Vừa hoàn thành ngày 25/10. báo cáo tình hình nghiện ma túy, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện của Chính phủ đã đưa ra nhiều con số đáng sợ.
Như, đến cuối tháng 9 năm 2014 cả nước có 204.377 người nghiện ma túy. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm kể từ năm 1994 đến nay (năm 1994 là 55.445 người).
Như vậy, trung bình mỗi năm Việt Nam tăng khoảng 7.000 người nghiện ma túy.
Chính phủ cho biết, người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn, đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội từ học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động.
Chiếm 96% số người nghiện ma túy chiếm là nam giới, 4% là nữ giới, 74% ở độ tuổi 18-35, có 1% dưới 18 tuổi.
Người nghiện sử dụng heroin là 72% và có xu hướng giảm dần, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp nhóm kích thích dạng amphetamin (ATS) ngày càng gia tăng (2,5% năm 2005, 14,5 % đến tháng 9 năm 2014).
Tại một số địa phương, tỷ lệ học viên trong trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội đã từng sử dụng ma túy tổng hợp cao như: Đà Nẵng 74%, Tây Ninh 61%, Trà Vinh 49%.
Báo cáo Quốc hội về kết quả trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai, Chính phủ cho biết chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy từ năm 2011 đến nay đã cấp cho dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai” với tổng số tiền là 322,960 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2006 - 2010, tổng kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các trung tâm cai nghiện là khoảng 800 tỷ đồng. Giai đoạn 2011-2014, ngân sách đã bố trí là 607 tỷ đồng còn phương án đang được báo cáo Quốc hội năm 2015 dự kiến chỉ còn 30 tỷ.
Báo cáo cho hay, một người cai nghiện bắt buộc ngân sách chi 9.440.000 đồng/năm, đối tượng chính sách là 14.840.000 đồng/năm. Trong khi đó, học viên đăng ký đi cai nghiện tự nguyện tại trung tâm thì phải đóng toàn bộ số tiền trên.
Theo báo cáo. đến tháng 9 năm 2014, cả nước có 142 trung tâm cai nghiện ma túy, trong đó có 123 trung tâm nhà nước quản lý và 19 trung tâm do các tổ chức và cá nhân thành lập. 9 tháng đầu năm 2014, các trung tâm đã tiếp nhận cai nghiện cho 3.946 người, chủ yếu là những người đã có quyết định trước khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực.
Cùng thời gian này có 2.902 người được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, tương đương với 1,4% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.
Vẫn tính đến cuối tháng 9/2014, có 19.024 người đang được quản lý sau cai nghiện, trong đó, số được quản lý tại trung tâm là 4.800 người (25,23%) và số được quản lý tại nơi cư trú là 14.224 người (74,77%).
Thực chất quản lý sau cai tại trung tâm chỉ có ý nghĩa kéo dài thời gian quản lý người nghiện tại trung tâm, việc hỗ trợ cho người nghiện về việc học nghề, tạo việc làm để tái hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả thấp, Chính phủ đánh giá.