Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng

10:50, 10/09/2014

Chiều 9/9, bà Denise Rollins, Quyền Phó Tổng Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã có chuyến thăm dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Tại đây, bà Denise Rollins đã nghe các chuyên gia của USAID báo cáo tiến độ thực hiện dự án xử lý chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Đồng thời đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cùng đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam về vấn đề có liên quan đến dự án này.

 

Báo cáo của USAID cho biết, hiện giai đoạn 1 của dự án xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng đang được tiến hành với khoảng 45.000m3 đất và bùn nhiễm dioxin. Trong tháng 7 vừa qua, việc xử lý đã được tạm ngưng vào ngày 22/7 để các nhà thầu của USAID thay đổi vài chất liệu nhằm loại bỏ chất nhiễm bẩn hữu cơ và vô cơ trong chất lỏng, đảm bảo các chất nhiễm bẩn tại sân bay Đà Nẵng không thoát ra môi trường ở nồng độ thiếu an toàn.

 

Báo cáo trên cũng cho biết, đến đầu tháng 8/2014, hệ thống xử lý chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng được khởi động trở lại nhằm đun nóng đất và bùn bên trong mố xử lý cho đến khi nhiệt độ đạt mức 3350C. Đây là mức nhiệt độ để tiêu hủy dioxin.

 

Trong khi đất và bùn được xử lý ở giai đoạn 1 thì các nhà thầu của USAID tiếp tục đào xới đất và bùn ở giai đoạn 2 ở khu vực phía Bắc của dự án. Trong quá trình đào xúc đất và bùn ở khu vực này, các nhà thầu tiếp tục kiểm tra bụi và nước thải nhằm đảm bảo các chất nhiễm bẩn không thoát ra bên ngoài khu vực dự án. Đất và bùn được đào lên được tập kết ở một khu vực được lót nền và che phủ bề mặt trong khi chờ xử lý.

 

Được biết, dự án xử lý dioxin sân bay Đà Nẵng sẽ làm sạch khoảng 80.000m3 đất và bùn nhiễm dioxin, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn làm sạch của Việt Nam. Công nghệ khử hấp thu nhiệt gồm 3 bước chính: Xây dựng kết cấu mố kín nổi trên mặt đất; đào đất, bùn nhiễm dioxin và đưa vào mố; nung nóng bùn và đất đến nhiệt độ 3350C để tiêu hủy dioxin.

 

Sau khi xử lý, đất và bùn này sẽ được xét nghiệm để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam, sau đó được chuyển ra khỏi mố và được sử dụng làm đất san lấp trên công trường sân bay Đà Nẵng. Theo USAID cho biết, do khối lượng đất và bùn ô nhiễm lớn nên quá trình xử lý này sẽ được triển khai trong hai giai đoạn với số tiền khoảng 4 triệu USD và đến năm 2016 sẽ hoàn thành.