Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, sáng 18-9, ở trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to làm cho một số tuyến đường bị ngập úng cục bộ, khiến các phương tiện tham gia giao thông gặp khó khăn.
Cụ thể trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ đã bị ngập 1 đoạn dài từ Trường Mầm non 19-5 đến khu vực ngã tư giao nhau giữa đường Minh Cầu - Hoàng Văn Thụ khiến các phương tiện tham gia giao thông phải “lội” bì bõm trên đường.
Các lực lượng chức năng lập chốt điều tiết và hướng phương tiện tránh các điểm ngập úng. Ảnh: Chốt giao thông tại khu vực đảo tròn Tân Long, phường Quan Triều.
Ngoài ra, ngập úng cục bộ tại khu vực từ cổng khu dân cư số 9, phường Phan Đình Phùng tới cổng Nhà máy Bia Vicoba - đường Minh Cầu và một số điểm trên đường Lương Ngọc Quyến như: Khu vực cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, ngõ 153 gần Bến xe khách Thái Nguyên và ngã tư giao nhau giữa đường Lương Ngọc Quyến - Lê Quý Đôn cũng đã gây ra tình trạng ách tắc giao thông cục bộ. Trước tình hình trên, một số hộ dân sống ven đường đã ra khơi thông cống rãnh để tránh ùn tắc rác thải, làm cho nước chảy nhanh hơn.
*Tại Đại Từ: Đêm 17 và sáng 18/9 trên địa bàn huyện mưa to và rất to, nước lũ từ sông, suối dâng cao, làm cho tuyến Quốc lộ 37, huyết mạch giao thông của huyện Đại Từ ngập chìm trong nước, tạo thành dòng chảy dữ dội. Đặc biệt là đoạn qua xã Hà Thượng, Cù Vân, An Khánh ngập sâu trong nước, tại Cầu Tây xã Cù Vân xe tải mang biển kiểm soát 22C - 00 038 đi hướng Tuyên Quang - Thái Nguyên bị chết máy giữa dòng nước, nên các phương tiện giao thông không thể qua lại được gây ách tắc giao thông trên 1 cây số. Phương tiện cứu hộ cũng không thể tiếp cận khu vực này để giải phóng chiếc xe bị chết máy.
Ngoài ra khu vực Cù Vân, An Khánh cũng đã bị nước ngập sâu trong nước làm hư hại tài sản, hoa màu của nhân dân. Trước tình hình đó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Đại Từ đã huy động lực lượng công an, quân đội kịp thời ứng cứu người và tài sản của nhân dân ngay trong đêm 17/9.
*Tại TX Sông Công: Từ 6 giờ ngày 18-9, mực nước trên Sông Công dâng do mưa lớn kéo dài và Hồ Núi Cốc xả nước với lưu lượng 200m3/giây đã khiến cho nhiều vùng của thị xã bị ngập. Theo báo cáo sơ bộ, thị xã Sông Công có khoảng 200ha lúa, chè, hoa màu bị ngập. 3 xóm của xã Bình Sơn: Bình Định 1, Bình Định 2, Bình Định 3 bị cô lập với bên ngoài do 2 cây cầu sắt nối các xóm trên với xã Thịnh Đức và xã Tân Cương của T.P Thái Nguyên bị nước cuôn trôi, tuyến đường trục chính đi ra trung tâm xã cũng bị nước ngập. Tại đây có khoảng 30 hộ dân bị nước tràn vào nhà, tài sản của các hộ đã được lực lượng công an, dân quân địa phương chuyển lên địa điểm cao hơn nên không bị trôi.
Lực lượng công an, dân quân xã đưa người dân qua khỏi đập tràn nguy hiểm.
Tại các điểm tràn, cầu cống có nguy cơ gây mất an toàn cho người tham gia giao thông đều có lực công an thị xã, công an xã bố trí lực lượng để hướng dẫn và đưa người dân qua những vùng nước nguy hiểm. Khoảng 9 giờ, nước Sông Công vẫn có chiều hướng dâng cao. Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thị xã Sông Công: Nếu mực nước tiếp tục dâng cao, thị xã đã có phương án di dời người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
* Huyện Phú Bình: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước từ thượng nguồn dồn về khiến mực nước ở các con sông chảy qua địa phận huyện Phú Bình như sông Cầu, sông Đào dâng cao, cách mức báo động 1 là 1,8m.
Theo thông tin thống kê sơ bộ của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện thì tính đến thời điểm này chưa có tình trạng ngập lụt tại các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài đã dẫn đến sạt lở đất khoảng 650m tại xóm Đò, xã Nga My (nơi tiếp giáp với con sông Cầu), khiến 14 hộ dân trong vùng ảnh hưởng phải di dời. Cùng với hiện tượng sạt lở đất là gần 800ha lúa và hoa màu trên toàn huyện bị gãy đổ do ảnh hưởng của mưa bão.
Không chủ quan trước tình hình mưa lũ, huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát các điểm xung yếu, theo dõi chặt chẽ diễn biễn mưa lũ để kịp thời thông báo đến nhân dân. Đồng thời, cảnh báo cho cư dân sinh sống ven sông, vùng trũng, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở không lưu thông trên các tuyến đò ngang và vớt củi trên các con sông. Cùng với đó, huyện đã cử các lực lượng chốt chặn và sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, thực hiện hạ thấp mực nước tại các hồ, đập chứa nước trên địa bàn dưới mức báo động.
Huyện Định Hóa: Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB huyện, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ 23 giờ ngày 17-9 đến 8 giờ sáng 18-9, trên địa bàn đã xảy ra mưa lớn làm ngập úng cục bộ khoảng 30ha lúa (trong đó xã Phú Tiến có khoảng 10ha) và gần 20ha ngô và các loại cây màu bị thiệt hại nặng. Taluy dương ở một số tuyến đường thuộc các xã: Trung Hội, Lam Vỹ, Tân Thịnh, Phú Tiến, Phượng Tiến... cũng bị sạt lở đất với khối lượng sạt lở ước tính trên 4.000m3...
Được biết, sáng nay, huyện Định Hóa đã thành lập 3 đoàn đi kiểm tra tình hình mưa lũ và công tác ứng phó tại tất cả 24 xã, thị trấn trên địa bàn, nhất là ở các công trình hồ, đập trọng yếu, những nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Qua kiểm tra cho thấy, các xã, thị trấn đã thực hiện nghiêm túc công tác PCLB, GNTT, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h. Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn, tăng cường cảnh báo cụ thể cho người dân tại các địa bàn công trình bằng các hình thức như: cắm biển báo hiệu công trình mất an toàn ngay tại đập, xác định và thông báo cho người dân hành lang lũ quét có thể xảy ra; thông tin cảnh báo về hiện trạng công trình có nguy cơ mất an toàn và thực hiện các biện pháp sơ tán các hộ dân có nhà ở tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở cao theo phương án đã lập.
Huyện Đồng Hỷ: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, sáng 18-9, mưa lớn, nước từ trên núi chảy xuống tạo thành dòng chảy mạnh, làm sạt lở đất đá xuống đoạn đường lên núi đến chỗ cư trú của trên 40 gia đình dân tộc Mông ở bản Lân Quan, xã Tân Long. Lượng đất đá sạt lở khoảng 1 nghìn m3, gây ách tắc khoảng 1km đoạn đường lên bản.
Cũng do mưa lớn, nước dâng cao, đập tràn ở xóm Đồng Mây, xã Tân Long bị ngập sâu, khiến trên 600 hộ dân ở các xóm Đồng Luông, Đồng Mây, Làng Giếng, Hồng Phong, Lân Quan bị cô lập. Trên địa bàn huyện, mưa lớn kéo dài khiến khoảng 200 trăm ha lúa và cây màu bị ngập nước. Diện tích lúa, rau màu bị ngập úng tập trung tại các xã: Huống Thượng, Nam Hòa, Linh Sơn, Minh Lập, Hòa Bình. Trong đó, xã Huống Thượng bị ngập nặng nhất với 50 ha lúa và 33 ha rau màu.
Người dân ở xã Huống Thượng thu hoạch sớm diện tích rau bắp cải bị ngập nước.
Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện đang xuống hiện trường, chỉ đạo công tác cứu hộ; huy động lực lượng dân quân, công an và nhân dân hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; cử lực lượng chốt chặn và sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Huyện Phổ Yên: Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB - GNTT huyện, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Phổ Yên đã có mưa, lượng mưa đo được ở thị trấn Ba Hàng: 50mm; Hồ Nước Hai (xã Phúc Thuận): 36mm; Hồ Suối Lạnh (xã Thành Công): 76mm. Mưa đã gây ngập úng cục bộ tại các đường tràn: Tân Ấp (đường Phúc Thuận - Ba Hàng); Ngòi Gạo (đường Tiên Phong - Ba Hàng), làm đổ, ngập 1.500ha lúa mùa sớm, 5ha ngô. Đồng thời gây sạt lở đất ở xóm 5, 8 (xã Phúc Tân), tốc mái 2 hộ dân ở xã Thành Công, Phúc Tân.
Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện Phổ Yên đã trực tiếp xuống các cơ sở, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.