngoài trời rộng trên 500m2...
Đồng chí Lương Toản, đại diện Hội Người cao tuổi tham gia Ban Giám sát cộng đồng cho biết: “Mỗi hạng mục công trình đều được chúng tôi ghi chép đầy đủ chi tiết, sau mỗi tuần chúng tôi lại tổ chức họp, thông báo với toàn thể Ban Giám sát cộng đồng, công khai việc mua sắm, sử dụng vật tư. Với cách làm này từ năm 2004 đến nay, xóm đã xây dựng được trên 3.000m đường bê tông”. Đồng chí Mai Công Dịch, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm cho biết thêm: “Đối với một xóm nông thôn, chủ yếu là công nhân quốc phòng nghỉ chế độ hưu, việc huy động đóng góp tiền xây dựng kết cấu hạ tầng là rất khó khăn, nhưng nếu được bàn bạc kỹ và có kế hoạch dài hạn, cụ thể thì nhân dân sẵn sàng chủ động đóng góp. Trong huy động sức dân, khi mọi người đều hiểu vì lợi ích cộng đồng thì tất cả cùngđồng thuận sẵn lòng ủng hộ. Từ năm 2010 đến nay, xóm huy động nhân dân hiến đất được trên 1.000m2, trong đó phần lớn là đất thổ cư để mở rộng đường giao thông. Có những hộ như ông Đỗ Tiến Dần, sẵn sàng hiến gần 200m2 đất ở, hộ ông Trần Văn dũng hiến 60m2 đất ở hay như nhà ông Trần Xuân Minh, dù đã 83 tuổi, gia cảnh có đến 5 người con, cuộc sống khó khăn, nhưng khi cần mở rộng đường, ông sẵn sàng hiến gần 50m2 đất cho xóm”.
Đối với xóm Sơn Tiến cũng vậy, mặc dù gần 300 hộ dân không có hộ khá giả nhưng khi được huy động kinh phí xây nhà văn hóa, toàn xóm đã góp được trên 260 triệu đồng xây lên ngôi nhà chung rộng rãi khang trang với diện tích 140m2, bên cạnh là sân khấu ngoài trời và sân tập luyện thể thao rộng rãi. Đồng chí Nguyễn Viết Thanh, Bí thư Chi bộ xóm nhớ lại: “Những năm 2010 về trước, đã có thời điểm nhân dân xóm không đồng thuận đóng góp đối ứng làm đường bê tông. Kiểm điểm lại chúng tôi mới thấy, nguyên nhân chính là người dân chưa được bàn bạc dân chủ, chưa đúng quy trình, người dân chỉ đón nhận thông tin trong tình thế phải chấp hành. Xã hợp đồng với đơn vị thi công xong mới giao chỉ tiêu phần của dân phải đối ứng để thanh toán... dẫn đến khó thu và kéo dài khoản nợ gần chục năm.
Từ thực tế này, chúng tôi đã thay đổi phương pháp làm việc, đó là phải đặt quyền lợi nhân dân lên trước, bàn bạc với nhân dân, nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình, từ đó mới tiến hành vận động. Ngay sau khi tổ chức lại quy trình công tác, chúng tôi đã được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, kết quả từ năm 2010 đến nay, xóm đã cứng hóa được gần 3.000m đường bê tông, nâng tổng số đường bê tông đủ tiêu chuẩn rộng 3,5m toàn xóm lên 4.000m”. Kinh nghiệm để huy động sự đồng thuận của nhân dân được đồng chí Thanh chia sẻ: “Muốn tạo được sự đồng thuận thì phải để mọi người cùng tham gia vào, họ mới thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm, đồng thời họ chủ động được giám sát. Khi làm đường bê tông, dù moi người đều không có nhiều kiến thức sâu về xây dựng, kết cấu, nhưng chúng tôi phổ biến kinh nghiệm để các nhóm hộ chủ động giám sát đơn vị thi công đó là ngắn gọn, dễ hiểu: “Ba ăn mười” (cứ 3m chiều dài đường thì tiêu hao phải hết 10 bao xi măng), nên không bao giờ thừa, hay bớt xén vật tư”.
Từ thực tế thực hiện Quy chế dân chủ ở xóm Sơn Tiến, Thái Sơn 1cho thấy sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận trong nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn là nguồn lực rất lớn. Đồng chí Trần Thanh Long, Bí thư Đảng ủy xã cho chúng tôi biết: Quyết Thắng là xã nghèo với hơn 3.000 hộ dân, khoảng trên 12.000 nhân khẩu trong đó 50% số hộ là sản xuất nông nghiệp theo quy nhỏ lẻ, vì xã không có đất chuyên canh, số còn lại là công nhân viên quốc phòng, đa số đã nghỉ chế độ hưu, nên kinh tế khó khăn. Ngân sách địa phương mỗi năm thu chỉ đạt 600 triệu đồng, các hoạt động thương mai, dịch vụ chủ yếu là kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ, nên nguồn ngân sách để tái đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phúc lợi công cộng hầu như là không có mà phải dựa vào sức dân, sự ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp nằm trên địa bàn. Những năm gần đây, xã đã duy trì tốt chế độ sinh hoạt dân chủ trong các hoạt động của bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận trong công tác và công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến nhiệm vụ công tác của từng vị trí trong cơ quan. Hằng tháng duy trì chế độ kiểm điểm, đánh giá và cùng hiệp lực để thực hiện công việc trọng tâm trọng điểm. Chính nhờ chế độ kiểm điểm và công khai thông tin về nhiệm vụ công tác, nên việc rút kinh nghiệm luôn được mỗi cán bộ chủ động nắm bắt, từ đó nhất quán trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước. Liên tục từ năm 2010 đến nay, toàn xã đã huy động được trên 5,3 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân đối ứng làm đường và xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa xóm.
Về Quyết Thắng hôm nay, 100% xóm có nhà văn hóa, trong đó có 50% được nâng cấp đạt tiêu chuẩn về diện tích theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 100% đường làng, ngõ xóm đều được bê tông và nhân dân kéo điện tự quản bảo đảm ánh sáng suốt chiều dài trên 10km liên xóm, liên xã. Đường làng phong quang, sạch đẹp, công trình công cộng khang trang tạo nên điểm nhấn đô thị hóa nông thôn nơi đây.