Cứ mỗi độ thu về, cao nguyên đá Đồng Văn-nơi vốn chỉ được biết đến với núi đá nhấp nhô lại ngập tràn trong sắc hồng của hoa tam giác mạch đẹp đến nao lòng người. Vài năm trở lại đây, hoa tam giác mạch đã tạo sức hút mạnh với du khách khi mỗi độ hoa nở rộ, dòng du khách vượt đường xa đến với cao nguyên đá lại trở nên nhộn nhịp. Thế nhưng, những sản phẩm du lịch được tạo ra từ loài hoa đẹp này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng vốn có của nó.
Hoa tam giác mạch bé nhỏ đẹp dịu dàng, mong manh gắn với nhiều sự tích, trong đó sự tích được nhiều người nhắc đến là câu chuyện “cứu đói” lạ lùng. Tương truyền, thuở xa xưa, nàng Tiên Gạo và Tiên Ngô gieo mày trấu, mày ngô xuống các khe núi nơi hạ giới. Người dân miền núi phía Bắc sống chủ yếu bằng hạt ngô, hạt lúa được kết tinh từ những cây lúa, cây ngô trưởng thành từ mày trấu, mày ngô này. Một năm nọ, lúa, ngô trong nhà đã cạn mà vụ mùa sau vẫn chưa tới, cái đói ùa về khắp bản làng. Sau hành trình dài đầy mệt mỏi kiếm tìm đồ ăn, dân bản bắt đầu chán nản, tuyệt vọng thì bỗng nhiên người ta thấy có mùi hương lạ thoang thoảng trong gió. Mọi người đi theo “tiếng gọi”, “lời chỉ đường” của mùi hương, đến được một khe núi và ngỡ ngàng khi thấy rừng hoa tím hồng li ti trải dài từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Dân bản đem hạt của cây này về ăn thay ngô, gạo và thấy nó ngon không kém gì hai loại lương thực kia. Vì là họ nhà lúa, lá có hình tam giác nên loài cây lạ “cứu đói” ấy được dân bản gọi bằng cái tên trìu mến đầy hình tượng: Tam giác mạch.
Hiện nay, người dân bản địa vẫn lấy bột của hạt tam giác mạch để làm bánh hoặc dùng hạt trộn với hạt ngô để nấu rượu. Tuy nhiên do chất lượng thành phẩm không cao, nên tam giác mạch không được khuyến khích trồng nhiều. Từ khi vẻ đẹp của hoa tam gác mạch lọt vào ống kính nhiếp ảnh của các "phượt thủ", tam giác mạch được nhiều người biết đến hơn, các cánh đồng hoa vì thế cũng trở nên đông đúc, tấp nập người tới thưởng lãm mỗi độ hoa nở rộ. Theo thống kê của các công ty du lịch, do thời điểm hoa tam giác mạch nở rộ thường rất ngắn (từ 15 đến 20 ngày) nên trong khoảng thời gian “vàng” này, hàng nghìn du khách đăng ký du lịch tới Hà Giang (nơi trồng nhiều hoa tam giác mạch nhất) để thưởng lãm vẻ đẹp của hoa. Đón một lượng lớn du khách là mong ước của nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng núi, khi giao thông còn nhiều khó khăn, vì thế có thể thấy rõ sự ưu ái của du khách dành cho hoa tam giác mạch, Hà Giang. Tuy nhiên, hiện nay, các đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang hoàn toàn chưa được quy hoạch cho việc phát triển du lịch, dù lợi ích du lịch đã được chứng minh. Nếu như ở Hà Nội, để được chụp ảnh trong vườn hoa bách nhật, hoa cải, hoa đào, mỗi du khách phải trả tiền phí dịch vụ, phải cam kết không ngắt hoa, bẻ lá... thì ở những cánh đồng hoa tam giác mạch, do không có người quản lý nên nhiều du khách tự ý ngắt hoa, dẫm cây. Các loại rượu đặc sản của Hà Giang như Bản Phố, Nậm Pung… cũng trở nên đặc biệt hơn nhờ loại bột tam giác mạch nhưng du khách hầu như không biết được giá trị của những cánh đồng tam giác mạch...
Trong Hội nghị chuyên đề về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang vừa được tổ chức mới đây, huyện Đồng Văn có báo cáo tham luận về cơ chế hỗ trợ phát triển việc chế biến các sản phẩm du lịch, quà tặng lưu niệm từ hoa tam giác mạch, trong đó nêu bật những thế mạnh từ loài hoa đẹp này trong việc phát triển du lịch. Theo đó, các sản phẩm từ tam giác mạch đang được xác định là một trong số các sản phẩm tiêu biểu gắn liền với du lịch, định hướng phát triển giai đoạn năm 2015-2020 trên địa bàn huyện. Thế nhưng, bản tham luận này cũng chưa chỉ ra được việc xây dựng sản phẩm du lịch từ hoa tam giác mạch cần phải tiến hành như thế nào và từ đâu.
Huyện Mèo Vạc được biết đến là một trong những huyện sở hữu những cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp cho biết, huyện đang xây dựng Kế hoạch quy hoạch vùng phát triển cây tam giác mạch phục vụ du lịch trên địa bàn từ năm 2014 với quy mô 10ha, trồng tại 6 xã nằm dọc trên quốc lộ 4C và tỉnh lộ 176, gồm: Pải Lủng, Pả Vi, Tả Lủng, Sủng Trà, Sủng Máng và Thị trấn Mèo Vạc. Theo đó, kế hoạch bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 9-2014 với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước hỗ trợ bình quân cho mỗi héc-ta là 4,5 triệu đồng gồm giống, phân bón tổng hợp NPK và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng; nhân dân đóng góp đất đai, ngày công lao động và phân chuồng. Sau khi trồng, cây mọc được từ 5m đến 7cm, các xã, thị trấn tiến hành nghiệm thu và báo cáo UBND huyện phê duyệt cấp kinh phí. Đến khi cây ra hoa, người dân sẽ được quyền thu phí của du khách có nhu cầu tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Cách làm của huyện Mèo Vạc có thể coi là một cách làm hay trong việc xây dựng sản phẩm du lịch từ hoa tam giác mạch.
Rõ ràng, việc xây dựng sản phẩm du lịch từ hoa tam giác mạch là một việc làm cần thiết, không chỉ để quảng bá hình ảnh Hà Giang tới đông đảo du khách mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nơi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thiết nghĩ, những huyện có may mắn sở hữu những cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp như: Đồng Văn, Xín Mần, Mèo Vạc... cần nhanh chóng có kế hoạch xây dựng phát triển sản phẩm du lịch từ hoa tam giác mạch để trong tương lai, hoa tam giác mạch thật sự trở thành loài hoa “cứu đói” cho đồng bào.