Gần 300 nghìn trẻ sẽ được tiêm vắc xin phòng sởi - rubella

16:24, 24/09/2014

Bắt đầu từ tháng 10-2014, cùng với cả nước tỉnh ta sẽ triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella cho toàn bộ trẻ từ 1 đến dưới 15 tuổi. Công tác chuẩn bị cho đợt tiêm phòng sởi - rubella lớn nhất từ trước đến nay đang được ngành Y tế gấp rút hoàn thành. Đại diện ngành Y tế, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) Báo Thái Nguyên về nội dung này.

Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella trên địa bàn toàn tỉnh được triển khai thành 3 đợt theo kế hoạch chung của Quốc gia:


Đợt I: bắt đầu từ ngày 8-10-2014 đến 15-11-2014 cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi;
Đợt II: bắt đầu từ ngày 1-12-2014 đến 31-12-2014 cho trẻ từ 6 - 10 tuổi;
Đợt I: bắt đầu từ ngày 1-2-2015 đến 20-2-2015 cho trẻ từ 11-14 tuổi;

 

Tại mỗi huyện, sẽ có kế hoạch tiêm vào các ngày khác nhau theo kế hoạch do UBND huyện phê duyệt.   

 

P.V: Xin ông cho biết kế hoạch, mục tiêu của Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella trên địa bàn toàn tỉnh?

 

Ông Nguyễn Văn Trường: Vắc xin sởi - rubella là loại vắc xin kết hợp phòng được 2 bệnh là bệnh sởi và bệnh rubella và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận, cho phép sử dụng từ năm 1994. Vắc xin dành cho chiến dịch lần này được tài trợ bởi Liên minh Vắc xin và Tiêm chủng toàn cầu (GAVI).

 

Thực hiện Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 18-7-2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella trên địa bàn tỉnh năm 2014-2015 và thực hiện kế hoạch của Chương trình tiêm chủng Quốc gia, từ tháng 7-2014, ngành Y tế đã triển khai công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella. Từ tháng 10 tới, chúng tôi sẽ chính thức triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella và dự kiến, đến ngày 20-2-2015, sẽ hoàn thành Chiến dịch. Tổng số đối tượng của chiến dịch theo kết quả điều tra ban đầu gần 300 nghìn trẻ từ 1 đến dưới 15 tuổi (trẻ được sinh ra từ ngày 1-1-2000 đến 31-8-2013). Đây là chiến dịch tiêm phòng lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Với chiến dịch này, chúng tôi phấn đấu hoàn thành tiêm phòng sởi - rubella cho 98% số trẻ tổng số gần 300 nghìn trẻ đã điều tra.

 

P.V: Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của Chiến dịch tiêm phòng này và tác động của nó đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn?

 

Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi và vi rút rubella gây ra. Bệnh rubella ở trẻ em thường nhẹ, ít biến chứng. Tuy nhiên, nếu người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, hội chứng rubella bẩm sinh và nhiễm rubella bẩm sinh ở trẻ khi sinh ra. Hội chứng Rubella bẩm sinh có thể gây ra các dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh... và nhiều trường hợp mắc đa dị tật. Hằng năm, tỉnh ta cũng thường xuyên có các tường hợp mắc sởi và đã có nhiều trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến dưới 15 tuổi sẽ góp phần giảm gánh nặng bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh, rất quan trọng để hạn chế dịch bệnh tại Thái Nguyên, giảm được gánh nặng bệnh tật cũng như những tác động, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống xã hội nói chung đồng thời góp phần để nước ta đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2017 và bệnh rubella trong tương lai.

 

P.V: Ngành Y tế có giải pháp gì để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao ngay cả đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thưa ông?

 

Ông Nguyễn Văn Trường: Với công tác truyền thông, chúng tôi tuyên truyền cho cộng đồng bằng nhiều hình thức như qua các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực tiếp qua tờ rơi, áp phích... Công tác chuẩn bị cho chiến dịch là rất quan trọng, chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể, địa bàn phụ trách đối với từng thành viên Ban Chỉ đạo đồng thời nhấn mạnh vai trò của 2 ngành chủ đạo trong chiến dịch là Y tế, Giáo dục và Đào tạo; ưu tiên quan tâm đến các vùng khó khăn...

 

Để bảo đảm cho Chiến dịch thành công ngay tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi đã tổ chức điều tra lập danh sách đối tượng với yêu cầu điều tra kỹ, đặc biệt là nhóm đối tượng không đi học, tại các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn... Từ đó, chúng tôi yêu cầu các địa phương từ cấp xã tự xây dựng kế hoạch, chọn hình thức và thời gian triển khai phù hợp với địa bàn của mình. Chúng tôi cũng tổ chức tập huấn kỹ phương pháp triển khai tới ban chỉ đạo các cấp, cán bộ y tế các tuyến, ngành phối hợp tổ chức, triển khai thực hiện đồng thời chuẩn bị chu đáo phương tiện, vắc xin, vật tư tiêm chủng chú ý đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và đảm bảo đầy đủ kỹ thuật để vắc xin được bảo quản đúng quy định...

 

Đối với những địa bàn đặc biệt, chúng tôi yêu cầu các ban chỉ đạo tổ chức các điểm tiêm/đội tiêm lưu động nếu cần thiết. Ngoài ra, đối với các khu vực đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, dân cư thưa (miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống...), chúng tôi tổ chức tiêm đồng loạt cho tất cả các nhóm lứa tuổi. Ngoài ra, ngành Y tế đã có kế hoạch và lịch giám sát hỗ trợ đối với các địa bàn với các đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo tuyến tỉnh, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo... và các nhóm giám sát của các cơ quan chuyên môn như Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các Trung tâm Y tế huyện. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, giữa các đợt tiêm chúng tôi đều đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục điều chỉnh để nâng cao chất lượng và hiệu quả Chiến dịch, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt cao và an toàn.


P.V: Xin cảm ơn ông!