Thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy được xem là nguồn lực quan trọng, góp phần cải thiện hạ tầng giao thông địa phương. Tuy nhiên, hơn 8 tháng qua, Định Hóa mới thu được khoảng 50% kế hoạch năm...
Đồng chí Lê Thị Hà, cán bộ kế toán UBND xã Phúc Chu (Định Hóa) cho biết: Hiện nay, toàn xã có khoảng 370 xe máy các loại. Thực hiện kế hoạch thu phí bảo trì đường bộ năm 2014, chúng tôi đã tham mưu cho UBND xã ra thông báo về thời gian, địa điểm thu nộp phí đến toàn thể bà con trong xã từ đầu tháng 3. Để thuận lợi cho bà con nộp phí, UBND xã đã cử cán bộ về thu phí ở ngay nhà văn hóa các thôn, xóm. Tuy nhiên, đến nay, xã mới thu được khoảng trên 16 triệu đồng (đạt trên 40% kế hoạch giao)...
Không riêng gì xã Phúc Chu, công tác thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Định Hóa cũng đạt thấp so với kế hoạch được giao. Theo số liệu từ hồ sơ quản lý của Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Định Hóa), hiện nay, toàn huyện có khoảng 25 nghìn xe máy. Nhưng theo báo cáo của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Định Hóa, 8 tháng qua, huyện mới thu được trên 750 triệu đồng/1,5 tỷ đồng phí bảo trì đường bộ (bằng 50% kế hoạch năm), trong đó có những xã thu đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch giao như: Định Biên (5/45 triệu đồng), Bảo Linh (8/30 triệu đồng)...
Ông Nguyễn Minh Tú, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Định Hóa cho biết: Thu phí bảo trì đường bộ là khoản thu bắt buộc đối với các chủ sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện được Nhà nước quy định, nhằm tạo nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo trì và nâng cấp các công trình giao thông. Từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ thu được năm 2013, năm nay, huyện đang sử dụng để duy tu, sửa chữa gần 20km đường liên xã, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Thế nhưng, công tác thu phí bảo trì đường bộ năm nay lại gặp phải không ít khó khăn, khiến cho tiến độ hoàn thành kế hoạch thu đang bị chậm lại.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, một phần nguyên nhân thu phí bảo trì đường bộ đạt thấp so với kế hoạch là do các ngành chức năng vẫn chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không đóng phí bảo trì đường bộ. Cụ thể, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP, ngày 19-9-2012 của Chính phủ Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, ngày 2-4-2010 của Chính phủ có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với chủ mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định. Nhưng Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, ngày 13-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014 lại không quy định về việc xử phạt đối với hành vi không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông.
Trung tá La Chấn Đẩu, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông (Công an huyện Định Hóa) cho biết: Qua tuần tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm trật tự ATGT, chúng tôi có quyền phạt các lỗi như: vượt quá tốc độ cho phép, vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, không có giấy chứng nhận đăng ký xe, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện … mà chưa có chế tài xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô không nộp phí bảo trì đường bộ, có chăng chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở... Về phía chính quyền địa phương mà trực tiếp là UBND xã, phường, thị trấn - cơ quan trực tiếp được giao thu phí trên địa bàn cũng không có chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không nộp phí bảo trì đường bộ.
Theo quy định, UBND xã, phường, thị trấn chỉ đạo tổ dân phố (hoặc trưởng thôn, bản) tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai phương tiện theo mẫu của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đến nay, chưa có bất cứ quy định nào cho phép UBND cấp xã, phường, thị trấn được phép xử phạt hành chính đối với các trường hợp không nộp phí bảo trì đường bộ. Do vậy, người dân vẫn chưa tự nguyện, tự giác kê khai để nộp phí với lý do người nộp cũng như người không nộp.
Ông Nguyễn Duy Thám ở xóm Hoàng Hanh, xã Trung Hội cho biết: Do phải đi lại nhiều nên từ khi có quy định phải nộp phí bảo trì đường bộ, năm nào tôi cũng tham gia nộp phí đầy đủ. Năm 2013, cán bộ có dặn phải cầm theo phiếu thu, nếu không khi cảnh sát giao thông kiểm tra mà không có để xuất trình thì sẽ bị phạt. Còn năm nay, tôi lại không thấy cán bộ dặn dò nữa. Và tôi cũng không thấy thấy cảnh sát giao thông hỏi đến phiếu thu nộp phí bảo trì đường bộ. Qua tìm hiểu tôi được biết, theo quy định mới, cảnh sát giao thông sẽ không xử phạt đối với các trường hợp chưa nộp phí bảo trì đường bộ.
Trước thực trạng trên, UBND huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, các phòng ban chuyên môn tăng cường công tác thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều người dân chưa ý thức trong việc đóng phí, trong khi việc xử phạt chưa quyết liệt. Thiết nghĩ, để việc thu phí đạt kế hoạch, cấp ủy, chính quyền từ huyện tới xã cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ phải nộp phí bảo trì đường bộ. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch các khoản chi từ Quỹ bảo trì đường bộ để người dân biết, giám sát, từ đó thấy được hiệu quả sử dụng Quỹ, tích cực, tự giác thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.