Sau khi nhà máy xử lý rác thải trị giá trên 30 tỷ đồng xây dựng tại T.X Sông Công ngừng hoạt động do vấn đề công nghệ và một số nguyên nhân khác, mới đây, T.P Thái Nguyên đã cho phép Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên huy động các nguồn vốn (ngoài ngân sách) để xây dựng Nhà máy xử chất thải rắn Đá Mài bằng công nghệ đốt (dây chuyền sản xuất trong nước) trị giá trên 73,8 tỷ đồng đặt tại bãi rác xã Tân Cương...
Giai đoạn 1 của Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài có tổng mức đầu tư là 62,8 tỷ đồng với công suất xử lý rác thải rắn đạt 150 tấn/ngày đêm. T.P Thái Nguyên và tỉnh sẽ có cơ chế: Cấp 3ha đất (trong khu vực bãi rác Đá Mài), thanh toán chi phí xử lý rác thải rắn cho chủ đầu tư với giá 280 nghìn đồng/tấn. Công nghệ đốt có những lợi ích như: sau khi phân loại, 4% rác thải rắn được tận dụng để tái chế; 10% rác thải là đất, đá, vật liệu thừa sẽ chôn lấp ngay tại bãi rác Đá Mài. Phần rác thải còn lại đưa vào đốt ở nhiệt độ cao. Xỉ rác thải rắn sau khi đốt tiếp tục được Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên tận dụng để sản xuất gạch xây dựng (độ bền tương đương với gạch silicat), gách lát vỉa hè.
Đây là công nghệ đốt tự động, tức là nguồn nhiệt khi đốt rác thời gian đầu sẽ được thu lại để sử dụng sấy khô rác trước khi đưa và lò nên tiết kiệm nhiên liệu, chi phí, nhân lực. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Nhà máy xử lý rác thải rắn Đá Mài còn lắp đặt thêm thiết bị thu khói, bụi và khử mùi. Ông Mai Văn Tấn, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch T.P Thái Nguyên cho biết: “Xử lý rác thải rắn bằng công nghệ đốt đã được sử dụng thành công ở nhiều tỉnh trong cả nước như: Bình Dương, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, T.P Hà Nội… Cùng với đó là giá chi phí xử lý 1 tấn rác thải rắn bằng công nghệ đốt mà Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên đưa ra thấp hơn 40 nghìn đồng/tấn so với mức chi phí tối thiểu mà Bộ Xây dựng quy định. Xét về các phương diện, điều kiện hiện nay thì xử lý rác thải rắn bằng công nghệ đốt là phù hợp nhất”.
Đầu tư ban đầu của doanh nghiệp lớn và mức chi phí dành cho xử lý rác thải của T.P Thái Nguyên sẽ gia tăng so với xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp thủ công như hiện nay nhưng về lâu dài xử lý rác bằng công nghệ đốt sẽ tiết kiệm mặt bằng, hạn chế được ô nhiễm môi trường nước do rỉ rác của bãi rác Đá Mài chảy ra sông Công. Ông Tăng Anh Trường, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên cho biết: “Đây là khoản đầu tư rất lớn với doanh nghiệp nhưng vì lợi ích chung, chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện. T.P Thái Nguyên, UBND tỉnh rất tạo điều kiện về mặt thủ tục hành chính, cơ chế hỗ trợ nên Nhà máy xử lý rác thải rắn Đá Mài được khởi công xây dựng ngày trong quý IV-2014. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ xử lý rác thải triệt để hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kéo dài khả năng hoạt động của bãi tác Đá Mài thêm 30 năm. Cùng với đó, Nhà mày tạo việc làm ổn định cho khoảng 50 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng và đóng góp vào ngân sách khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm”.
Giai đoạn 2 (sau năm 2016), Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 11 tỷ đồng để lắp đặt thêm thiết bị để tận dụng lượng rác hữu cơ, sản xuất phân bón vi sinh, nhằm xử lý rác thải một cách triệt để, khép kín.