Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đê Mỏ Bạch kết hợp làm đường giao thông vào Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và khu Trung tâm ký túc xá sinh viên Đại học Thái Nguyên được khởi công xây dựng từ tháng 10-2013. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành vào tháng 5-2014, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và học sinh, sinh viên. Thế nhưng, đến nay Dự án mới chỉ hoàn thành được khoảng 60% khối lượng công việc.
Có mặt tại tuyến đê Mỏ Bạch, chúng tôi thấy vật liệu xây dựng bày ngổn ngang dọc 2 bên đường. Cứ mỗi lần có xe ô tô đi qua, bụi lại bay mù mịt. Chị Nguyễn Thị Dịu, một hộ dân sống ở ven đường nói: Nhiều năm nay, gia đình tôi kinh doanh mỹ phẩm, bánh kẹo và sữa các loại. Từ khi cải tạo tuyến đường, tôi đã phải chuyển kho chứa hàng sang khu vực khác vì đường bụi bặm nên ít người dừng lại để mua hàng. Hiện nay, đơn vị thi công đã rải 1 lớp 1 bây nên việc đi lại có phần dễ dàng hơn, chứ trước đây đường lầy lội, trơn trượt, ngày nào cũng xảy ra tai nạn va quệt trên đường.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đê Mỏ Bạch kết hợp làm đường giao thông vào Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và khu Trung tâm ký túc xá sinh viên Đại học Thái Nguyên dài 968m, tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, do Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư; trong đó, có 32 tỷ đồng dành cho xây lắp, 34 tỷ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng và 9 tỷ đồng là kinh phí dự phòng. Dự án được chia làm 4 gói thầu do các đơn vị: Công ty cổ phần Bắc Việt, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ, Công ty cổ phần Đình Văn và Công ty TNHH Thành Quý thi công. Sau khi được giao các gói thầu, 3/4 công ty này đều tích cực triển khai thực hiện phần việc của mình. Duy chỉ có gói thầu số 1 do Công ty cổ phần Bắc Việt đảm nhận là chậm trễ.
Anh Nguyễn Thế Tuyên, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý dự án - Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão cho biết: Công ty cổ phần Bắc Việt không đủ máy móc, nhân lực, thiết bị phục vụ thi công. Mặc dù không gặp vướng mắc về mặt bằng nhưng đến tận cuối tháng 7-2014, Công ty mới làm xong phần móng bây lớp 1. Việc chậm trễ này đã ảnh hưởng đến tiến độ của các gói thầu khác. Nguyên nhân là do Công ty yếu về năng lực tài chính, không có khả năng thi công. Trước thực tế trên, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chấm dứt hợp đồng thi công đối với Công ty cổ phần Bắc Việt. Hiện, Chi cục đang hoàn thiện thủ tục để xin tỉnh cho phép chỉ định nhà thầu mới có năng lực để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Không chỉ trên quan điểm năng lực tài chính, một số hộ dân dọc tuyến đường cũng chưa nhất trí với phương án đền bù giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ Dự án. Được biết, Dự án ảnh hưởng tới 130 hộ dân, trong đó có 25 hộ ở 2 phường Quang Trung và Tân Thịnh bị thu hồi đất (còn lại 105 hộ có đất vi phạm hành lang an toàn đê đã bị giải tỏa). Hiện nay, chỉ còn vướng mắc 9 hộ. Cụ thể: 7 hộ dân đã có quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường nhưng chưa nhất trí bàn giao mặt bằng, 1 hộ đang trình quyết định thu hồi đất và 1 hộ chưa có quyết định thu hồi đất do đang kiểm tra hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng khiến cho Công ty cổ phần Đình Văn đảm nhận gói thầu số 3 mới chỉ thi công được 1 nửa phần mố cầu sắt Nông lâm và đang phải tạm dừng vì chưa có mặt bằng.
Chị Ngô Thị Tâm, Trưởng phòng Quỹ đất - Trung tâm phát triển Quỹ đất T.P Thái Nguyên cho biết: Sau khi tỉnh có chủ trương thực hiện Dự án, Trung tâm đã tổ chức công bố quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường theo quy định. Có 3 nguyên nhân khiến các hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng là: Thắc mắc về thiết kế quy hoạch đoạn đường từ điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu sắt Nông Lâm không lấy đều từ tim đường trở ra mà lệch về 1 bên mặt đường; mặc dù UBND T.P Thái Nguyên đã giới thiệu các vị trí tái định cư nhưng các hộ dân đều chưa đồng ý mà đề nghị được bố trí đất tại khu vực tương đương với vị trí hiện tại và việc áp giá tài sản theo quy định. Để giải quyết vấn đề trên, chúng tôi cũng đã nhiều lần tổ chức đối thoại để giải đáp những thắc mắc cũng như triển khai các quy định của Nhà nước về công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhưng các hộ dân này chưa đồng tình. Trong thời gian tới, nếu bà con vẫn không đồng ý, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ để giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi của người dân và đúng với quy định của pháp luật.
Từ thực tế triển khai dự án, có thể thấy, để tạo được sự đồng thuận của người dân, các ngành chức năng cần chú trọng hơn nữa phối hợp tuyên truyền, giải thích cho bà con nắm rõ các quy định của Nhà nước về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thực hiện theo đúng các cam kết; xem xét kỹ năng lực, khả năng tài chính để lựa chọn các nhà thầu có khả năng thi công trình, tránh việc chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.