Những ngày gần đây, số người bị bệnh đau mắt đỏ đến khám tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Theo các bác sĩ, thời điểm này là thời điểm bệnh đau mắt đỏ lây lan mạnh nhất và rất dễ có nguy cơ thành dịch nếu mỗi người dân không có biện pháp phòng tránh kịp thời.
Từ hơn 10 ngày nay, lượng bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện khám cho gần 40 bệnh nhân bị mắc bệnh đau mắt đỏ, chiếm khoảng 25% tổng số bệnh nhân đến khám trong ngày.
Còn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (ĐKTƯTN) những ngày gần đây khám trung bình khoảng 60 lượt bệnh nhân đau mắt đỏ mỗi ngày. Thạc sĩ Ninh Sĩ Quỳnh, Trưởng khoa Mắt cho biết: So với năm ngoái, số bệnh nhân thời điểm này không nhiều hơn nhưng số bệnh nhân đến khám tăng mạnh trong thời gian ngắn cho thấy diễn biến lây lan bệnh trong cộng đồng mùa dịch năm nay là rất nhanh. Mặc dù so với năm trước, số bệnh nhân bị biến chứng thấp hơn và mới chỉ xuất hiện lác đác nhưng người bệnh không nên chủ quan. Đã có gần 10 bệnh nhân xuất hiện biến chứng viêm kết mạc do bệnh đau mắt đỏ gây nên và hiện, Khoa đang điều trị cho 6 bệnh nhân bị biến chứng như vậy.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh cho biết: Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai. Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn và nguy hiểm nhất là có thể gây mù.
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua những tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều virus. Ngoài ra, bệnh có thể lây lan do các vật trung gian nhiễm nguồn bệnh như: tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, tiền… Đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Để phòng tránh bệnh, mỗi người luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt hàng ngày bằng nước muối 0,9%; không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt; hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt; hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh; hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm... Khi bị bệnh hoặc nghi bị bệnh, người bệnh cần lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại; không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn; tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt. Những trẻ em bị bệnh nên cho nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người. Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị một bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại; tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh; trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Nếu bệnh không thuyên giảm sau vài ngày phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.