Họ là đều là hội viên Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên. Mỗi người một công việc: phóng viên, biên tập viên, làm công tác hội… nhưng điểm chung của họ là yêu nghề, luôn hết mình với mọi hoạt động của Hội. Đây chính là nền tảng vững chắc để họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người làm báo..
Nhiều đổi mới trong hoạt động của Hội
Nhà báo Giang Thị Kim Quy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh: Tôi tham gia công tác Hội đã được hơn 10 năm. Trong quãng thời gian ấy, tôi thấy hoạt động của Hội Nhà báo và các chi hội, liên chi hội đổi mới từng ngày. Riêng trong nhiệm kỳ 2008-2014, Hội đã có nhiều đổi mới rõ nét so với các nhiệm kỳ trước. Đó là việc duy trì tổ chức Hội Báo xuân vào các dịp Tết Nguyên đán hằng năm; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí; đi thực tế ở cơ sở để hội viên có cơ hội học hỏi kinh nghiệp lẫn nhau trong quá trình tác nghiệp, thực hiện các tác phẩm báo chí, khai thác thông tin, viết tin, bài... Đặc biệt, đến nay, Hội đã có 250 hội viên, tăng 180 hội viên so với đầu nhiệm kỳ, sinh hoạt ở 5 chi hội, liên chi hội. Không chỉ tăng về số lượng mà trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các hội viên cũng đã được nâng lên khi hầu hết hội viên đều có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Với nền tảng vững vàng như vậy, lực lượng những người làm báo Thái Nguyên đã tham gia và đáp ứng tốt nhiêm vụ tuyên truyền các sự kiện lớn, nhỏ của tỉnh. Nhất là với việc tham gia giải báo chí của Trung ương và địa phương. Điểm nhấn rõ nét nhất là trong 6 năm qua, hội viên Hội Nhà báo tỉnh đã có nhiều tác phẩm báo chí tham gia Giải Báo chí Quốc gia được lọt vào vòng Chung khảo hằng năm, trong đó có 2 tác phẩm đoạt giải C, 2 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích. Đây là động lực lớn để những người làm công tác Hội cũng như những người làm báo Thái Nguyên nỗ lực hơn trong những năm tiếp theo.
Chúng tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ đồng nghiệp
Nhà báo Khương Doãn, Tổng Biên tập, Thư ký Chi hội Báo Quân Khu Một: Tham gia các hoạt động của Hội Nhà báo, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Trong Chi hội của chúng tôi, nhiều người không được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ báo chí. Do đó, quá trình đi cơ sở, tác nghiệp, các hội viên gặp nhiều khó khăn, có khi những thông tin nắm bắt được lại không phục vụ cho đề tài cần thể hiện, còn những thông tin bài viết cần lại chưa khai thác được. Hay như trong việc trình bày các trang báo, hội viên của chi hội chúng tôi vẫn còn thiếu kinh nghiệm, nhiều số báo trình bày chưa đẹp… Do đó, khi tham gia vào Hội Nhà báo, chúng tôi có điều kiện gặp gỡ, giao lưu với hội viên ở các chi hội, liên chi hội. Các đồng nghiệp đã giúp chúng tôi tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm hay trong quá trình đi cơ sở, thu thập thông tin, viết các thể loại báo chí cũng như trình bày báo… Về phía chúng tôi, những nhà báo mang màu xanh áo lính, được sống trong môi trường quân đội nên cũng có nhiều kiến thức về công tác an ninh, quốc phòng, quân sự địa phương. Vì vậy, qua các buổi giao lưu, chúng tôi cũng đã trao đổi với hội viên ở các chi hội, liên chi hội để họ hiểu và tuyên truyền tốt hơn nữa về những đề tài liên quan đến lĩnh vực này.
Mong Hội Nhà báo tạo cơ hội cho hội viên khẳng định mình
Nhà báo Xuân Tú, Liên chi hội Nhà báo Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Trên 13 năm cầm bút đối với tôi là cả một quá trình phấn đấu nỗ lực không ngừng. Những ngày đầu mới vào nghề, tôi gặp không ít khó khăn trong quá trình tác nghiệp, thực hiện các tác phẩm báo chí. Nhưng được sự động viên, giúp đỡ của các đồng nghiệp, những hội viên đi trước, tôi đã ngày càng trưởng thành hơn. Năm 2009 đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp làm báo của tôi khi lần đầu tiên, một phóng sự truyền hình của tôi được chọn là tác phẩm báo chí chất lượng cao cấp tỉnh. Từ đó đến nay, năm nào Chi hội (nay là Liên chi hội) cũng tin tưởng lựa chọn tác phẩm do tôi thực hiện để công nhận tác phẩm báo chí chất lượng cao cấp tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm của tôi đã được Hội Nhà báo tỉnh tuyển chọn tham dự Giải Báo chí Quốc gia. Điển hình như năm 2009, tác phẩm “Cần xem xét lại hoạt động của công ty cổ phần Bình An” của tôi và các bạn đồng nghiệp đã được lọt vào vòng chung khảo Giải báo chí Quốc gia năm 2009. Đặc biệt năm 2012, phóng sự truyền hình “Nước sạch hay sạch nước” của chúng tôi đã được lựa chọn tham dự Giải báo chí Quốc gia và vinh dự được Hội đồng giám khảo trao giải C vào dịp 21-6-2013. Từ những kinh nghiệm của bản thân, tôi mong Hội Nhà báo tiếp tục phát huy vai trò nâng đỡ, chắp cánh cho các hội viên, nhất là với hội viên trẻ, tạo cơ hội cho họ thử sức và khẳng định mình. Trước hết Hội Nhà báo cần tăng cường hoạt động tập huấn chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn về các chủ đề phù hợp theo từng thời điểm, qua đó cung cấp thêm kỹ năng, kiến thức cho hội viên; tổ chức thường kỳ các hoạt động đi thực tế nhằm tạo sự kết nối giữa các hội viên và các cơ quan báo chí trên địa bàn….
Cùng trách nhiệm để tạo ra sản phẩm báo chí chất lượng
Nhà báo Thu Hà, Chi hội Nhà báo Báo Văn nghệ Thái Nguyên và Trung tâm Thông tin tỉnh: Ở vị trí của một biên tập viên, tôi ít có điều kiện đi nhiều nhưng bù lại tôi được cảm nhận cuộc sống qua cách nhìn, cách viết của nhiều phóng viên và cũng là những hội viên nhiệt tình, năng nổ của Chi hội. Điều đó đã giúp tôi luôn được cập nhật, bổ sung kiến thức về cuộc sống, cách đánh giá, nhìn nhận khác nhau về sự vật hiện tượng trong xã hội. Được đọc nhiều, biết nhiều và thông qua đó cũng học được nhiều kinh nghiệm hay trong quá trình thể hiện tác phẩm báo chí của đồng nghiệp như sự năng động, nhanh nhạy nắm bắt, phản ánh những thông tin thời sự nóng hổi; thể hiện sâu sắc đến từng góc cạnh của mọi vấn đề; đánh giá các vấn đề ở một tầm khái quát hơn... Tôi rất trân trọng sự tìm tòi, sáng tạo của đồng nghiệp và thấy mình có trách nhiệm cùng đồng nghiệp tạo nên một sản phẩm báo chí chất lượng, đáp ứng lòng mong mỏi của độc giả. Nhưng duyên nghiệp cũng có lúc thăng, lúc trầm, đó là khi đồng nghiệp không hiểu, không đồng cảm với những góp ý, những khắt khe của người biên tập mà tạo nên những áp lực. Buồn đấy, nản đấy nhưng rồi tự động viên mình phải cố gắng vượt qua. Khi đó tôi tự rút ra một điều là cần phải kiên nhẫn, lắng nghe và tự trau dồi kiến thức, có khi phải tự đóng những vai khác nhau để có thể tìm ra tiếng nói chung, để đem đến cho công chúng một sản phẩm báo chí tốt nhất, đáp ứng các tôn chỉ mục đích của tờ báo, bản tin.
Đam mê đi và viết
Nhà báo Thu Lan, Chi hội Nhà báo Báo Thái Nguyên: Nghề làm báo đối với nhà báo nam đã là vất vả, nhưng với nhà báo nữ còn vất vả hơn. Đặc biệt đối với một tờ nhật báo như Báo Thái Nguyên hiện nay, thì áp lực công việc càng lớn. Chúng tôi luôn tất bật với tin tức hàng ngày, lịch tuần, lịch tháng, lịch bài số đặc biệt. Chỉ tính trong một năm, đã có các số báo: Tết Dương lịch; Tết Nguyên đán; số kỷ niệm nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3; Giỗ Tổ Hùng Vương; Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), ngày Quốc tế Lao động (1-5); Ngày sinh của Bác (19-5); Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6)… Đó là chưa kể các trang chuyên đột xuất vào dịp lễ kỷ niệm ngày thành lập của các ngành, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, trường học. Vì vậy, để có những thông tin nhanh đến với bạn đọc, phóng viên phải đi và viết liên tục, kể cả ngày nghỉ. Nếu phóng viên nào chỉ cần “ngơi tay” một chút là đã hết tuần, vì sự kiện không chờ đợi nhà báo, mà nhà báo phải tìm đến sự kiện. Nhiều lúc chúng tôi đùa nhau “những bài báo chẳng khác những cái “gông” liên tục khoác vào "cổ” và luôn “chiếm dụng” thời gian của chị em làm báo. Nhưng đã có mấy ai chịu bỏ cuộc mà vẫn say mê đi và viết. Đam mê và say mê nghề nghiệp đã khiến chị em chúng tôi coi gian khổ chỉ là chuyện nhỏ và ai cũng hướng đến một mục đích lớn lao là làm sao đi cơ sở thật nhiều và phát hiện được những vấn đề báo chí hay nhất, thông tin đến bạn đọc muôn mặt của cuộc sống. Nhà báo phải dành rất nhiều thời gian đi cơ sở thu thập thông tin, viết bài, nhiều lúc phải đi từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về. Do vậy, đối với những chị em có con nhỏ, chồng công tác xa nhà thì chuyện đưa con gửi bác bảo vệ cơ quan hay hàng xóm trông nom hộ ngoài giờ là chuyện thường ngày. Vào những thời gian cao điểm như làm báo Tết hoặc diễn ra các sự kiện lớn của tỉnh trong thời gian dài thì chúng tôi lại phải “vắt chân lên cổ” chạy cho kịp để có tin, bài đăng báo. Nhưng chúng tôi vẫn đam mê, bởi không có nghề nào lại được đi lắm, biết nhiều như nghề làm báo...