Đó là khẳng định của Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Nguyễn Trần Hiển tại Hội thảo truyền thông về chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức ngày 30/9 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Trần Hiển, chương trình tiêm chủng mở rộng đã triển khai chiến dịch tiêm miễn phí vắc xin phối hợp sởi - rubella cho trẻ từ 1- 14 tuổi thí điểm tại 4 huyện thuộc 4 khu vực gồm: Huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ), huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế), huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) và thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tại các điểm tiêm chủng, các cán bộ y tế đều thực hiện đầy đủ qui trình an toàn tiêm chủng như: Tư vấn, khám sàng lọc, tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm. Đặc biệt, đến nay tại các địa phương không có trường hợp tai biến sau tiêm chủng, chỉ có một tỷ lệ rất thấp trẻ có biểu hiện sốt nhẹ và đã hết sốt trong thời gian ngắn. Đối với trẻ chưa tiêm, các huyện sẽ tổ chức tiêm vét đầy đủ, đảm bảo đạt 95% theo chỉ tiêu kế hoạch đặt ra của chiến dịch.
Đến nay, tại các huyện triển khai thí điểm chiến dịch có khoảng 43.000 trẻ được tiêm miễn phí vắc xin sởi - rubella. Tại huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), chiến dịch triển khai từ ngày 15 - 28/9 tại 9 xã với tổng số đối tượng dự kiến tiêm là 25.998 trẻ. Trong ngày tiêm đầu tiên (15/9), tại 11 điểm tiêm chủng ( 9 điểm tại trường học và 2 điểm tại Trung tâm y tế huyện) của huyện có gần 3.000 trẻ đăng ký tiêm.
Tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chiến dịch được triển khai từ ngày 15 - 24/9 tại 17 xã, phường với tổng số đối tượng dự kiến tiêm khoảng 30.927 trẻ và đến ngày 24/9, số trẻ được tiêm vắc xin sởi - rubella là 25.292 trẻ.
Tại huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ), chiến dịch được triển khai tại 22 xã bắt đầu từ ngày 22/9 với số trẻ dự kiến tiêm là 9.666 trẻ và đến ngày 24/9, số trẻ được tiêm 8.536 trẻ.
Huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) triển khai tiêm vắc xin sởi - rubella từ ngày 20 - 24/9 tại 20 xã với số trẻ dự kiến tiêm là 6.700 trẻ và đến ngày 24/9, số trẻ được tiêm là 6.515 trẻ.
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Nguyễn Trần Hiển cho biết: Vắc xin sởi - rubella là vắc xin an toàn. Sau tiêm chủng có thể gặp một số phản ứng như đau tại chỗ tiêm; sốt nhẹ kéo dài trong 1- 2 ngày (chiếm khoảng 5 - 15%); phát ban xuất hiện từ 7 - 10 ngày sau khi tiêm (chiếm khoảng 2%); nổi hạch, đau cơ và cảm giác khó chịu. Phản ứng nặng sau tiêm như giảm tiểu cầu, sốc phản vệ rất hiếm gặp. Đặc biệt vắc xin rất hiếm khi gây phản ứng dị ứng như nổi mề đay, ngứa và phát ban dị ứng trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng.
Được biết, để tiến tới loại trừ bệnh sởi theo mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2017 và khống chế bệnh rubella, với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ triển khai tiêm mũi 1 vắc xin phối hợp sởi - rubella miễn phí cho khoảng 23 triệu trẻ từ 1 - 14 tuổi trên toàn quốc tại các điểm tiêm chủng trong trường học hoặc trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Mục tiêu của chiến dịch là phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% trẻ trong diện tiêm chủng được tiêm vắc xin sởi - rubella; đồng thời đảm bảo chất lượng, an toàn tiêm chủng theo qui định. Chiến dịch này sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ mắc và giảm gánh nặng bệnh sởi, rubella và hội chứng rubella bẩm sinh trong cộng đồng.
Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng sẽ tổ chức thành 3 đợt. Đợt 1 sẽ triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 1 - 5 tuổi (từ tháng 9 - 10/2014); đợt 2 cho trẻ từ 6 - 10 tuổi (từ tháng 11 - 12/2014) và đợt 3 cho trẻ từ 11 - 14 tuổi (từ tháng 1 - 2/2015). Trước khi triển khai trên diện rộng, việc triển khai trên quy mô nhỏ đang được tiến hành tại 4 huyện thuộc 4 khu vực gồm: Huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ), huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế), huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) và thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để rút kinh nghiệm về công tác tổ chức trước khi triển khai trên quy mô toàn quốc.
Bệnh sởi, rubella là bệnh truyền nhiễm phổ biến có thể gây thành dịch ở trẻ em với số người mắc bệnh lớn, tỷ lệ tử vong cao cũng như để lại di chứng nặng nề cho người bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: Các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin sởi mũi 1 đạt trên 80% nên sử dụng vắc xin phối hợp sởi - rubella trong tiêm chủng thường xuyên để đồng thời khống chế bệnh rubella, sởi và tăng cường hiệu quả của công tác tiêm chủng./.