Nhiều “cái được” khi xây dựng khu dân cư

10:44, 30/09/2014

Trong đời mỗi người chắc ít nhất có một lần đi tìm mua nhà hay đất ở. Bởi thế, những thông tin về khu dân cư, giá cả, diện tích phân lô niêm yết tại Trung tâm Phát triển quỹ nhà - đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh khiến nhiều người quan tâm. Nhưng không chỉ có vậy, các khu dân cư, khu đô thị ra đời trong những năm gần đây đã tạo cho tỉnh một diện mạo mới, khang trang và hiện đại hơn.

Lâu rồi tôi mới trở lại khu vực Đầm Xanh - Đầm Đục (phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên), nơi được mệnh danh là “rốn nước” của thành phố. Trước đây, “đặc sản” của khu này là 2 cái… đầm. Một cái đầm nước đục đặt tên là Đầm Đục, đầm nước trong hơn gọi là Đầm Xanh. Nhiều người định cư lâu năm ở đây vẫn nhớ hai cái đầm lầy thụt, đầy gai nhọn và rác rưởi. Họ sinh nhai trên những cái đầm này bằng cách trồng rau muống, cấy lúa hay bắt ốc, nay đã "con đàn cháu lũ". Nhưng giờ đây, nếu không còn tấm biển ghi rõ “phố Đầm Xanh” đặt ở cạnh Bưu điện tỉnh, rẽ đường Cách mạng Tháng Tám thì khó ai có thể biết được điều tôi vừa nói đến. Bởi khu đầm lầy nước đọng này đã hoàn toàn khô ráo, được đặt tên là khu dân cư (KDC) số 10.

 

KDC số 10 gồm các lô đất tăm tắp, phối cảnh cây xanh, đường nhánh, đường chính hợp lý, hiện đại. 4 năm trước, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, Trung tâm Phát triển quỹ nhà - đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh đã lập dự án (DA) đầu tư hơn 62 tỷ đồng, trên 2.873ha đất. DA này đã tạo ra 14.319m2 đất sạch và được bán đấu giá hết, thu số tiền hơn 104 tỷ đồng. Đây là DA nhỏ, nguồn đất ít, suất đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng do lấp được 2 cái đầm, di chuyển một nghĩa địa nên còn giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cho Thành phố.

 

“Đất đẻ ra đất” nhiều hơn là KDC số 6, phường Thịnh Đán. Trên diện tích 26,78ha, giai đoạn 1 Trung tâm đã đầu tư hơn 49 tỷ đồng, tạo được 23.000m2 đất, đến nay đã bán được 21.661m2, thu về cho ngân sách hơn 116 tỷ đồng, chưa kể ngoài 1.500m2 đất "thương phẩm" chưa bán, vẫn còn hơn 22ha đất đang được Trung tâm triển khai giải phóng mặt bằng.

 

Khác với 2 KDC trên, KDC số 4, phường Tân Thịnh lại tạo được 5.000m2 đất công để giao cho các tổ chức, trong đó Trường THPT Lê Văn Tám được giao trên 2.000m2 để xây dựng nhà lớp học. KDC này có mức đầu tư hơn 109 tỷ đồng trên diện tích 8,13ha, Trung tâm đã bán đấu giá 189 lô đất, thu gần 157 tỷ đồng tiền cấp quyền sử dụng đất về cho ngân sách. Hiện khu vực này vẫn còn khoảng 8.000m2 đất thương phẩm sẽ được đấu giá trong năm 2015.

 

Trên đây là 3 trên tổng số 14 khu đô thị và KDC (tổng diện tích 350ha) do Trung tâm Phát triển quỹ nhà - đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khảo sát, lập quy hoạch chi tiết từ năm 2008 đến nay, đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và phê duyệt đầu tư. Không chỉ ở thành phố Thái Nguyên, đơn vị còn khảo sát, lập quy hoạch đầu tư KDC ở xã Nam Tiến (Phổ Yên), khu đô thị số 1 xóm Cầu Gáo, khu đô thị số 2, xóm Nguyên Bẫy và xóm Ao Ngo (phường Cải Đan, T.X Sông Công). Cuối tháng 9 vừa qua, KDC số 3,4, phường Trưng Vương đã được khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng. Đầu năm 2015, KDC số 1, xã Quyết Thắng, KDC số 7C, phường Túc Duyên và khu đô thị số 1, phường Cải Đan (T.X Sông Công) cũng sẽ được khởi công.

 

Nhìn lại những gì làm được từ khi thành lập (2008) đến nay, Giám đốc Trung tâm Hoàng Đức Khánh tỏ rõ sự hài lòng. Ông cho biết: Từ chỗ phải đi “ở nhờ” nay đơn vị đã có “nhà riêng”; từ chỗ thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, nay là 4 triệu đồng; từ 7 cán bộ nay Trung tâm đã có 45 người, đa số là cán bộ trẻ, người có trình độ đại học và trên đại học chiếm hơn 84%. Đặc biệt về công tác Đảng, từ khi thành lập đến nay, Chi bộ đã giới thiệu 20 quần chúng ưu tú tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, kết nạp được 4 đảng viên mới. Nay Chi bộ có 15 đảng viên, tăng 9 người so với ban đầu. Chi bộ luôn được công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh.

 

Những gì Trung tâm làm đã được thực tế khẳng định. Các dự án do Trung tâm làm chủ đầu tư có cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước đồng bộ hơn so với nhiều dự án khác. Khách hàng khi giao dịch tại Trung tâm cũng tin tưởng vào tính hợp pháp của tài sản, nên chấp nhận giá mua cao hơn bên ngoài. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Trung tâm là ở khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo ông Khánh, tư duy “mặc định” trong đầu nhiều người liên quan đến KDC là “có dự án ắt có tiêu cực” khiến một số người gây khó khăn hoặc chống đối triển khai dự án. Đã có trường hợp Trung tâm phải làm việc với lãnh đạo địa phương, đơn vị quản lý cán bộ để can thiệp. Lại có trường hợp Giám đốc Trung tâm phải đến tận nhà giải thích. Với cách làm đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Trung tâm chưa phải “nhờ cậy” đến các biện pháp mạnh như cưỡng chế hay bảo vệ thi công để giải phóng mặt bằng. Những bài học như cán bộ cần giữ lời hứa với dân, minh bạch công khai về giá, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng…là những kinh nghiệm đơn vị có được sau 6 năm “va đập” sẽ hữu ích cho việc triển khai các DA tiếp theo.