Một người đàn ông sống hoang tưởng, luôn trong tình trạng ngơ ngác, thất thần, đôi mắt mở to, miệng thường nói vu vơ về những ý tưởng làm giàu. Đó là anh Cao Hạ Long, sinh năm 1965, ở tổ 6, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên).
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố là sĩ quan quân đội, mẹ là đảng viên, nhà có 4 anh em thì 3 người là đảng viên; Long là con thứ 3 trong gia đình. Ngày 18-8-1979, Long nhập ngũ, khi đó anh 14 tuổi, đang học lớp 7.
Bà Nguyễn Thị Minh Hảo, 77 tuổi kể lại: Năm đó, cán bộ Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Không quân về trường làm nhiệm vụ sơ tuyển phi công. Long là 1 trong số rất ít học sinh dự tuyển đạt các điều kiện về chiều cao, cân nặng và thể lực, nên được đơn vị quân đội lựa chọn.
Trước ngày nhập ngũ, cán bộ Trường đến tận nhà động viên, vận động gia đình cho Long nhập ngũ, phục vụ lực lượng không quân. Bà Hảo kể tiếp: Năm đó, chồng tôi - ông Cao Viết Thịnh và con trai thứ hai là Cao Quang Vịnh đang phục vụ trong quân đội, song vì đất nước, tôi nhận lời cho Long lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Giây lát dừng lời, bà Hảo thở dài, nén không để giọt nước mắt lăn ra gò má. Bà nói ấm ức: Sau hơn 4 năm (1979-1983) con tôi có quyết định ra quân. 18 tuổi, nhưng Long bắt đầu có những biểu hiện không bình thường về tâm lý tình cảm, thường cáu gắt với bố mẹ, anh em và mọi người xung quanh. Long sống khép kín, ít nói, thỉnh thoảng cũng bảo bố mẹ cho được ra ngoài đi làm kiếm sống. Có lúc Long đi phụ giúp sửa xe; khi đi phụ hồ, nhưng chỉ được 2 đến 3 hôm lại thấy nằm lì ở nhà chẳng nói năng gì. Sau này, Long tự sắm đồ để tự hành nghề bơm vá, sửa chữa xe đạp, xe máy ở khu vực cổng Trường Đại học Sư phạm. Nhưng vì bị lẩn thẩn, chỗ xăm thủng không vá, toàn đi vá vào chỗ lành nên bị khách hàng mắng mỏ không trả tiền công.
Biết từ ngày ra quân, trở về với gia đình Long không còn là một chàng trai bình thường, nên bà con trong vùng ai cũng thương. Có lần Long bỏ nhà đi nửa tháng, lang thang đến khu vực chân đèo Khế (Đại Từ) trồng sắn giúp bà con. Khi người nhà tìm được, Long bảo: Người ta nghèo, mình làm giúp không lấy tiền… Long được đón về nhà trong nỗi đau thắc thỏm của người mẹ già nua. Phòng Long ở cạnh với phòng của mẹ. Hằng ngày Long đi ra ngoài, tự khuân về đủ thứ lỉnh kỉnh chẳng có giá trị, rồi luôn đóng kín cửa vì sợ có người đến lấy mất. Có lần đang lang thang ở khu vực cổng Trường Đại học Nông lâm, thấy mọi người đuổi đánh kẻ trộm, Long ngăn lại, bảo: “Người ta nghèo mới đi ăn trộm, không được đánh”. Biết Long bị dở người nên không ai chấp.
Vì phòng ở có quá nhiều đồ đạc hư cũ, mùi hôi bốc lên nồng nặc, Long dùng dao đục thủng tường, thông sang phòng ở của mẹ, rồi dùng quạt thổi sang phòng bà. Cảm thương hoàn cảnh, bà con họ mạc thỉnh thoảng qua lại thăm nom, cho ít tiền quà. Có tiền, Long giấu kín, tích lại để đi mua những đồ phế thải mang về. Bà Hảo kể: Xe máy, xe đạp hỏng Long đều mua, mang về tháo dỡ bán sắt vụn. Nhưng mua 500.000 đồng thì bán được khoảng 50.000 đồng. Tôi nói thì Long mắng: “Bà biết gì”. Long còn bảo: Tôi không phải họ Cao, mà là họ Vũ. Thương con, tôi chỉ biết nín lặng, hằng ngày nấu cơm, mang đến phòng cho Long ăn qua bữa.
Bà Hảo đưa tôi vào thăm phòng của Long. Phải gọi mấy câu thật to Long mới mở cửa bước ra ngoài. Đó là 1 căn phòng rộng chừng 15m2, bên trong kê xếp chật kín những xe đạp cũ, đồ phế liệu, toàn những đồ đạc chẳng biết để làm vào việc gì. Dù trong phòng đã có chiếc giường đơn được kê cao ngang thắt lưng, Long còn “bố trí” thêm một chỗ nằm trên nóc chiếc tủ cũ. Tôi lựa chỗ để bước vào phòng, hôi hám, chật chội và thấy trên tường những dòng chữ: Kinh doanh qua mạng; hỗ trợ tài chính, tuyển dụng nhân viên… do Long tự viết.
Long bị chứng tâm thần phân liệt (F20) - (Kết luận của Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên ngày 12-9-2013). Nhìn Long gầy gò, ngơ ngác trong bộ trang phục nhàu nhĩ, sẽ không ai biết được từ hơn 30 năm trước anh từng là 1 phi công, Và khi trở về với gia đình, Long không còn là một chàng trai tuấn tú. Có lẽ vì công việc tập luyện khắc nghiệt đã vắt kiệt của anh hầu hết sức lực, tinh thần. Mấy cô bạn gái cùng học “ngày xưa” vẫn đến chơi với gia đình, bảo: Long bị bệnh tâm thần nên không ai dám lấy làm chồng. Nghe thế, Long ngơ ngác, bảo: Mình cũng có người yêu, cô ấy đang ở một nơi, rất xa.
Bà Hảo lấy cho tôi xem tấm Bằng khen do Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký tặng cho Long. Bà bảo: Vinh quang lắm, Long được trở về với gia đình lành lặn, không vết thương đạn bom, nhưng lại phải mang suốt một đời vết thương tinh thần không có thứ thuốc nào chữa khỏi.