Còn nhiều vụ cháy do ý thức chủ quan

09:29, 04/10/2014

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ cháy, giảm tới 33 vụ với cùng kỳ năm 2013 (58 vụ). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ cháy do chập điện hoặc cho ý thức chủ quan của con người dẫn tới thiệt hại về người và tài sản.

Theo quy định của Pháp luật hiện hành về PCCC, khi nhận được tin báo cháy trong phạm vi địa bàn bảo vệ, các đơn vị Cảnh sát PCCC đều phải điều động lực lượng, phương tiện đến đám cháy và tổ chức dập tắt đám cháy. Cá nhân, tổ chức để xảy ra cháy không phải thanh toán bất kỳ khoản chi phí chữa cháy nào cho Cảnh sát PCCC, kể cả các cá nhân, tổ chức có mua hoặc không mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức để xảy ra cháy, tuỳ theo tính chất của vụ việc, mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý theo hành chính hoặc truy cứ trách nhiệm hình sự.

 

Ngày 15-5, vì bất cẩn trong sử dụng lửa trong quá trình đun nấu, tại nhà ông Lý Văn Khình, xóm Khuân Ngục, xã La Hiên (Võ Nhai) đã xảy ra cháy nhà sàn của gia đình ông Khình. Thiệt hại ước tính khoảng 15 triệu đồng. Ngày 22-5, tại xóm Bản Cái, xã Ôn Lương (Phú Lương) đã xảy ra vụ cháy gây thiệt hại tới 100 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định do chập điện từ nhà ông Hoàng Đức Thụ gây cháy. Đám cháy bốc lên nhanh khiến người dân không kịp dập và đã cháy lan sang nhà bà Nguyễn Thị Mai (là mẹ ruột anh Thụ) khiến hai ngôi nhà và nhiều thiết bị, vật dụng sinh hoạt bị cháy.

 

Trước đó, ngày 20-5, tại khu vực sân Bảo tàng Văn hóa Các dân tộc Việt Nam, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên), xe ô tô nhãn hiệu Ford của ông Ngô Thượng Hà, thường trú tại tổ 10, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) đã bị chập điện gây cháy toàn bộ đầu xe. Nghiêm trọng hơn, ngày 29-6, tại xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) xảy ra một vụ cháy đồi cây thuộc quản lý của gia đình ông Thẩm Hồng Bẩy, 56 tuổi. Nguyên nhân vụ cháy do ông Thẩm Hồng Bảy đốt cây để khai thác đất đồi làm kinh tế dẫn tới cháy lớn, vượt tầm kiểm soát. Vụ cháy đã làm ông Thẩm Hồng Bẩy tử vong do ngạt khói trong lúc cố gắng kiểm soát đám cháy. Trên đây là những vụ cháy tương đối điển hình xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

 

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), tính đến ngày 15-9, toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ cháy. Theo Thượng úy Nguyễn Sơn Tùng, Đội phó Đội tham mưu, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, ngoài những vụ cháy đã có thống kê như trên, còn phải kể đến nhiều vụ cháy mà người dân không báo với lực lượng PCCC do thiếu hiểu biết, lo ngại phải chi trả chi phí chữa cháy hoặc người dân tự dập lửa thàng công. Ngoài ra, theo ông Tùng, cũng có hàng chục vụ cháy các cột điện, đường dây điện gây thiệt hại không lớn, không được lực lượng PCCC đưa vào thống kê. Mới đây nhất, ngày 24-9, tại khu vực tổ 29, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) đã xảy ra vụ cháy cột điện. Ngay sau khi xảy ra cháy, lực lượng PCCC nhận được tin báo của người dân đã kịp thời dập tắt không để đám cháy lan sang các hộ dân liền kề. Tính từ đầu năm tới nay, đã có trên 10 vụ cháy cột điện như vậy được cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH ghi nhận.

 

Theo Thượng úy Nguyễn Sơn Tùng, mặc dù số vụ cháy có giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013 nhưng thiệt hại về kinh tế giảm không giảm nhiều trong khi thiệt hại về con người lại gia tăng. Đã có 2 người tử vong từ đầu năm tới nay do hậu quả của các vụ cháy. Đáng lo ngại là có nhiều các vụ cháy do chập điện hoặc do ý thức chủ quan của con người gây ra. Ông Tùng cũng cho biết, thời gian gần đây, tình hình cháy tại các hộ gia đình có tổ chức sản xuất, kinh doanh, buôn bán tại gia có chiều hướng gia tăng, thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe và tài sản, gây dư luận lo lắng trong quần chúng nhân dân. Ngoài những vụ cháy trên địa bàn, một số vụ cháy ở các địa phương khác để lại hậu quả nghiêm trọng khiến cơ quan chức năng hết sức lo ngại như: vụ cháy quán Karaoke Nhật Thực ở 43G Giảng Võ (Hà Nội) xảy ra ngày 3-5 làm 5 người chết; vụ cháy xảy ra tại căn nhà số 416 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5 (T.P Hồ Chí Minh) làm 7 người chết; gần đây nhất, ngày 23-9 tại quán bar Luxury trên đường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội) đã xảy ra cháy lớn, ngọn lửa bùng lên dữ dội thiêu rụi 2 tầng của quán, 13 người bị ngạt khói và bỏng đã được đưa vào bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu… Nguyên nhân các vụ cháy nêu trên là do ý thức chủ quan, lơ là với nạn cháy, thiếu kiến thức về an toàn PCCC trong sử dụng nguồn lửa, nguồn điện như: thờ cúng, đun nấu, sử dụng thiết bị điện không đảm bảo an toàn... Mặt khác tại một số hộ gia đình có tổ chức sản xuất, kinh doanh, buôn bán luôn tồn chứa một khối lượng lớn các chất dễ cháy như: xăng dầu, hóa chất, gas, cao su, nhựa, bông vài sợi, đệm mút...

 

Để đảm bảo an toàn PCCC trong mùa hanh khô, các cơ quan chức năng khuyến cáo các hộ gia đình có tổ chức sản xuất, kinh doanh, buôn bán tại gia trên địa bàn tỉnh: kiểm tra, sửa chữa hệ thống điện, thay thế dây dẫn điện, thiết bị điện đã bị xuống cấp, hư hỏng; hạn chế dùng các thiết bị tiêu thụ điện có công xuất lớn; không để các thiết bị tiêu thụ điện quá gần nguyên liệu, vật tư, hàng hóa dễ cháy; bố trí khu vực đun nấu riêng cách xa nguyên liệu, vật tư, hàng hóa; khi đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phải có người giám sát; sắp xếp nguyên liệu, vật tư, hàng hóa gọn gàng ngăn nắp, không cản trở lối đi lại, ra, vào; không nên tồn chứa số lượng nguyên liệu, vật tư, hàng hóa quá lớn trong nhà; lắp đặt thiết bị báo cháy; trang bị bình chữa cháy khí CO2 hoặc bình bột chữa cháy để phát hiện và xử lý kịp thời có hiệu quả các sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu khi mới phát sinh; tham gia tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ do địa phương tổ chức...