Cơ hội hòa nhập cho người nghiện

15:30, 02/10/2014

Sau 3 năm được triển khai ở huyện Đại Từ, chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã thu được những hiệu quả tích cực. Điều trị Methadone đã mở ra cơ hội hòa nhập cộng đồng cho nhiều người nghiện ma túy trên địa bàn huyện.

Ngày nào cũng vậy, cứ 6 giờ sáng, anh N.T.H ở xã An Khánh lại bắt xe buýt từ T.P Thái Nguyên (nơi anh đang làm việc) đến Cơ sở điều trị Methadone thuộc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ để uống Methadone rồi tranh thủ trở về bắt đầu công việc hàng ngày. Anh H. cho biết: Năm 2001, sau khi thi trượt đại học, tôi bị đám bạn rủ rê, lôi kéo nghiện hút ma túy. Tôi đã cố gắng cai nghiện nhiều lần nhưng đều không thành công. Trung bình mỗi ngày tôi tốn từ 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng cho ma túy. Năm 2012, được sự giới thiệu của Công an xã, tôi đã đăng ký điều trị Methadone. Từ sau khi điều trị đến nay, tôi đã gần như đoạn tuyệt với ma túy. Được biết, sau khi điều trị Methadone, anh H. còn được một người họ hàng tin tưởng và hợp tác mở cửa hàng dịch vụ cho thuê xe máy, xe đạp điện tại T.P Thái Nguyên.

 

Trao đổi với nhiều bệnh nhân khác, chúng tôi nhận được những đánh giá tích cực về chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Anh B.V.T ở thị trấn Hùng Sơn, một trong những người đầu tiên tham gia điều trị cho biết: Trước kia, khi còn sử dụng ma túy, tôi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không muốn lao động nhưng sau khi điều trị Methadone, tôi cảm thấy sức khỏe được cải thiện, tinh thần cũng phấn chấn hơn rất nhiều. Hiện, tôi đã không còn thèm thuốc phiện. Giờ đây, tôi đã có thể tìm được công việc làm thợ xây tương đối ổn định với mức thu nhập 4-4,5 triệu đồng/tháng. Không những vậy, tôi còn được người thân trong gia đình và hàng xóm tin tưởng trở lại.

 

Cơ sở điều trị Methadone của huyện Đại Từ được thành lập từ tháng 9-2011. Tính đến hết tháng 9-2014, có tổng số 309 bệnh nhân tham gia điều trị tại Cơ sở trên tổng số 769 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại địa phương. Trong số đó, 100% bệnh nhân đã được khám sàng lọc phát hiện bệnh lao, viêm gan B, viêm gan C; được tư vấn và xét nghiệm HIV, tư vấn phòng lây nhiễm HIV… Các bệnh nhân nhiễm HIV được lập hồ sơ chăm sóc sức khỏe định kỳ, điều trị ARV khi điều kiện sức khỏe đảm bảo. Hàng ngày, bệnh nhân đến đây đều được uống thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế. Theo đánh giá sơ bộ của Trung tâm Y tế huyện Đại Từ, hầu hết người nghiện tham gia điều trị bằng chất thay thế Methadone đã bỏ hẳn ma túy và tinh thần được cải thiện.

 

Cùng với công tác điều trị, Cơ sở đã có nhiều biện pháp để giúp người nghiện từ bỏ ma túy, trở lại hòa nhập cộng đồng. Từ năm 2012, Cơ sở đã liên kết với Trung tâm dạy nghề huyện để trên 50 người đến điều trị tham gia một số lớp học xây dựng, hàn xì tạo điều kiện cho bệnh nhân tìm được việc làm, ổn định cuộc sống. Cơ sở còn liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi bệnh nhân sinh sống và lực lượng công an theo dõi tình hình người nghiện ma túy để có phương án quản lý kịp thời. Mỗi bệnh nhân đến điều trị tại Cơ sở đều được khuyến khích tham gia Câu lạc bộ bệnh nhân điều trị Methadone để chia sẻ kinh nghiệm điều trị, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Định kỳ 15 ngày/lần, Cơ sở điều trị Methadone huyện Đại Từ tổ chức một buổi thảo luận cho từng nhóm nhỏ (15-20 người) để giải đáp thắc mắc, lắng nghe nguyện vọng của bệnh nhân. Cơ sở cũng đã phối hợp với một số tổ chức tôn giáo trên địa bàn đến thăm, tặng quà và động viên tinh thần của bệnh nhân…

 

Bác sĩ Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, phụ trách Cơ sở điều trị Methadone huyện Đại Từ cho biết: Sau 3 năm triển khai điều trị Methadone kết hợp với tư vấn, hỗ trợ tâm lý xã hội và các biện pháp giáo dục, quản lý, hỗ trợ hướng nghiệp, có thể nói, đây là một trong những phương pháp hiệu quả giúp người nghiện từ bỏ các chất gây nghiện, mở ra cơ hội hòa nhập công đồng cho họ. Tuy nhiên, người nghiện vẫn cần sự quan tâm của người nhà và cộng đồng để tạo ra một môi trường lành mạnh, cách ly người nghiện với các chất gây nghiện. Hơn nữa, công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh để hạn chế những suy nghĩ sai lệch, tâm lý e ngại của người dân về Methadone.