Bản Tèn và Mỏ Nước ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) là 2 bản đồng bào Mông nằm trên đỉnh núi cao. Trong lần đi tác nghiệp vừa qua, chúng tôi may mắn được tham dự một buổi sinh hoạt định kỳ chung của 2 chi hội phụ nữ thuộc 2 bản trên tổ chức tại Bản Tèn…
Từ UBND xã Vân Lăng, qua cầu Vân Khánh, men theo con đường nhỏ gập ghềnh khoảng 2km đến đầu xóm Mỏ Nước, chúng tôi gặp 1 đoàn các mẹ, các chị địu theo con nhỏ, mặc váy xòe màu trắng, xanh, đính hạt nhũ lấp lánh, ríu rít nói cười đang chuẩn bị ngược núi. Hỏi ra mới biết, 25 chị em là hội viên Chi hội Phụ nữ Mỏ Nước đang chuẩn bị đi lên Bản Tèn để tham gia buổi sinh hoạt phụ nữ. Chị Lý Thị Hài, Chi hội trưởng chia sẻ: Hơn 1 năm nay, Chi hội phụ nữ của 2 bản thường tổ chức sinh hoạt định kỳ 4 tháng/1 lần. Mặc dù đường đi còn vất vả, nhưng vì nội dung chương trình sinh hoạt bổ ích, nên chị em trong Chi hội luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia. Tiếp tục đi bộ cùng các chị hơn 1 giờ đồng hồ nữa, vượt thêm khoảng 4km toàn là dốc cao, lổn nhổn đá, qua con suối róc rách cạnh hai hàng cọ xanh mát, Nhà văn hóa ở trung tâm của Bản Tèn đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Khi chúng tôi đến, hơn 60 hội viên phụ nữ của Chi hội Phụ nữ Bản Tèn và các chị em ở Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Hỷ đã tề tựu đông đủ trong tiếng nhạc, tiếng sáo rộn ràng.
Buổi sinh hoạt định kỳ của 2 chi hội phụ nữ được tổ chức trong không khí vui tươi. Thay vì chỉ ngồi nghe tuyên truyền bằng văn bản, tờ rơi, diễn thuyết như từng thấy thì chị em được nghe và tham gia hát, múa, hỏi đáp về các vấn đề mình quan tâm. Được biết, để nâng cao chất lượng hoạt động Hội, từ năm 2013 đến nay, các chi hội đã từng bước đưa các bài hát, bài thơ của dân tộc mình vào các buổi sinh hoạt chi hội, lôi cuốn chị em tham gia hoạt động. Điều này, không những tạo được không khí sôi nổi cho các buổi sinh hoạt mà còn giúp hội viên và quần chúng học thêm tiếng phổ thông, nắm được nhiều thông tin hơn, dễ hiểu hơn về nội dung tuyên truyền của Hội Phụ nữ các cấp.
Tại buổi sinh hoạt chị La Thị Công, Chi hội trưởng Phụ nữ Bản Tèn, năm nay bước vào tuổi 28, đã trao đổi và hướng dẫn mô hình “5 không 3 sạch” cho chị em rất thuần thục, chuyên nghiệp. Các hội viên trong hai Chi hội tham gia đóng góp ý kiến một cách tự tin và trách nhiệm, không e dè ngại nói trước đám đông như trước đây. Bên cạnh đó, những thông điệp về giữ gìn vệ sinh cá nhân, sinh đẻ có kế hoạch, không nên tồn tại hôn nhân cận huyết thống, kết hôn đúng độ tuổi để không vi phạm pháp luật… do cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai cũng được chị em sôi nổi bàn luận, đặt câu hỏi cho những vấn đề chưa hiểu rõ. Chị Phùng Thị Si, Chi hội Phụ nữ Bản Tèn cho biết: Trước kia phụ nữ người Mông chúng tôi chỉ có làm việc suốt ngày thức khuya, dậy sớm trong thời tiết khắc nghiệt. Hầu hết phụ nữ trong bản, không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông nên khó khăn trong giao tiếp và không có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội. Nay đã khá nhiều rồi, phụ nữ có những tiến bộ vượt bậc. Nhiều chị em đã biết viết, nói tiếng phổ thông, khéo léo vận động chồng quan tâm đến mình hơn, cùng tham gia lao động sản xuất và làm việc nhà, chăm lo cho các con… Ông Vương Văn Tình, Trưởng Bản Tèn cho biết: 5 năm qua, chúng tôi cùng các cấp chính quyền, cấp hội đã tuyên truyền, vận động và thuyết phục các bậc cha mẹ người Mông cho con gái đi học. Đến nay, 100% trẻ em gái đến tuổi đều được cắp sách đến trường. Tỷ lệ người kết hôn khi chưa đến tuổi quy định cũng đã giảm nhiều…
Chị Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Hỷ cho biết: Bản Tèn có 114 hộ với 634 nhân khẩu, tỷ lệ phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội chiếm 52%. Bản Mỏ Nước có 30 hộ với 134 nhân khẩu, tỷ lệ phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội chiếm 55,5%. Do 2 bản đều nằm trên vùng núi cao hiểm trở, nên điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. 100% chị em ở đây đều là người dân tộc Mông, thuộc hộ nghèo và phần nhiều có đông con và trình độ học vấn còn thấp, nên rất khó khăn trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật cũng như các thông tin khác. Nắm được tình hình như vậy, chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền vận động chị em vào Hội, đồng thời phối hợp với các ngành và tổ chức Hội cấp trên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, vận động chị em đưa các giống ngô lai có năng suất cao vào trồng. Hầu hết các gia đình mỗi năm đã trồng được 2 vụ ngô lai, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với trồng các giống ngô như trước…
Rõ ràng hoạt động của Chi hội Phụ nữ đang thiết thực góp phần giúp phụ nữ vùng cao ở Bản Tèn và Mỏ Nước được tiến bộ hơn cả trong cách làm và suy nghĩ. Tạm biệt các chị, chúng tôi thấy đường về đỡ khó nhọc hơn chứng kiến đời sống của phụ nữ vùng cao đã và đang được quan tâm chăm lo.