Sau hơn 2 tuần triển khai, Chiến dịch tiêm phòng sởi - rubella giai đoạn 2014-2015 cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng tiến độ. Đã có gần 48 nghìn trẻ em được tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi - rubella an toàn.
Theo kế hoạch, Chiến dịch tiêm chủng ở Thái Nguyên tiến hành thành 3 đợt, trong đó đợt 1 (từ tháng 10 đến tháng 11-2014) chủ yếu tiêm cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, đợt 2 (tháng 12-2014) tiêm cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi và đợt 3 (từ tháng 1 đến tháng 2-2015) tiêm cho trẻ từ 11 đến 14 tuổi. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 500 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó trên 100 bệnh nhân sau khi xét nghiệm có dương tính với bệnh sởi và đã có bệnh nhân tử vong do sởi. Nhiều ổ dịch sởi không chỉ xuất hiện ở khu vực trường học, tập trung đông dân cư mà còn lây lan rộng tại các xóm, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
Chiến dịch tiêm phòng sởi - rubella trên địa bàn tỉnh diễn ra từ tháng 10-2014 đến tháng 2-2015 với mục tiêu 98% trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 14 được tiêm vắc xin, đảm bảo chất lượng an toàn tiêm chủng. Loại vắc xin phòng sởi - rubella sử dụng trong chiến dịch là vắc xin phối hợp gồm 2 kháng nguyên sống, giảm độc lực sởi và rubella, đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thẩm định và cho phép sử dụng từ năm 1994.
Huyện Phổ Yên là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện Chiến dịch. Tính đến nay, huyện đã hoàn thành đợt I đã có trên 13,7 nghìn trẻ trong tổng số trên 15 nghìn trẻ dự kiến được tiêm phòng. Tại xã Tân Hương, đơn vị được huyện chọn mở đầu Chiến dịch, chúng tôi ghi nhận nơi tiếp đón, khám phân loại, khu vực tiêm, theo dõi sau tiêm được bố trí phù hợp, thuận tiện. Trẻ lần lượt qua khám sàng lọc, cán bộ y tế tư vấn những điều cần biết và hướng dẫn cha mẹ trẻ chờ 30 phút sau tiêm để theo dõi sức khoẻ. Những bé phát hiện sốt hoặc đang điều trị các thuốc chống chỉ định với vắc xin sởi - rubella đều được hoãn tiêm, đưa vào danh sách tiêm vét.
Bác sĩ Trương Trung Kiên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hương cho biết: Qua rà soát, toàn xã có trên 1,6 nghìn trẻ trong độ tuổi tiêm phòng vắc xin sởi – rubella, trong đó riêng đợt I có khoảng 900 trẻ em trong độ tuổi tiêm phòng. Để thực hiện Chiến dịch, Trạm tổ chức một bàn tiêm với năng lực tiêm cho 200 trẻ/ngày với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho công tác khám sàng lọc. Ngoài ra, Trạm cũng chuẩn bị một số thuốc cấp cứu và xây dựng chương trình xử lý ngay khi gặp sự cố tiêm chủng nên đã bảo đảm tiêm an toàn cho 100% trẻ được tiêm. Chị Nguyễn Thị Hoa, 36 tuổi, ở xóm Đồng Đình có 2 con trong độ tuổi tiêm phòng đợt I của Chiến dịch cho biết: Từ đầu tháng 10-2014, tôi đã nhận được giấy báo tiêm phòng cho con từ các y tá thôn bản. Được tuyên truyền đầy đủ về lợi ích của việc tiêm vắc xin nên tôi đưa cả hai cháu đến tiêm theo đúng lịch.
T.P Thái Nguyên là địa phương mới nhất triển khai Chiến dịch tiêm phòng sởi - rubella. Dự kiến, sẽ có trên 60 nghìn trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 14 tuổi sống trên địa bàn được tiêm phòng, riêng đợt 1, là trên 23 nghìn trẻ. Bà Phan Bích Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố cho biết: T.P Thái Nguyên đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 98% trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 14 tuổi được tiêm vắc xin sởi - rubella an toàn. Tại phường Hoàng Văn Thụ, đơn vị được chọn mở màn Chiến dịch của thành phố triển khai, tính đến chiều 24-10, đã có trên 500 trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi. Chị Lê Thị Tuyến, ở tổ 19 cho biết: Mặc dù lịch tiêm vào ngày làm việc nhưng tôi vẫn thu xếp công việc xin nghỉ buổi sáng để đưa con đi tiêm. Tôi cho rằng Chiến dịch này rất thiết thực bởi thực tế như đầu năm đã có rất nhiều cháu mắc sởi do không được tiêm phòng đầy đủ.
Qua rà soát từ các trạm y tế cơ sở, các trường học, dự kiến có khoảng trên 266 nghìn trẻ sẽ được tiêm vắc xin phòng sởi - rubella trong Chiến dịch. Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngay trước khi tiến hành Chiến dịch, ngành Y tế đã tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ cho tất cả cán bộ y tế thực hiện công tác tiêm phòng. Công tác quản lý, sử dụng vắc xin trong tiêm chủng cũng được củng cố, hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin tại tuyến tỉnh và huyện đã được bổ sung để đáp ứng yêu cầu; tại các trạm y tế xã, phường còn được bổ sung các phích vắc xin, nhiệt kế, thiết bị theo dõi nhiệt độ dây truyền lạnh... đảm bảo chuẩn bị tốt nhất về vấn đề an toàn tiêm chủng.
Tính đến nay, đã có 5 huyện, thị trong tỉnh hoàn thành đợt I của Chiến dịch là: Định Hóa, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phổ Yên và T.X Sông Công. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tại 5 huyện kể trên đã có gần 48 nghìn trẻ được tiêm phòng đợt I, đạt tỷ lệ gần 87%. Có trên 6,9 nghìn trẻ đã phải hoãn chờ đợt tiêm vét do một số nguyên nhân như: đang mắc các bệnh cấp tính, đang sốt chưa rõ nguyên nhân, đang sử dụng một số thuốc chống chỉ định... Bác sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Qua kiểm tra chúng tôi nhận thấy công tác tổ chức Chiến dịch của các địa phương đã được thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự. Chính vì thế, ngoài việc bảo đảm tiến độ đề ra, các đơn vị cũng bảo đảm tốt công tác an toàn khi mới chỉ có 13 trẻ bị sốt nhẹ sau tiêm và đến nay đã hết sốt. Tỷ lệ trẻ bị phản ứng chỉ xấp xỉ 0,03%.
Trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác thực hiện dịch tại một số địa bàn, đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác phối hợp chuẩn bị giữa ngành Y tế, Giáo dục và các địa phương. Đồng chí cho biết, đây là Chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi, rubella, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2017, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh. Chính vì thế, UBND tỉnh đã yêu cầu Ban chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan phối hợp đồng bộ để Chiến dịch không bỏ sót đối tượng, đồng thời triển khai tiêm vắc xin an toàn cho trẻ em.