Gương sáng vùng cao

23:40, 18/09/2014

Họ là những tấm gương đi đầu trong hoạt động tuyên truyền về các chính sách của Đảng, Nhà nước; mạnh dạn vươn lên phát triển kinh tế, là cầu nối chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và là nhân tố điển hình trong bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số… Báo Thái Nguyên xin giới thiệu một số đại biểu là người dân tộc thiểu số tiêu biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Võ Nhai lần thứ II năm 2014.

Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc

 

Đồng chí Lê Thị Thủy, người dân tộc Tày, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thần Sa: Xã Thần Sa (huyện Võ Nhai) là nơi sinh sống chủ yếu của bà con dân tộc Tày, Dao, Mông… Với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, bên cạnh việc xây dựng Hội ngày càng lớn, mạnh, tôi còn mong muốn có thể đưa việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp trong bản sắc văn hóa các dân tộc vào chương trình công tác Hội. Chính vì vậy, năm 2011, ngay khi đảm nhận chức vụ, tôi đã sáng lập ra Câu lạc bộ hát Then.

 

Hát Then là loại hình diễn xướng dân gian gắn liền với tín ngưỡng của dân tộc Tày, Nùng. Khi mới thành lập CLB, tôi là người duy nhất biết đàn và hát. Từ niềm đam mê với cây đàn Tính cùng điệu Then, điệu lượn, tôi đã vận động một số chị em ở địa phương cùng tham gia và truyền dạy cách đàn, cách hát cho họ. Đến nay, CLB đã có trên 10 thành viên, sinh hoạt định kỳ vào mỗi tháng/lần. CLB là không chỉ là nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ của chị, em mà còn góp phần gìn giữ và quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc Tày. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã tham dự nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các sự kiện chính trị lớn trong và ngoài địa phương. Năm 2013, tôi đã được Đảng bộ tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng nhắc nhở tôi cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa không chỉ của riêng dân tộc mình mà còn các dân tộc anh em trên địa bàn.

 

Thông qua những hoạt động của CLB, tinh thần tự hào về truyền thống dân tộc được nâng lên, tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc ngày càng gần gũi và luôn sẵn sàng giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

 

Mạnh dạn phát triển kinh tế và chia sẻ kinh nghiệm với đồng bào mình

 

Ông Lý Văn Nùng, người dân tộc Mông ở xóm Cây Bòng, xã La Hiên, Võ Nhai): Trước kia, do tập quán canh tác còn lạc hậu, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống của 5 người trong gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tôi đã tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi và vay vốn để mở rộng sản xuất. Năm 1998, tôi đã vay ngân hàng 4 triệu đồng để mua một cặp trâu sinh sản trâu. Đến năm 2001, đàn trâu của gia đình tôi đã lên tới 10 con. Từ chăn nuôi trâu, tôi đã có thêm vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện nay, tôi đang làm chủ một trang trại chăn nuôi với khoảng 600 con lợn thịt/lứa, 5 sào ao nuôi cá tổng hợp. Cùng với đó, tôi còn trồng 1ha rừng keo, hàng trăm gốc na và chuối tây. Mô hình trang trại của gia đình tôi đang cho thu nhập bình quân khoảng 250 triệu đồng/năm.

 

Bên cạnh phát triển kinh tế, tôi còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của bản thân với người dân trong xóm, giúp đỡ tư vấn cho đồng bào các dân tộc thiểu số về giống, phân bón, cách chăm sóc. Trong xóm, đã có hàng chục hộ gia đình vươn lên thoát nghèo từ việc học hỏi mô hình kinh tế của gia đình tôi. Nhiều năm nay, tôi được người dân tromg xóm tin tưởng bầu là người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

Tuyên truyền trong đồng bào như vận động chính những người trong gia đình


Anh Hoàng Văn Tài, Bí thư chi bộ xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai): Xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, gồm 114 hộ với 530 nhân khẩu, đời sống đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Được sự tín nhiệm của bà con trong xóm, tôi được bầu lầm Bí thư chi bộ từ năm 2009, vì thế tôi luôn gương mẫu, là người đi đầu, thực hiện trước những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc giữ gìn an ninh trật tự cho đồng bào nơi đây.

 

Để đồng bào dân tộc hiểu được hết nội dung của những chủ trương, chính sách đó, nhiều khi tôi phải phiên dịch ra tiếng Mông rồi đến từng hộ để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện. Những năm trước đây một số hộ dân do chưa am hiểu đã bị phần tử xấu lôi kéo vào các hoạt động tà đạo, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Tôi đã kiên quyết tuyên truyền, vận động người dân không nghe theo luận điệu của bọn phản động, cảnh giác với kẻ xấu, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương....

 

Tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, người dân yên tâm tập trung vào sản xuất, phát triển kinh tế. Cùng với đó, tôi tận tình hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, vận động bà con từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và xây dựng nếp sống văn hóa. Đến nay, nhiều phương pháp khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào làm nông nghiệp, nhiều giống ngô mới năng suất cao đã được đưa vào trồng đại trà góp phần ổn định đời sống; xóm đã có 20 máy cày phục vụ cho canh tác, hoán cải để chế biến thức ăn, chăn nuôi đã cải thiện đáng kể đời sống đồng bào.