20 ngày ở xóm Phú Dương 2, xã Dương Thành (Phú Bình) để giúp nhân dân làm sân nhà văn hóa, tu sửa đường làng, nạo vét kênh mương, thăm hỏi các gia đình chính sách và hộ nghèo, sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao… là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa với chúng tôi - Đó là chia sẻ chân thành của Đại úy Lý Văn Thanh, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 23, Lữ đoàn 382 (đóng quân tại xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên) trong thời gian đơn vị dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận…
Đêm giao lưu văn nghệ “Thắm tình quân dân” được xóm Phú Dương 2 phối hợp với Đại đội 11, Tiểu đoàn 23, Lữ đoàn Pháo binh 382, Quân khu 1 tổ chức hôm 23-7 tại sân Nhà văn hóa xóm chật kín người xem. Từ người già, trẻ nhỏ, thanh niên, phụ nữ… háo hức dõi mắt lên sân khấu. Họ cổ vũ cho các ca sĩ, diễn viên múa không chuyên bằng những tràng pháo tay giòn giã, bằng ánh mắt hân hoan và món quà dành tặng cho các diễn viên với cả tấm lòng mến yêu là những bông hồng quế, hoa dại vừa hái trong vườn nhà. Nhận được những tràng pháo tay giòn giã nhất là tiết mục múa sạp sôi động do chị em Chi hội phụ nữ xóm Phú Dương 2 và các chiến sĩ biểu diễn. Hòa trong từng điệu nhảy nhịp nhàng, với âm thanh đều đặn, rộn ràng, vui tươi của những thanh sạp gõ vào nhau, tôi như bao người dân khác bị thực sự cuốn hút.
Tôi chợt nhớ lại những lời nói của bà Nguyễn Thị Bẩy, Trưởng xóm Phú Dương 2: Từ ngày bộ đội về đây, chiều tối sân nhà văn hóa xóm luôn chật kín. Mọi người đến để chơi bóng chuyền, cầu lông, tập múa sạp, giao lưu văn nghệ hay chỉ đơn giản là trò chuyện vui vẻ, hỏi han thân tình xem các anh bộ đội hôm nay có mệt không, ăn món gì, có ngon không? Tình cảm quân - dân sâu sắc, bền chặt tự nhiên đến từ lúc nào không hay.
Còn bà Phạm Thị Nụ mộc mạc: Vui lắm khi bộ đội về làng. Những người dân quê chúng tôi đã dành cho các anh những sự quan tâm, chia sẻ và yêu mến thật sự. Từ củ lạc, củ khoai, mớ rau, bó củi, chục trứng gà hay con vịt ngon… mọi người đều đem đến tặng các anh.
Gần 1 tháng qua (từ ngày 3 đến 23-7), thực hiện công tác dân vận tại xóm Phú Dương 2, hai mươi chiến sĩ của Đại đội 11, Tiểu đoàn 23, Lữ đoàn 382 đã phối hợp Chi đoàn, Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh của xóm tổ chức đổ bê tông sân nhà văn hóa diện tích 600m2. Đơn vị đã hỗ trợ xóm trên 50 triệu đồng tiền mặt và hàng trăm ngày công lao động. Các chiến sĩ cũng đã tu sửa, nâng cấp, dọn vệ sinh, phát quang cây cỏ khu vực đường vào xóm; cùng nhân dân nạo vét trên 600m kênh mương nội đồng. Đợt dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận lần này, đơn vị còn đến thăm hỏi, giúp đỡ và tặng quà 5 gia đình chính sách, mỗi suất quà trị giá 300 nghìn đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Kiềm, nạn nhân chất độc da cam kể: Tôi đang xây nhà mới, nhưng lại neo người quá. May mắn là được các anh bộ đội đến hộ chuyển vật liệu, dọn vườn bãi mấy ngày. Cũng như ông Kiềm, một số gia đình chính sách trong xóm cũng được các anh bộ đội đến giúp cấy lúa, quét dọn nhà cửa, sửa sang điện nước, dọn dẹp vườn bãi phong quang, sạch sẽ với gần 100 ngày công. Các anh còn phối hợp với Chi đoàn xóm Phú Dương 2 tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu thiếu nhi; thi đấu giao hữu bóng chuyền, cầu lông; tập luyện văn nghệ...
Thượng tá Hoàng Phi Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 382 khẳng định: Dã ngoại kết hợp dân vận giúp nhân dân xây dựng nông thôn mới là một hoạt động hằng năm của Lữ đoàn nhằm nêu cao hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, củng cố mối quan hệ “quân với dân một ý chí”. Đồng thời giáo dục, huấn luyện bộ đội có nhận thức đúng đắn, có năng lực cần thiết làm tốt công tác dân vận, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, nghĩa tình đồng đội thủy chung, son sắt với nhân dân. Trong thời gian làm dân vận tại đây, chúng tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm, phối hợp của chính quyền và Ban Chỉ huy Quân sự địa phương giúp cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ.
Khi lưu luyến tạm biệt bà con để trở về đơn vị, chiến sĩ Đỗ văn Khuyến, sinh năm 1994, ở Na Lu, Xuân Lương, Yên Thế (Bắc Giang), nhập ngũ từ tháng 2-2013 bịn rịn: Các bác, cô, chú, anh em ở đây tình cảm, yêu quý bộ đội như con, như cháu nên khi chia tay, chúng tôi có cảm giác như phải xa gia đình, người thân mình vậy. Gần 1 tháng gắn bó với nơi này sẽ là những kỷ niệm đẹp và sâu sắc trong đời quân ngũ có lẽ tôi không bao giờ quên.
Bà Lê Thị Cúc (82 tuổi) xúc động nhớ lại thời điểm những năm 1966-1972, gia đình bà đã từng là nơi ở của nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 304. Hồi ấy, cả 3 gian nhà ngang của gia đình đều nhường cho bộ đội ở cả. Có củ sắn, củ khoai hay món gì ngon, mọi người cũng đều nhường bộ đội để các anh lấy sức đánh giặc. Năm ngoái, các anh Ngô Duy Hưng, Nguyễn Sỹ Đình, hiện đang công tác ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, những người năm 1972 ở nhà bà đã đã về thăm, tặng quà gia đình bà. Bà bảo: Đã lâu lắm rồi, mới lại có đoàn bộ đội về “3 cùng” với người dân như đợt này, vui và cảm động quá.
Đợt hành quân dã ngoại của các chiến sĩ đã khép lại nhưng hình ảnh đẹp về các anh vẫn còn đọng mãi trong ký ức của bao người dân xóm Phú Dương 2.