Chia sẻ từ Bình Thuận và Đồng Nai

16:20, 26/10/2014

Mới đây chúng tôi có dịp đi thực tế để trao đổi và học tập kinh nghiệm về thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) tại một số tỉnh phía Nam. Mặc dù mỗi tỉnh đều có điều kiện và đặc thù khác nhau, song những gì mắt thấy, tai nghe mà chúng tôi ghi chép được ở Bình Thuận và Đồng Nai dưới đây có thể là những kinh nghiệm quý báu để chúng ta tham khảo trong thực hiện QCDC ở Đảng bộ tỉnh nhà.

Kinh nghiệm ở Bình Thuận

 

Vượt qua hơn 1500 km, chúng tôi dừng chân trên đất Bình Thuận trong tiết trời thu đẹp nắng. Chiếc xe ô tô 26 chỗ ngồi của chúng tôi lướt nhẹ trên con đường bê tông liên xóm đến thăm vườn thanh long của bà con xã Hồng Sơn huyện Hàm Thuận Bắc. Cây trồng cho thu nhập chủ yếu của bà con trong xã là cây lúa và cây thanh long. Đồng chí Dương Văn Đông - Bí thư huyện uỷ kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện QCDC của xã phấn khởi chia sẻ: Mấy năm gần đây, xã tập trung chủ yếu vào chỉ đạo xây dựng đường bê tông xi măng liên thôn xóm, đặc biệt chú trọng nguồn huy động sức dân, chủ động sửa chữa đường xá, giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát triển kinh tế. Triển khai thực hiện QCDC, với phương châm lãnh đạo "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", nhiều mô hình mới trong các đoàn thể quần chúng xuất hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực như "Tổ nhân giống lúa", "Tổ thanh long VietGap tự quản tự phòng, bảo đảm an ninh trật tự" của hội Nông dân phối hợp với công an; mô hình "Bữa cháo dinh dưỡng", "Tạo việc làm cho hội viên" của hội phụ nữ; mô hình "Tổ nuôi chim bồ câu" của đoàn thanh niên...

 

Gần đây, tỉnh chủ trương mở nhiều lớp tập huấn cho BCĐ các cấp để nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế; tăng cường tư vấn pháp luật, phát triển thêm các hội đồng tư vấn pháp luật giúp người lao động (NLĐ) hiểu biết để tự bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình. Hiện, BCĐ cấp tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nghiên cứu đề tài khoa học Thanh tra về thực hiện chế độ chính sách với NLĐ trong thời kỳ mới với mục đích điều chỉnh các nhà đầu tư dần vào khuôn khổ, quan tâm nhiều hơn đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Trước đây, công tác thanh tra, kiểm tra thường thiên về kiểm tra ngân sách, tài chính. Song, khi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài, vốn chủ yếu là của họ thì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nên điều chỉnh vào các nội dung thực hiện thỏa ước, chế độ chính sách đối với NLĐ.

 

Trên địa bàn tỉnh có dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ I A đi qua, nhưng chỉ trong thời gian gần 2 tháng, tỉnh đã vận động được hơn 7.500 hộ dân bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đúng kế hoạch với tổng chiều dài gần 170 km, không xảy ra khiếu kiện. Đặc biệt, triển khai làm đường bê tông xi măng liên xóm khu vực nông thôn, khi hiểu ra vấn đề, nhận thức đúng lợi ích của việc làm đường, ở nhiều địa phương bà con còn ủng hộ, ứng trước vốn để xây dựng đường giao thông rộng hơn so với quy chuẩn của Nhà nước. Đồng chí Dương Văn An, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Có được kết quả đó, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó phần đóng góp không nhỏ - hạt nhân của phong trào chính là các thành viên trong BCĐ thực hiện QCDC các cấp. Cùng với đó là công tác tuyên truyền được phối hợp nhịp nhàng qua các kênh thông tin, tập trung dồn sức vận động, tuyên truyền đối với những hộ dân khu vực trọng tâm, trọng điểm nên việc giao mặt bằng cho đơn vị thi công đảm bảo đúng thời hạn. BCĐ thực hiện QCDC của tỉnh cũng đã nhận ra những hoạt động chồng chéo khi tỉnh đang tồn tại nhiều BCĐ, khó phân định cụ thể trách nhiệm của cá nhân, đơn vị được phân công khi một cán bộ phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc. Hiện nay, BCĐ tỉnh đang nghiên cứu để đề nghị với tỉnh, Trung ương có chỉ đạo cụ thể, giảm bớt một số BCĐ mà hiệu quả công việc vẫn không bị ảnh hưởng.

 

Chia sẻ từ Đồng Nai

 

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng (chiếm 56,9%) và thương mại - dịch vụ (chiếm 36,8%). Toàn tỉnh có 36 khu công nghiệp (KCN) được Chính phủ phê duyệt, trong đó có 31 KCN đã đi vào hoạt động; có hơn 18.500 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn đăng ký hơn 112.000 tỷ đồng và 25 tỷ USD (143 DN Nhà nước, 1046 DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là DN tư nhân), thu hút gần 820.000 NLĐ làm việc (trong đó, số NLĐ ngoài tỉnh nhập cư chiếm khoảng 60%, lao động nữ chiếm 67%).

 

Tổ chức Công đoàn là tổ chức được giới chủ quan tâm thành lập trong các DN. Đồng chí Hồ Thanh Hồng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết: Liên đoàn lao động tỉnh luôn bám sát hoạt động của các DN, chỉ đạo thành lập và tổ chức các hoạt động cho đoàn viên; tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện quyền và nghĩa vụ, chế độ chính sách đối với NLĐ. Hiện nay, đã có 1.011 tổ chức công đoàn cơ sở với trên 409.000 đoàn viên. Tổ chức đoàn thanh niên có 115 với gần 6.000 đoàn viên và 24 tổ chức cơ sở hội với 463 hội viên trong DN ngoài quốc doanh. Các cấp bộ đoàn luôn quan tâm thành lập chi đoàn, chi hội ngay trong khu vực nhà trọ để thuận lợi cho việc quản lý và tổ chức các hoạt động cho đoàn viên, thanh niên. Việc xây dựng và phát triển tổ chức đảng trong các DN đã được quan tâm. Tính đến tháng 10 năm 2014, toàn tỉnh có 126 tổ chức Đảng trong DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài với 2.537 đảng viên, tăng 6 tổ chức cơ sở đảng và 29 đảng viên so với năm 2013. Nhận thức của NLĐ cũng như DN về tổ chức đảng, các đoàn thể trong DN, nhất là DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã được nâng lên. Thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể, lựa chọn quần chúng tích cực đi học bồi dưỡng để kết nạp Đảng. Các tổ chức đảng, đoàn thể trong DN cơ bản đều phát huy được vai trò hạt nhân chính trị trong thực hiện nhiệm vụ, giữ được mối quan hệ và tạo được niềm tin với giới chủ. 

 

Ngoài các BCĐ theo hướng dẫn của Trung ương, tỉnh thành lập BCĐ công tác dân vận riêng. Hiện nay tỉnh cũng đang thí điểm gộp 3 ban thành 1 ban để chỉ đạo nhiệm vụ tránh chồng chéo (đó là các ban Thực hiện QCDC ở cơ sở, Xây dựng nông thôn mới, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa). Do đặc thù của địa phương là có nhiều DN hoạt động, Đảng bộ DN cấp tỉnh không thể quản lý được sinh hoạt đảng của các cụm, KCN, Đảng bộ tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Ban Thường vụ Đảng bộ các huyện chỉ đạo thành lập Đảng bộ Khối DN cấp huyện để thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó chú trọng thực hiện phát huy dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ tại các DN. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Bí thư huyện ủy huyện Trảng Bom tâm đắc: Khi tổ chức công đoàn trong các DN phát triển vững mạnh sẽ hỗ trợ cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương rất nhiều trong việc quản lý, vận động và thuyết phục khi có vấn đề xảy ra; các hoạt động Đảng, đoàn thể trong DN cần phải hoạt động linh hoạt, tìm mọi biện pháp để tranh thủ sự ủng hộ của giới chủ; tránh hành chính hóa, tuyệt đối tôn trọng giờ làm việc của giới chủ; trong công tác vận động quần chúng không được chủ quan, nóng vội; cần lựa chọn xây dựng mô hình điểm để nhân rộng, lưu ý đáp ứng nhu cầu cả hai phía: hoạt động chính trị của tổ chức Đảng, các đoàn thể và lợi ích của NLĐ cũng như DN.

 

 

 

Đoàn công tác của tỉnh làm việc tại huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai.

 

Vài chia sẻ về thực hiện QCDC ở Bình Thuận và Đồng Nai có lẽ cũng gợi mở cho mỗi chúng ta những suy nghĩ về đổi mới hoạt động, phát huy tốt quyền làm chủ để mỗi người được cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới. Trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, chúng ta hãy tìm cách vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc thù địa phương, tăng cường phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thông qua thực hiện QCDC, giúp người dân nâng cao nhận thức của mình, hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân trong cộng đồng. Từ đó chủ động khắc phục khó khăn, tích cực thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác để vừa cống hiến cho xã hội, vừa làm giàu cho chính bản thân, gia đình mình.

 

 * Bình Thuận là mảnh đất có diện tích tự nhiên với gần 8000m2, sở hữu bờ biển có chiều dài 192 km với vùng lãnh hải rộng 52.000 km2; tỉnh có dân số trên 1,2 triệu người với 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 127 đơn vị hành chính cấp xã cùng 35 dân tộc anh em cùng chung sống; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 7% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 4,88%.

 

* Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện với dân số gần 3 triệu người, diện tích 5.907,2 km2. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt ở mức cao. Đồng Nai có 10 tôn giáo với 43 tổ chức giáo hội đang hoạt động, số lượng tín đồ các tôn giáo hơn 1,7 triệu người, chiếm gần 65% dân số. Toàn tỉnh có 31 dân tộc thiểu số với hơn 179.000 người, chiếm 7,1% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 2%.