Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển thị trường khoa học và công nghệ

07:39, 25/09/2014

Trong những năm qua, thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện, hoạt động của thị trường này vẫn còn nhiều bất cập.

Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể trong các năm gần đây. Theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2011, số lượng giao dịch công nghệ là 3.038, năm 2012 tăng lên 4.106, năm 2013 là 4.568. Giá trị giao dịch năm 2011 đạt 1.586 tỷ đồng, năm 2012 là 2.418 tỷ đồng.

 

Cùng với việc hình thành sàn giao dịch công nghệ, các văn phòng sở hữu trí tuệ đã bắt đầu được thành lập ở một số Viện nghiên cứu lớn như: Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Công nghệ thực phẩm Hà Nội. Các văn phòng, trung tâm dịch vụ chuyển giao công nghệ được thành lập tại một số trường đại học, có hoạt động nghiên cứu mạnh gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội,…

 

Về cơ sở hạ tầng, ngành đã hình thành tương đối đầy đủ bộ máy quản lý, đơn vị sự nghiệp, tổ chức dịch vụ để hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong nước. Trong đó, đã có hệ thống tổ chức hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ giúp các doanh nghiệp tìm kiếm sáng chế và công nghệ phù hợp với nhu cầu đổi mới quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm mới và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh; các Viện, trung tâm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thành lập, vận hành các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ, hỗ trợ các bên tham gia giao dịch công nghệ trong các lĩnh vực như: tư vấn chuyển giao công nghệ, thương mại hóa công nghệ, thông tin công nghệ, sở hữu trí tuệ,… Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, đào tạo được chú trọng với nhiều khóa đào tạo về sở hữu hữu trí tuệ cho đội ngũ cán bộ thực thi của các bộ, ngành, địa phương.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo TS. Nguyễn Quốc Toản (Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương), thị trường KH&CN hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Thứ nhất, năng lực nghiên cứu triển khai của các tổ chức khoa học công nghệ còn hạn chế, số lượng cán bộ có trình độ, năng lực và kinh nghiệm đang bị mai một dần (do tuổi cao hoặc chuyển sang làm việc tại các khu vực khác hấp dẫn hơn). Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực tại các tổ chức khoa học công nghệ rất lớn nhưng về cơ bản chưa được đáp ứng vì không có nguồn kinh phí thường xuyên. Bên cạnh đó, trang thiết bị, máy móc thí nghiệm, thử nghiệm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn thiếu và lạc hậu, nhất là tổ chức KH&CN ở các địa phương. Kinh phí đầu tư phát triển dành cho các tổ chức KH&CN còn hạn hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực nghiên cứu triển khai của các tổ chức KH&CN. Đồng thời, kết quả nghiên cứu các tổ chức KH&CN nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và của doanh nghiệp; số lượng kết quả nghiên cứu được thương mại hóa còn rất ít, nhiều tổ chức không có nguồn thu hoặc nguồn thu rất hạn chế để có thể thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

 

Thứ hai, chưa có chính sách sử dụng và trọng dụng đối với cán bộ khoa học và công nghệ. Trong một thời gian dài, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ luôn chỉ dừng lại ở các quan điểm chỉ đạo chung mà chưa được thể chế hóa bằng pháp luật. Lần đầu tiên, Luật Khoa học và Công nghệ mới đề cập đến vấn đề này (Điều 19 đến Điều 24). Cán bộ KH&CN trong các tổ chức KH&CN công lập thuộc sự điều chỉnh của Luật viên chức với quy định về lương và thu nhập hạn chế, không có chế độ phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên, điều đó khiến các tổ chức KH&CN công lập khó khăn trong việc thu hút và giữ chân các cán bộ giỏi làm việc tại tổ chức.

 

Thứ ba, các văn bản hướng dẫn về tài chính, tài sản khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN của tổ chức KH&CN công lập còn thiếu và lạc hậu. Các định mức chi hiện hành để xây dựng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN của tổ chức KH&CN quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN còn thấp. Vì vậy, nhiều tổ chức KH&CN chưa thể thực hiện tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn chi tiết để các tổ chức KH&CN công lập góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ để tiến hành các hoạt động KH&CN, hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc thế chấp, vay vốn ngân hàng.

 

Thứ tư, tiến độ triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN còn chậm. Nguyên nhân do nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo các tổ chức KH&CN công lập xây dựng đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

 

Thứ năm, quy mô hiện tại của thị trường KHCN còn nhỏ, nhiều hạn chế. Số lượng các Viện, trung tâm nghiên cứu và các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào mua bán, chuyển giao công nghệ còn ít. Cơ chế chính sách, ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao còn thấp, chưa tạo được động lực để các nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu, chưa tạo lập được sự gắn kết giữa nguồn cung là các nhà khoa học và nguồn cầu là giới doanh nghiệp, thiếu định chế trung gian làm cầu nối, cung cầu trong thị trường khoa học, công nghệ.

 

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường khoa học công nghệ, theo TS. Nguyễn Quốc Toản, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực. Trong đó, cần nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến thị trường KH&CN. Đó là các cơ quan chức năng của Bộ KH&CN, Sở KH&CN các tỉnh, thành phố. Thông qua đó để các cơ quan này thực sự là cầu nối giữa bên cung công nghệ (viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp KH&CN, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu độc lập…) với bên cầu công nghệ (các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài; các cá nhân có nhu cầu công nghệ như nông dân, người tiêu dùng).

 

Bên cạnh đó, cần tạo ra môi trường và phương thức hoạt động thích hợp cho các đối tượng hỗ trợ việc giao dịch công nghệ trên thị trường, gồm các chủ thể: sàn giao dịch công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ; các trung tâm ứng dụng chuyển giao công nghệ tại các địa phương; các tổ chức, cá nhân cung dịch vụ phục vụ giao dịch công nghệ như dịch vụ định giá, đánh giá công nghệ, dịch vụ tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ.

 

Thêm vào đó, cần nâng cao năng lực thể chế và hoàn thiện thể chế về KH&CN. Trong đó, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến theo dõi và giám sát đảm bảo việc thực hiện thể chế về hướng dẫn báo cáo thống kê cơ sở chuyển giao công nghệ; việc giao quyền và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.

 

Ngoài ra, cần chú trọng phát triển thị trường khoa học công nghệ, thực hiện cơ chế thị trường và có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ cơ chế quản lý tài chính, tổ chức và hoạt động KH&CN, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ./.