Xây dựng tuyến phố văn minh: Bắt đầu thực hiện từ đâu?

10:49, 11/09/2014

Hiện nay, các phường của T.P Thái Nguyên đã phát động và thực hiện nhiều phong trào thi đua, mô hình để huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc xây dựng văn minh đô thị nhưng đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này. Do vậy, Đề án Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn T.P Thái Nguyên giai đoạn 2014-2016 đã được “khởi động”…

Lựa chọn “tiêu biểu” để làm “hạt nhân”

 

Đường Phùng Chí Kiên được UBND phường Túc Duyên đang “gấp rút” xây dựng thành tuyến phố văn minh để UBND T.P Thái Nguyên xem xét công nhận vào cuối năm 2014. Đường Phùng Chí Kiên được chọn vì hạ tầng được đầu tư xây dựng khá bài bản, nhân dân thuộc 2 tổ dân phố số 8 và số 9 có điều kiện kinh tế và đội ngũ cán bộ cơ sở đoàn kết, năng động. Từ khi triển khai xây dựng tuyến phố văn minh, 100% số hộ, cơ quan dọc 2 bên đường Phùng Chí Kiên đều ký cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của thành phố. Từ đó, tình trạng lấn chiếm hành lang vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh đã giảm, rác thải hè phố được quét dọn thường xuyên.

 

Tuy nhiên, khi chúng tôi đi dọc tuyến đường Phùng Chí Kiên, vẫn thấy đâu đó vẫn còn có hộ dân bỏ rác thải sinh hoạt ra vệ đường sau giờ công nhân môi trường đã đi thu gom rác; trên vỉa hè (phía đầu đường giao nhau với đường Hùng Vương) còn một số hộ dân lấn chiếm để bày bán đồ gỗ, để biển quảng cáo, kê bàn ghế bán đồ ăn.

 

Có mặt tại tuyến đường Minh Cầu (được phường Phan Đình Phùng chọn để xây dựng tuyến phố văn minh) chúng tôi vẫn thấy tình trạng các loại phương tiện để trên vỉa hè, chiếm phần đường của người đi bộ, việc kinh doanh trên vỉa hè vẫn còn. Đồng chí Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng cho biết: “205 hộ dân, 8 cơ quan nằm trên toàn tuyến đường Minh Cầu thuộc 8 tổ dân phố đều đã ký cam kết với UBND phường về thực hiện việc xây dựng tuyến phố văn minh. Thời gian đầu, tình trạng một số tổ chức, cá nhân còn vi phạm các nội dung. Để các hộ dân thực hiện triệt để ngay 5 tiêu chí trong xây dựng tuyến phố văn minh là rất khó nhưng cấp phường, tổ dân phố sẽ kiên trì tuyên truyền, vận động và có biện pháp xử lý thích hợp đối với những trường hợp tái phạm nhiều lần”.

 

Tìm hiểu thực tế tại một số tuyến đường, phố mà các phường đăng ký xây dựng tuyến phố văn minh trong năm 2014, chúng tôi đã thấy có những sự chuyển biến ban đầu. Nhưng việc xây dựng và duy trì được tuyến phố văn minh không phải chuyện dễ và ở cơ sở vẫn còn nhiều sự băn khăn, lúng túng khi triển khai, nhất là những vấn đề liên quan đến dịch vụ, chất lượng công trình hạ tầng đô thị. Do vậy, sau 3 tháng UBND T.P Thái Nguyên triển khai Đề án xây dựng tuyến phố văn minh mới có 18/19 phường đăng ký xây 24 tuyến đường, phố thành tuyến phố văn minh (phường Tích Lương đã triển khai nhưng chưa có tổ dân phố nào đăng ký xây dựng tuyến phố văn minh).

 

Hiện 19 phường của T.P Thái Nguyên đã ra soát và thống kế được 28 tuyến đường với chiều dài 65,3km; 63 tuyến phố cần phải xây dựng thành tuyến phố văn minh. Theo đó, mục tiêu của Đề án là kết thúc năm 2016, tối thiểu phải có 70% số đường, phố nêu trên được công nhận là tuyến phố văn minh.

 

Ý thức của người dân quyết định sự thành công

 

Đề án xây dựng tuyến phố văn minh lần này T.P Thái Nguyên đưa ra 5 tiêu chí bắt buộc, gồm: Không sử dụng lòng đường, vỉa hè trái quy định; không xâm phạm, làm hư hỏng hoặc thay đổi kết cấu giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị; giữ gìn vệ sinh môi trường đúng theo quy định; có 80% hộ gia đình, cơ quan được công nhận là gia đình văn hoá, cơ quan văn hoá; chấp hành và triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của thành phố, của phường và hương ước, quy ước của địa phương.

 

5 tiêu chí này không có nhiều nội dung mới so với nội dung của các phong trào, mô hình đã triển khai trên địa bàn T.P Thái Nguyên trước đây, nhưng việc thực hiện Đề án vẫn không hề đơn giản vì một bộ phận người dân có thói quen xả rác không đúng giờ quy định, cố tình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, cơi nới các công trình xây dựng dân dụng. Trong hướng dẫn chấm điểm để công nhận tuyến phố văn minh (thang điểm 1.000), UBND T.P Thái Nguyên đã để mức 500 điểm đối những tiêu chí thuộc về ý thức thực hiện nếp sống văn minh đô thị của người dân, như: Không sử dụng vỉa hè, lòng đường trái quy định để kinh doanh, buôn bán; đặt biển quảng cáo, đun bếp than, phơi nông lâm sản, buộc thả gia súc; tổ chức hiếu, hỷ…

 

Bà Vũ Thị Bình ở tổ 12, phường Quang Trung cho biết: “Tôi rất đồng tình với chủ trương xây dựng tuyến phố văn miình vì đây là việc làm thiết thực để phục vụ đời sống của nhân dân. Điều tôi băn khoăn là hiện nay, T.P Thái Nguyên chưa có dịch vụ nhà tang lễ nên khi có việc hiếu thì hầu hết các gia đình đều phải tận dụng vỉa hè trong vòng 24 giờ để tổ chức tại nhà. Nay cấm thì người dân biết giải quyết vấn đề này ra sao?

 

Bên cạnh đó các công trình hạ tầng đô thị của T.P Thái Nguyên trong tình trạng chắp vá, thiếu đồng bộ, chưa quy chuẩn nên chiếu theo các tiêu chí của tuyến phố văn minh thì cần phải phá bỏ, cải tạo, đầu tư xây dựng mới. Đồng chí Phạm Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Túc Duyên cho biết: “Các tiêu chí thuộc trách nhiệm của người dân thì đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và có các biện pháp xử lý chắc chắn sẽ chuyển biến. Điều chúng tôi băn khoăn hiện nay chính là một số tiêu chí về hạ tầng như hệ thống thoát nước, vỉa hè xây dựng chưa quy chuẩn, dây cáp viễn thông, đường điện còn nhiều bất cập nên phải có sự vào cuộc thực sự trách nhiệm của các ngành, đơn vị liên quan thì việc xây dựng tuyến phố văn minh mới khả thi và có thể duy trì dài lâu”. Như vậy, có thể thấy trong thời điểm công tác quản lý Nhà nước về đô thị chưa đồng bộ thì chủ trương xây dựng tuyến phố văn minh của T. P Thái Nguyên có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chấp hành quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ tổ dân phố.

 

Để không mắc "bệnh hình thức” trong việc xây dựng tuyến phố văn minh, T.P Thái Nguyên đã đưa ra 3 mức, gồm: Tuyến phố văn minh mức 1 (đạt từ 600 đến 750 điểm); tuyến phố văn minh mức 2 đạt từ 750 đến 850 điểm; tuyến phố văn minh mức 3 phải đạt trên 850 điểm. Theo đại diện lãnh đạo một số phường, 24 tuyến đường, phố đăng ký xây dựng tuyến phố văn minh trong năm nay chỉ có thể dừng ở mức 1 với lý do là nhiều tiêu chí chưa thể thực hiện triệt để ngay, nhất là các tiêu chí liên quan đến chất lượng hạ tầng đô thị. Thêm nữa việc duy trì tuyến phố văn minh của các phường cũng quan trọng không kém việc phấn đấu xây dựng tuyến phố văn minh mới…

 

13,71 tỷ đồng là số kinh phí mà UBND T.P Thái Nguyên dự kiến đầu tư để thực hiện Đề án xây dựng tuyến phố văn minh từ năm 2014 đến năm 2016 và phân công trách nhiệm chính cho 19 phường, các phòng, đơn vị của thành phố thực hiện. Trong đó, năm 2014, UBND T.P Thái Nguyên yêu cầu tất cả 19 phường tối thiểu phải đăng ký và được công nhận 1 tuyến đường hoặc 1 tuyến phố trở thành tuyến phố văn minh. Năm 2015, 19 phường phải duy trì tuyến phố đã được công nhận và có thêm 50% tuyến đường, phố còn lại được công nhận. Năm 2016, có 70% đường, tuyến phố chính trên địa bàn T.P Thái Nguyên được công nhân là tuyến phố văn minh.

 

Theo đồng chí Mai Anh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên: Để đô thị xanh, sạch, đẹp, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, rất cần sự ủng hộ, góp sức của mỗi cơ quan, đơn vị và từng người dân thành phố. Đô thị sẽ văn minh khi mỗi cá nhân, mỗi gia đình cùng chung sức thực hiện từ những việc nhỏ nhất, như: Xả rác thải sinh hoạt đúng giờ quy định; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh; xâm phạm làm hư hỏng hoặc thay đổi kết cấu giao thông, hạ tầng đô thị. Riêng đối với các ngành, như: Điện, viễn thông… T.P Thái Nguyễn sẽ kiên quyết yêu cầu sắp xếp lại hệ thống dây dẫn, từng bước ngầm hoá để chấm dứt tình trạng “mạng nhện” ở một số tuyến đường, phố gây mất mỹ quan đô thị… 

 

Có nhiều tuyến đường, phố văn minh, T.P Thái Nguyên sẽ hiện đại, sạch, đẹp. Đó không chỉ là niềm tự hào đối với mỗi người dân mà còn góp phần để thúc đẩy du lịch phát triển, thu hút đầu tư vào địa bàn...