Thị trường đồ chơi: Còn nhiều bất ổn

10:30, 25/08/2014

Dù trong dịp trung thu này, đồ chơi trong nước đang chiếm ưu thế, nhưng mới chỉ dừng lại ở những mặt hàng thủ công và phân khúc cao cấp.

Đồ chơi Việt hút khách nhí mùa trung thu

 

Điều dễ nhận thấy trong mùa trung thu năm nay là rất nhiều mặt hàng truyền thống như đèn lồng, đèn thú, đèn trái cây, đèn công chúa… với màu sắc đẹp, tiện lợi đang rất hút khách.

 

Điều đặc biệt là, các DN trong nước đã sáng tạo ra mô hình đồ chơi vừa chơi vừa học để cho trẻ rèn luyện kĩ năng tự lắp ráp đèn lồng. Ngoài ra, trên thị trường còn xuất hiện những hình in các anh hùng dân tộc như: Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng…

 

Trong các mẫu đèn lồng điện cũng xuất hiện hình ảnh của biển đảo quê hương, nhắc nhớ các em hướng về cội nguồn, hướng về tổ quốc. Có lẽ đây là điều mà các bậc cha mẹ hài lòng nhất về đồ chơi trung thu năm nay.

 

Giá cả của các loại đèn giấy rất hợp lí, dao động từ 15 – 20.000 đồng/cái. Đèn ông sao loại nhỏ có giá 15.000 – 20.000 đồng, loại to từ 45 đến 100.000 đồng/chiếc. Trống tay Đọi Sơn được bán từ 50.000 – 120.000 đồng/chiếc (tùy loại to hay nhỏ). Đầu lân được bán 55.000 đến hơn 200.000 đồng/chiếc.

 

Theo chị Hoàng Thị Thu, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, chưa bao giờ thấy đồ chơi trẻ em mùa trung thu của Việt Nam nhiều mẫu mã và mang tính giáo dục cao đến thế. Chị luôn chọn đồ chơi, định hướng cho con an toàn mà vừa chơi vừa học được.

 

Anh Trần Quang Lý, một chủ gian hàng đồ chơi trên đường Lương Văn Can cho biết, chưa năm nào đồ chơi Việt lại bán chạy như năm nay. Dù giá các loại đèn đắt hơn một ít so với hàng Trung Quốc, nhưng vẫn rất đắt hàng. Nếu như mọi năm, trẻ con thường tìm đến loại mặt nạ nhựa của Trung Quốc thì năm nay, các loại mặt nạ bằng giấy bồi về các danh nhân Việt Nam đắt hàng hơn hẳn.

 

Vẫn bỏ ngỏ phân khúc bình dân

 

Có thể thấy thực tế trên thị trường hiện nay, chỉ trong dịp trung thu, mặt hàng đồ chơi truyền thống mới thực sự hút khách. Còn những mặt hàng đồ chơi chạy theo thị hiếu của trẻ nhỏ lại thực sự chưa thu hút được đông đảo khách hàng hoặc có cũng rất ít.

 

Tìm mỏi mắt trên thị trường những món đồ chơi mà trẻ em hiện nay đang “sốt” như: xe thần đua siêu tốc, ván trượt siêu hạng, siêu nhân đồng xu, bộ xếp hình Chi ma… đều không thấy có mặt hàng nào của made in Việt Nam. Ở lứa tuổi lớn hơn một chút thì đồ chơi dạng lắp ghép của các DN Việt cũng có, nhưng rất ít. Mà có cũng không phải là mặt hàng mà trẻ em ưa thích. Giá cả lại cực kì đắt đỏ, từ hơn 300.000 đồng đến hơn 700.000 đồng/bộ trở lên. Với mức giá như vậy thì chỉ đáp ứng được phân khúc cao cấp, còn hàng bình dân cho trẻ em lại không đáp ứng được, mà phân khúc cao cấp lại chiếm tỉ trọng rất nhỏ trên thị trường. Bởi vậy, phân khúc hàng bình dân vẫn để dành cho doanh nghiệp nước ngoài hoặc hàng Trung Quốc.

 

Hiện nay trên kênh Bi Bi, CN (truyền hình cáp) cứ có bộ phim hoạt hình nào là trên thị trường, trẻ em lại “sốt” theo món đồ chơi đó. Các loại đồ chơi chính hãng thì quá đắt, mà hàng nhái giá rẻ lại đang tràn ngập, bởi vậy, hàng Trung Quốc vẫn luôn đắt hàng.

 

Có thể thấy rằng, một bộ đồ chơi siêu nhân OOO (siêu nhân đồng xu) nếu theo đúng giá chính hãng của Nhật Bản thì lên tới gần 700.000 đồng/bộ, nhưng ngoài thị trường lại tràn ngập bộ đồ chơi này, không tem, không nhãn mác, giá chỉ 110.000 đồng.

 

Bộ Lego xếp hình chính hãng cũng dao động từ hơn 300.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng/bộ thì những bộ này hàng nhái cũng chỉ được bán với giá dưới 100.000 đồng đến dưới 500.000 đồng/bộ.

 

Dù cơ quan chức năng vẫn luôn tuyên bố là dám sát chặt chẽ các mặt hàng đồ chơi độc hại, đồ chơi lậu, tuy nhiên, nếu các hãng đồ chơi trẻ em nói chung và các doanh nghiệp Việt sản xuất đồ chơi trẻ em nói riêng không giữ được phân khúc bình dân thì phân khúc này sẽ rơi vào tay các nhà sản xuất Trung Quốc. Bởi thu nhập của đa số người dân nước ta hiện nay chỉ ở mức trung bình.

 

Trước sự bất ổn của thị trường đồ chơi, cách đây 2-3 năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu các cửa hàng đồ chơi chỉ được kinh doanh những mặt hàng có gắn dấu hợp quy (CR), có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tuy nhiên, hầu hết tại các cửa hàng bán đồ chơi hiện nay, hàng không gắn dấu hợp quy lại chiếm đến khoảng 90%.

 

Đại diện Chi cục quản lí thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị này đang triển khai Tháng kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu và đồ chơi trẻ em.

 

Hiện các đội quản lý thị trường đang lấy mẫu giám định chất lượng đối với các loại đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu nhiễm các chất độc hại như chì, ca-đimi, thủy ngân hoặc các chất khác vượt quá giới hạn cho phép.

 

Đội cũng tăng cường kiểm tra các tuyến vận chuyển hàng hóa vào thành phố; các kho hàng, bến bãi tập kết; các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chơi trẻ em, các điểm vui chơi tập trung công cộng bày bán đồ chơi độc hại, kích động bạo lực, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và nhân cách trẻ em... Đợt kiểm tra kéo dài đến hết ngày 10/9.