Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những khâu đột phá nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, thời gian gần đây, huyện Đồng Hỷ đã không ngừng đẩy mạnh công tác hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa bộ phận "một cửa" ở cả cấp huyện và cấp xã. Đánh giá kết quả từ năm 2013 đến nay cho thấy, sự chuyển biến trong giải quyết các TTHC trên địa bàn toàn huyện là khá rõ nét.
Khi tôi đang có ý định tìm hiểu về công tác cải cách hành chính ở Đồng Hỷ thì tình cờ có anh bạn rủ cùng đến bộ phận "một cửa" (tiếp nhận và trả kết quả) của huyện nộp hồ sơ xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tại đây, chị Nguyễn Thị Mẫn, chuyên viên phụ trách lĩnh vực đất đai đã tiếp nhận hồ sơ, cẩn thận kiểm tra từng loại giấy tờ thủ tục. Khi thấy đã đầy đủ, chị Mẫn liền viết giấy hẹn, đúng 12 ngày sau đến nhận kết quả. Trong giấy hẹn ghi đầy đủ thông tin, số điện thoại của thường trực bộ phận "một cửa" để khi cần người nộp hồ sơ có thể liên lạc. Chị Mẫn cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, chúng tôi chuyển luôn cho các phòng, ban chức năng của huyện để thẩm định và giải quyết theo thẩm quyền. Nếu có vướng mắc gì về hồ sơ, thủ tục, chúng tôi sẽ gọi lại cho người nộp để kịp thời bổ sung. Tất cả đều được giải quyết trên tinh thần nhanh gọn, chính xác và đúng quy định.
Hiện nay, bộ phận "một cửa" của huyện đã được điều chỉnh để thực hiện giải quyết đối với 6 TTHC ở 3 lĩnh vực là đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng và đất đai. Trong đó, có các thủ tục gồm: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể, hợp tác xã; cấp Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; cấp Giấy chứng nhận thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Theo ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đồng Hỷ thì hiện nay, quy trình giải quyết các TTHC ở UBND huyện và UBND 18 xã, thị trấn trên địa bàn đều được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Điều đáng nói là hiện tại UBND huyện và các xã Minh Lập, Tân Long, thị trấn Chùa Hang đang triển khai thực hiện theo Đề án thí điểm mô hình "một cửa liên thông" trong lĩnh vực đất đai. Các đơn vị trên đều đã lập sổ theo dõi, thông báo đến từng xóm, niêm yết quy trình giải quyết các TTHC theo cơ chế này tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Qua đó, giúp các tập thể, cá nhân biết để vừa thực hiện vừa giám sát hoạt động của bộ phận giải quyết TTHC.
Là một địa bàn có nhiều xã miền núi, vùng cao, song công tác giải quyết các TTHC đã được huyện Đồng Hỷ chú trọng đầu tư, cải thiện rất nhiều. Minh Lập là một trong những xã miền núi còn nhiều khó khăn, lượng giải quyết các TTHC không quá nhiều, nhưng bộ phận "một cửa" ở đây không vì thế mà bị xem nhẹ. Mấy năm gần đây, xã này đã chủ động sắp xếp, bố trí cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất, thiết bị máy móc cho bộ phận "một cửa". Theo lãnh đạo xã thì 3 lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp xã đang được địa phương thực hiện tốt là: Đất đai - xây dựng, tư pháp - hộ tịch và văn hóa - xã hội. Tại đây, chúng tôi được gặp hai vợ chồng anh Triệu Quang Mạnh, người dân trong xã đến làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con. "Tôi cứ nghĩ việc làm các thủ tục ở xã là sẽ khó khăn, rườm rà lắm, nhưng đến đây rồi mới thấy chẳng phức tạp chút nào. Từ khi nộp hồ sơ, giấy tờ đến khi nhận giấy khai sinh cho con chỉ mất gần 30 phút" - anh Mạnh tâm sự.
Được biết, bộ phận "một cửa" cấp huyện và các phòng, ban chuyên môn của huyện đang thực hiện 187 TTHC, đối với cấp xã là 106 TTHC. Theo chỉ đạo của UBND huyện, thời gian qua các bộ phận liên quan đã tiến hành rà soát các TTHC ở từng lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có nhiều phức tạp, nhạy cảm, quan hệ trực tiếp với công dân và tổ chức như: Quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng... Trên cơ sở đó nghiên cứu rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC so với trước; đơn giản hóa các thủ tục và công khai hóa các loại giấy tờ, hồ sơ, phí, lệ phí. Những TTHC nào thấy không phù hợp hoặc quá rườm rà đều được huyện xem xét, kiến nghị và điều chỉnh kịp thời. Từ năm 2013 đến nay, toàn huyện tiếp nhận khoảng 16 nghìn hồ sơ, TTHC, trong đó cơ bản các hồ sơ đều được giải quyết kịp thời, chỉ còn một số ít tồn đọng do các nguyên nhân khách quan hoặc do người nộp chậm bổ sung theo yêu cầu. Tỷ lệ TTHC được giải quyết ở cấp xã chiếm tới 70% đến 80%.
Nói về tính chuyên nghiệp và trách nhiệm cao của cán bộ làm tại bộ phận giải quyết TTHC Đồng Hỷ, chúng tôi xin dẫn lời của chị Nguyễn Thị Mẫn, chuyên viên bộ phận "một cửa" của UBND huyện: Chúng tôi làm việc theo phương châm "hết việc, không hết giờ". Là huyện miền núi, nhiều đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa, nhiều khi đến được nơi giải quyết TTHC của huyện cũng mất cả buổi. Lắm lúc 11 giờ 30 phút mới thấy bà con mang hồ sơ đến. Hiểu được những vất vả đó, chúng tôi luôn thông cảm, chia sẻ và tạo mọi điều kiện để giải quyết thủ tục cho bà con. Riêng lĩnh vực đất đai của tôi, mỗi năm cũng tiếp nhận khoảng 2 nghìn lượt hồ sơ...