Ngày 21-10, tại Đồng Nai, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng Ban Chỉ đạo 33) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo: “Đánh giá thực trạng ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa – Những việc cần làm”, với sự tham dự của gần 70 đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học.
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo 33, trong chiến tranh (từ 12-1969 đến 3-1970), tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) đã xảy ra bốn vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa gồm: hai vụ tràn chất Trắng với 2,5 nghìn lít; hai vụ tràn chất Da cam với số lượng 25 nghìn lít. Do đó, Sân bay Biên Hòa được UNDP đánh giá là vùng ô nhiễm có quy mô lớn và nồng độ dioxin cao.
Qua khảo sát, tại các khu vực sân bay này, khối lượng đất ô nhiễm lên đến 250 nghìn m3 với nồng độ dioxin từ 1.000 ppt đến 1.000.000 ppt, và cần ít nhất 250 triệu USD để xử lý triệt để toàn bộ khối lượng đất bị ô nhiễm trên.
Năm 2009, Bộ Quốc phòng đã cô lập 94 nghìn m3 đất bị ô nhiễm dioxin bằng công nghệ chôn lấp cô lập tại 23 lô đất nhiễm nặng. Trong đó, có ba lô với khối lượng hơn 3,3 nghìn m3 được chôn lấp kết hợp với công nghệ vi sinh do Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện.
Trong thời gian tới, tiếp tục cô lập các khu vực ô nhiễm xung quanh sân bay Biên Hòa nhằm ngăn chặn sự lan tỏa của dioxin ra các khu vực khác.